Năm ngoái, ông He Jiankui gây sốc cho cộng đồng khoa học sau khi thông báo đã sửa thành công gene của hai bé gái sinh đôi ra đời vào tháng 11 năm ngoái để chúng không nhiễm HIV.
Ông He phát biểu tại một diễn đàn về chuỗi gene người ở Hong Kong rằng có “một trường hợp mang thai tiềm năng” của một cặp vợ chồng khác.
Điều tra của chính quyền địa phương vừa xác nhận có một phụ nữ đang mang thai mang gene chỉnh sửa, và người này vẫn chưa sinh con, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua đưa tin.
Người phụ nữ mang thai này và cặp song sinh đầu tiên sẽ được theo dõi sức khỏe, một điều tra viên nói với Xinhua.
Kết quả điều tra cho thấy ông He đã “giả mạo các bài đánh giá đạo đức” và “cố tình né tránh giám sát”.
Ông này đã bí mật tổ chức một nhóm gồm cả nhân viên nước ngoài và sử dụng “công nghệ có khả năng bảo đảm an toàn và hiệu quả chưa chắc chắn” để chỉnh sửa phôi thai người một cách bất hợp pháp.
Các nhà điều tra xác định động cơ của người đàn ông này là muốn đạt được “danh vọng cá nhân” và sử dụng “quỹ tự huy động” để phục vụ thí nghiệm gây tranh cãi.
8 cặp vợ chồng gồm những ông bố dương tính với HIV và mẹ âm tính với HIV đã đăng ký tham gia thử nghiệm của He, nhưng một cặp vợ chồng sau đó bỏ cuộc.
Thông tin chi tiết về thí nghiệm sau khi được công bố đã vấp phải chỉ trích dữ dội của cộng đồng khoa học toàn cầu, và chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu dừng thí nghiệm của He vài ngày sau khi nó được công bố.
Chỉnh sửa gene người là hoạt động bị cấm ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Xinhua cho biết He sẽ bị “xử lý nghiêm khắc theo pháp luật” và vụ việc sẽ được chuyển giao cho công an.
Nhà khoa học này tốt nghiệp ĐH Stanford ở Mỹ và được tuyển dụng về nước theo “Kế hoạch ngàn tài năng” của Bắc Kinh nhằm đảo ngược tình trạng chảy máu chất xám.
Đại học Khoa học Công nghệ ở Thâm Quyến, nơi He đang công tác, tuyên bố không liên quan đến thử nghiệm này, và cho biết He đã nghỉ việc không lương từ tháng 2 năm ngoái sau khi “vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghiên cứu”.
He nói rằng bộ gene của cặp song sinh nói trên được sửa bằng CRISPR, một kỹ thuật cho phép các nhà khoa học loại bỏ và thay thế sợi gene với độ chính xác cao.
Các chuyên gia lo ngại việc can thiệp vào hệ gene của bào thai có thể gây hại không chỉ cho cá nhân người đó mà còn cho cả thế hệ sau này.