Trung Quốc và Mỹ thực sự đạt được tiếng nói chung?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tháng 11 năm 2017 (Ảnh:AFP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tháng 11 năm 2017 (Ảnh:AFP)
TPO - Giới chức thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Washington trong vài ngày tới, nhằm nỗ lực để đạt được một thỏa thuận cuối cùng giữa 2 nước về vấn đề thương mại.

Đây là vòng đối thoại thứ 2 kể từ cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Argentina vào năm ngoái. Thời điểm đó, 2 nhà lãnh đạo đã nhất trí cho một giải pháp thương lượng, với hi vọng sẽ xoa dịu sức nóng từ cuộc chiến thương mại giữa 2 nước.

Đã có nhiều sự hoài nghi về việc Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận chắc chắn trước hạn chót là ngày 1 tháng 3 tới hay không, do 2 bên vẫn còn cách xa “hàng cây số” như những gì Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhận định. Đặc biệt, những cáo buộc gần đây với tập đoàn Huawei từ phía Mỹ càng khiến cho tình hình trở nên phức tạp thêm.

Dù vậy, Tại một buổi họp báo trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã đưa ra một số hứa hẹn khả quan. Bộ trưởng Mnuchin cho biết trước báo giới: “chúng ta chỉ còn 30 ngày nữa nên tôi hi vọng chúng ta sẽ đạt được những tiến triển đáng kể trong những cuộc gặp mặt này, nhưng tôi xin nhấn mạnh vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp cần được giải quyết.”

Được biết, phái đoàn của Trung Quốc sẽ được dẫn đầu bởi phó Thủ tướng Lưu Hạc, một cố vấn kinh tế thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình, và thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Dịch Cương. Họ sẽ gặp gỡ Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro.

Bản chất cuộc chiến này là gì?

Tổng thống Trump từ lâu đã cáo buộc sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vai trò một nước xuất khẩu đã gây thiệt hại đối với ngành sản xuất và cướp đi việc làm tại Mỹ, và đó là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến thương mại giữa 2 nước. Nhưng thực chất, những vấn đề khiến 2 quốc gia này phải đối mặt với nhau còn phức tạp hơn thế rất nhiều

Mỹ vốn đang thúc ép Trung Quốc phải thay đổi các chính sách kinh tế của mình, những thứ được cho là gây bất lợi đối với những công ty tại Mỹ thông qua các khoản trợ giá và các hình thức hỗ trợ khác. Ngoài ra, Mỹ cũng cáo buộc Chính quyền Bắc Kinh đã ủng hộ các hoạt động đánh cắp công nghệ, thứ được coi như một phần trong chiến lược phát triển công nghệ bành trướng hơn của nước này.

Vị thế của 2 nước giờ ra sao?

Mỹ đã áp đặt các khoản thuế lên 250 tỉ Đô la hàng hóa của Trung Quốc vào năm ngoái. Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả bằng việc đánh vào 110 tỉ Đô la hàng hóa của Mỹ tính cả tiền thuế. Các động thái trên đã làm rung chuyển các thị trường tài chính trên thế giới và gây hoang mang về một sự lao dốc kinh tế của cả 2 nước, đặc biệt là Trung Quốc.

Vì thế, áp lực phải có một thỏa thuận thương mại nhằm hòa hoãn chiến sự là một điều thực sự cấp bách, nhưng vấn đề hiện tại là liệu 2 bên có thể gạt bỏ những khác biệt của nhau để cùng đạt được tiếng nói chung hay không. Hiện tại, giới chức Trung Quốc vẫn đang cực lực phản đối những thay đổi trong cách tiếp cận buôn bán của Mỹ. Cùng với đó, những cáo buộc đối với Huawei, một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất và thành công nhất tại Trung Quốc, vẫn tiếp tục khiến tình hình chính trị giữa 2 nước trở nên căng thẳng.

Trong khi đó, Tổng thống Trump, tự nhận mình là “người áp thuế”, đã bác bỏ một đề nghị trước đó từ Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp thương mại giữa 2 nước, trong đó có đề xuất việc tăng mức tiêu thụ đối với hàng hóa từ Mỹ. Điều này đã khiến Trung Quốc phải nới rộng đề nghị trên trong những tuần vừa qua. Và phải đến lúc đó, Tổng thống Trump mới tuyên bố trước công luận rằng một thoả thuận chung vẫn là điều nằm trong tầm tay. Ông Trump đã viết trên Twitter rằng điều này sẽ “có ý nghĩa rất lớn” đối với Trung Quốc để “cuối cùng có thể đưa ra một thỏa thuận đích thực”.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Với việc đội ngũ cố vấn trong Nhà Trắng vẫn còn chia rẽ với nhau, mọi sự tập trung đều sẽ đổ dồn vào Tổng thống Trump, người được lên lịch sẽ gặp phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Washington ngay trong tuần này, như một phần trong các vòng đối thoại giữa 2 nước.

Nếu cả 2 bên không thể đạt được một thỏa thuận nào vào ngày 1 tháng 3 tới, Mỹ cho biết sẽ tăng mức áp thuế từ 10% lên 25% lên các mặt hàng của Trung Quốc, với giá trị ước tính lên tới 200 tỉ Đô là Mỹ. Trước đó, Tổng thống Trump cũng đe dọa sẽ áp thêm mức thuế lên 267 tỉ Đô la hàng hóa từ Trung Quốc.

Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn cho rằng một thỏa thuận thương mại đạt được với Trung Quốc sẽ góp phần nâng cao vị thế chính trị của bản thân mình ở trong nước, sau cuộc chiến “sứt đầu mẻ trán” với đảng Dân chủ về việc góp tiền xây tường biên giới, khiến Chính phủ Mỹ đóng cửa. Ngoài ra, Tổng thống Trump còn hi vọng điều này sẽ củng cố vững chắc cho tư tưởng về chủ nghĩa bảo hộ của mình.

Các chuyên gia phân tích tại Capital Economics cũng nhận định: “Theo chúng tôi, cả 2 nước vẫn có thể đạt được một thỏa thuận “giữ thể diện” nhằm hòa hoãn với nhau trong thời gian ngắn và tránh cho sự căng thẳng leo thang.”

Thực tế trong lúc này, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn sự hòa hoãn có thể kéo dài lâu hơn nữa.

Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.