Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, Đại sứ lưu động phụ trách vấn đề tự do tôn giáo quốc tế Samuel Brownback, hai Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Ted Cruz, Hạ nghị sĩ Chris Smith cùng với Ủy ban điều hành quốc hội Mỹ về Trung Quốc sẽ bị Bắc Kinh trừng phạt. “Tân Cương hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và Mỹ không có quyền can thiệp. Quyết tâm của chính phủ Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền, truy quét chủ nghĩa khủng bố, ly khai và các lực lượng tôn giáo cực đoan là không thể lay chuyển”, bà Hoa nói. Bà cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ có thêm những biện pháp khác tùy thuộc vào tình hình.
Giữa tuần trước, chính phủ Mỹ quyết định trừng phạt nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc phụ trách khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương vì những người này “được tin là phải chịu trách nhiệm, hoặc đồng lõa, với việc giam giữ bất công hoặc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc thiểu số Kazakh và những người thuộc các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương”. Trong số quan chức Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt có ông Trần Toàn Quốc, Bí thư Đảng ủy khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, biện pháp trừng phạt này phù hợp với Đạo luật Trách nhiệm nhân quyền toàn cầu Magnitsky, theo đó Mỹ có thể trừng phạt các quan chức nước ngoài bị cáo buộc vi phạm nhân quyền bằng cách chặn tất cả tài sản của cá nhân hay tổ chức và báo cáo với Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ.
Cách đối xử của Trung Quốc với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vấp phải nhiều chỉ trích quốc tế. Liên Hợp Quốc ước tính, hơn 1 triệu người Hồi giáo ở đây bị giam giữ trong các trại cải tạo, nhưng Bắc Kinh khẳng định đó là những trung tâm đào tạo nghề nhằm đối phó với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Những biện pháp trả đũa qua lại càng khiến quan hệ Bắc Kinh - Washington lao dốc. Hai nước đang mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề, từ tranh chấp thương mại đến cạnh tranh địa chính trị trên biển Đông. Mỹ gần đây cũng thông qua luật trừng phạt những quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và Hong Kong. Theo đó, các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc cản trở việc đi lại của các nhà ngoại giao, nhà báo và du khách đến những nơi này sẽ bị Mỹ hạn chế visa. Ông Brownback là quan chức Mỹ duy nhất bị đưa vào danh sách trừng phạt của Trung Quốc, trong khi ông Trần Toàn Quốc, một ủy viên Bộ Chính trị, là quan chức Trung Quốc cấp cao nhất bị Mỹ trừng phạt.
Mỹ hiếm khi trừng phạt quan chức Trung Quốc, nhưng việc này không phải chưa có tiền lệ. Trường hợp duy nhất trước đó là ông Gao Yan, cựu giám đốc Công an Bắc Kinh, bị cáo buộc liên quan đến cái chết của nhà hoạt động Cao Shunli năm 2014.
Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại ĐH Phúc Đán ở Thượng Hải, cho rằng, bước đi của Bắc Kinh lần này cho thấy quan điểm cứng rắn hơn với Washington. “Các biện pháp trừng phạt cả hai bên chủ yếu mang tính biểu tượng. Nhưng với việc trừng phạt một ủy viên Bộ Chính trị, Mỹ đang phá vỡ giới hạn và Trung Quốc đang điều chỉnh chính sách với Mỹ, để thể hiện rằng Bắc Kinh có thể chống lại sự khiêu khích một cách tương ứng”, Wu nói.
Ðổ lỗi cho Mỹ
Liên quan đến mâu thuẫn trên biển Đông, cuối tuần qua, Bộ tư lệnh chiến khu miền nam của quân đội Trung Quốc đăng một bài viết trên tài khoản WeChat chính thức nói rằng, dù Mỹ muốn trấn an các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Washington có thể cứng rắn với cả bạn bè. Bài viết này nêu ví dụ là Ấn Độ bị Mỹ dọa trừng phạt sau khi ký một thỏa thuận mua vũ khí của Nga. Bài viết đổ lỗi cho Mỹ đang gieo rắc bất hoà ở khu vực, đồng thời cho rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ổn định hòa bình ở khu vực “cần được tôn trọng”.
Bài viết được đăng tải 1 ngày sau khi Mỹ thực hiện đợt tập trận quy mô lớn trên biển Đông, với sự tham gia của 2 tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan nhằm “ủng hộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do”, như khẳng định của Hải quân Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó nói rằng, đợt tập trận gần đây của Hải quân Trung Quốc quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động vi phạm các cam kết quốc tế mà Trung Quốc đưa ra về việc tránh những hành động có thể “làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ở khu vực”.