Phương án hạ giải di tích Chùa Cầu để trùng tu được đa số đại biểu thống nhất tại Hội thảo quốc tế Trùng tu Chùa Cầu - quan điểm và giải pháp do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 16/8.
Bên cạnh việc khẳng định trùng tu bảo tồn đối với di sản Chùa Cầu cần đảm bảo tư liệu hóa kỹ lưỡng, đảm bảo tính chân xác khi lắp dựng, cũng như phải đánh giá đầy đủ yếu tố, nguy cơ rủi ro, thì có hai từ “chống sốc” bà Hường đưa ra tại hội thảo là đáng lưu tâm.
Cụ thể, theo bà Hường, trong trường hợp hạ giải toàn bộ di tích, phải quan tâm đến vấn đề chống sốc cho cộng đồng đặc biệt với người dân địa phương và du khách. Người đại diện UNESCO dẫn chứng việc trùng tu Phu Vân Lâu (Huế) áp dụng hạ giải toàn phần nhưng vẫn không gây sốc cho cộng đồng.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự, từ những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đã phản đối phương án hạ giải (tháo dỡ) để cứu Chùa Cầu. Khi đó, phía Nhật Bản cũng tổ chức hội thảo bàn về trùng tu di tích 400 năm vốn còn có tên gọi “cầu Nhật Bản” này. Nhật Bản cũng cam kết tài trợ 900 ngàn yên Nhật cộng với mọi chi phí phát sinh để trùng tu bằng cách hạ giải triệt để công trình, chứ không gia cố, tu bổ từng phần.
Khi ấy, một phương án mà Hội An đặt nhiều hy vọng, đó là nhờ sự ra tay của Thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy. Ông Lũy đã bỏ công khảo sát. Và tuy chưa có điều kiện thăm dò phần móng, nhưng với kinh nghiệm của người từng “bứng gốc” dời chuyển thành công trên 150 công trình, ông Lũy tự tin rằng mình hoàn toàn có thể thành công với việc làm lại móng cho Chùa Cầu mà không cần gỡ một viên ngói.
Sau gần 20 năm, ông Lũy đã ra đi. Còn ông Sự, bây giờ đành chấp nhận tháo dỡ để trùng tu các phần khác của di tích, ngoài phần mái. Bởi nỗi lo lớn nhất của ông, đó là sợ người Hội An sốc khi không còn nhận ra vẻ đẹp mềm mại tinh tế có một không hai của nếp mái Chùa Cầu.
Như cách ông ví, sợ giống người “cạo trọc rồi đội tóc giả”. Ông nói, nhà cửa công trình Hội An đẹp là nhờ hệ mái với những đầu hồi, bờ chảy, bờ nóc, hoa văn, họa tiết... Nay không khéo sẽ mất đi hồn cốt, và tính nguyên gốc của di sản. “Hội An vừa “chép” tặng tỉnh kết nghĩa Thanh Hóa một công trình nguyên xi như Chùa Cầu của Hội An, nhưng không ai gọi đó là Chùa Cầu cả”, ông Sự đưa ra liên tưởng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thượng Hỷ - một chuyên gia trùng tu, đặc biệt về kiến trúc gỗ từng học tại Nhật, lại tỏ ra rất lạc quan, tự tin với phương án hạ giải để trùng tu.
“Hạ giải, tháo gỡ chứ không phải đập đi. Bây giờ kỹ thuật, phương tiện có thể đáp ứng được hết. Sẽ ráp trả lại từng viên ngói. Đặc biệt, với phần mái của di tích, những mảng kết cấu đẹp, hoa văn chạm trổ tinh tế có thể được cắt rời nguyên khối để sau đó dán lại. Tôi đã từng làm rồi nên thấy không có gì đáng lo”.
Trở lại vấn đề người dân và du khách có thể bị sốc bởi vẻ lạ lẫm của di tích sau khi trùng tu, bà Phạm Thị Thanh Hường cho rằng điều đó rất hay xảy ra. Bởi họ đã quá quen với hình ảnh của di tích, coi đó là “chuẩn mực”... Trong khi không biết rằng bản thân di sản để vượt qua thời gian còn đến ngày hôm nay đã phải trải qua biết bao lần can thiệp, tu sửa. Mỗi giai đoạn lại có thêm những yếu tố mới khác với nguyên gốc được cấy thêm vào. Nên trong trường hợp các chuyên gia trả di tích về với bản gốc của chính nó (có phần khác với hình ảnh hiện hữu), nếu thiếu đi sự giải thích, thuyết minh đầy đủ, rất dễ bị nhận “gạch đá” của dư luận!
“Chùa Cầu đặc biệt ở chỗ nó là di tích sống, còn là nơi để con người thường xuyên qua lại. Không thể “đóng khung, lồng kính” để ngó như nhiều di tích khác. Nên tôi biết đây sẽ là một dự án trùng tu đặc biệt. Tất nhiên yếu tố gốc được đặt lên hàng đầu” – nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ, nói.