Trung Quốc: Bị chỉ trích nặng vì chỉnh sửa gene thai nhi

Hạ Kiến Khuê tại Hội nghị chỉnh sửa gene quốc tế lần 2 tại Hongkong hôm 28/11
Hạ Kiến Khuê tại Hội nghị chỉnh sửa gene quốc tế lần 2 tại Hongkong hôm 28/11
TP - Ngày 26/11, trang web của Nhân dân Nhật báo bất ngờ đưa tin “Đứa trẻ được chỉnh sửa gene đầu tiên miễn dịch với HIV-AIDS trên thế giới đã ra đời ở Trung Quốc” với nội dung: “Một cặp song sinh gái được chỉnh sửa gene là Lulu và Nana đã ra đời khỏe mạnh tại Trung Quốc trong tháng 11.

Một gene của hai bé gái này đã được chỉnh sửa để sau khi ra đời các em có khả năng đề kháng virus HIV bẩm sinh. Đây là những trường hợp trẻ em chỉnh sửa gene để kháng HIV-AIDS đầu tiên trên thế giới; cũng có nghĩa là Trung Quốc đã thực hiện được đột phá mang tính lịch sử trong lĩnh vực kỹ thuật chỉnh sửa gene để đề kháng bệnh tật”. “Thành tựu khoa học” này được tạo nên bởi nhóm nghiên cứu gồm 8 người của Phó giáo sư Hạ Kiến Khuê ở Khoa Sinh vật, Đại học Khoa học kỹ thuật Nam Phương (Thâm Quyến); công trình này được Bệnh viện Phụ - Nhi Hòa Mỹ Thâm Quyến xem xét phê duyệt về vấn đề luân lý (đạo đức). Nhóm nghiên cứu đã tiến hành sửa đổi gene CCR5 - tác nhân mở cửa cho virus HIV xâm nhập vào tế bào.

Để sửa được gene CCR5, nhóm nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật CRISPR/Cas9 “cắt và dán” gene một cách chính xác, giúp loại bỏ và thay thế các phần DNA trong phôi gần như theo ý muốn. Bằng cách này, Hạ Kiến Khuê và các đồng sự hy vọng hai đứa trẻ có thể miễn dịch với HIV-AIDS trong suốt cuộc đời.

Hạ Kiến Khuê giới thiệu, nhóm 8 người của ông đã sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene có tên “CRISPR/Cas9”. Kỹ thuật này có thể định vị chính xác và tiến hành tu sửa gene, nên còn được gọi là “phẫu thuật gene”. Mục tiêu của kỹ thuật này là tiến hành “biên tập” lại gene, tiến hành cắt bỏ và chắp vá thêm vào những đoạn DNA đặc biệt, có ưu thế vượt trội so với các loại kỹ thuật khác, có thể chỉnh sửa hữu hiệu nhất, nhanh gọn nhất bất cứ gene nào. Kỹ thuật CRISPR/Cas9 không chỉ chỉnh sửa thai nhi, loại bỏ các bệnh di truyền, mà về lý thuyết thậm chí có thể thay đổi diện mạo, giúp các bậc cha mẹ “thiết kế” đứa con tương lai của họ.

Tuy nhiên, sau khi “thành tựu khoa học” này được Nhân dân Nhật báo công bố đã gây nên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ ở cả trong và ngoài Trung Quốc. Ngày 29/11, hãng thông tấn chính thức Tân Hoa xã của Trung Quốc đưa tin: người phụ trách ba cơ quan Ủy ban Y tế & Sức khỏe quốc gia, Bộ Khoa học kỹ thuật và Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Trung Quốc đã cùng ra tuyên bố: sự kiện ra đời hài nhi chỉnh sửa gene “tính chất cực kỳ xấu xa, đã yêu cầu đơn vị liên quan đình chỉ hoạt động nghiên cứu của những người liên quan, kiên quyết điều tra xử lý hành vi vi phạm pháp luật và quy định”. Ông Từ Nam Bình, Thứ trưởng Bộ Khoa học kỹ thuật ngày 29/11, khi trả lời phóng viên Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã nói: “Việc chỉnh sửa gene hài nhi đã ngang nhiên vi phạm điều lệ pháp quy liên quan của nhà nước, ngang nhiên phá vỡ ranh giới đạo đức học thuật, khiến người ta kinh hoàng”.

Viện sĩ Hoài Tiến Bằng, Bí thư đảng ủy Hiệp hội Khoa học Trung Quốc tối 29/11 phát biểu trên CCTV: sự kiện ra đời trẻ chỉnh sửa gene “tính chất cực kỳ xấu xa, làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh và lợi ích của giới khoa học Trung Quốc”, “Chúng tôi bày tỏ phẫn nộ và kịch liệt lên án cách làm của nhân viên và cơ quan liên quan vụ việc ngang nhiên thách thức giới hạn đạo đức, chà đạp tinh thần khoa học”. Hiệp hội Khoa học kỹ thuật cho biết đã bãi bỏ tư cách tham gia “Giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên Trung Quốc lần thứ 15” của Hạ Kiến Khuê. Ngành y tế đang tiến hành điều tra về Hạ Kiến Khuê. 122 nhà khoa học và học giả nổi tiếng cũng đã ký tên vào bản tuyên bố chung phản đối việc Hạ Kiến Khuê tiến hành chỉnh sửa gene hài nhi, nói: “Việc trực tiếp tiến hành thực nghiệm trên người chỉ có thể hình dung bằng từ ngông cuồng”.

Hội Di truyền học, Hội khoa học sinh mạng, Hội Tế bào sinh vật… đều ra tuyên bố lên án việc sử dụng chỉnh sửa gene vào mục đích sinh sản. Trường Đại học Khoa học kỹ thuật Nam Phương nơi Hạ Kiến Khuê làm việc và Ủy ban Y tế, sức khỏe tỉnh Quảng Đông và thành phố Thâm Quyến đã lập tức đóng cửa niêm phong Phòng thí nghiệm của Hạ Kiến Khuê và tiến hành điều tra hoạt động của nhóm nghiên cứu này.

Tuy nhiên, bản thân Hạ Kiến Khuê có vẻ vẫn không hay biết việc mình bị điều tra. Hôm 28/11, ông đã xuất hiện và phát biểu tại Hội nghị cấp cao quốc tế lần thứ 2 về chỉnh sửa gene tại Hongkong, cao giọng “tôi cảm thấy rất tự hào về bước đột phá y học của mình”. Ông cho biết, có 7 cặp vợ chồng tham gia thực nghiệm, Lulu và Nana là một cặp hài nhi được sinh ra; nhóm có trong tay 31 thai nhi, 70% số này đã được chỉnh sửa gene; ông cũng tiết lộ có một phụ nữ khác cũng đang mang thai bào thai đã được chỉnh sửa gene. Hạ Kiến Khuê nói, nếu cần ông cũng sẽ thử chỉnh sửa gene của chính con mình.

Khi được hỏi về việc quốc tế đã thỏa thuận cấm chỉnh sửa gene của thai nhi, vì sao ông lại lựa chọn vượt giới hạn? Hạ Kiến Khuê nói, 3 năm trước ông đã công khai chia sẻ các số liệu và được đáp ứng, trước khi nghiên cứu lâm sàng cũng hỏi qua ý kiến của chuyên gia về vấn đề đạo đức khoa học. Hạ Kiến Khuê chỉ xin lỗi vì “bảo mật không tốt” nên thông tin về sự ra đời của hai bé chỉnh sửa gene đã lộ lọt và bị báo chí đưa tin trước khi diễn ra hội nghị.

Hạ Kiến Khuê quê Hồ Nam, năm 2006 tốt nghiệp khoa Vật lý cận đại, Đại học Khoa học kỹ thuật Trung Quốc; năm 2010 lấy được bằng Tiến sĩ Vật lý sinh vật Đại học Rice University (Mỹ), từ 2011 đến 2012 làm nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Viện Đại học Stanford, trong thời gian này ông nghiên cứu về gene cùng Giáo sư khoa Công trình sinh học Stephen Quake, rồi về giảng dạy tại Đại học Khoa học kỹ thuật Nam Phương; từ 1/2/2018 ông được nhà trường cho tạm nghỉ không nhận lương đến tháng 1/2021.

MỚI - NÓNG