Kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc đáng lẽ diễn ra vào tháng 3 nhưng phải hoãn đến nay do tình hình đại dịch COVID-19 nghiêm trọng.
Hai hội nghị này là dịp để Bắc Kinh công bố các chương trình kinh tế, mục tiêu phát triển và kế hoạch chi tiêu ngân sách của năm. Trong cuộc họp hồi tháng 4, Bộ Chính trị Trung Quốc xác định những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt là “chưa từng có tiền lệ”.
Kỳ họp năm nay diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực quốc tế gia tăng về cách nước này xử lý đại dịch COVID-19 từ khi nó nổ ra đầu tiên ở Vũ Hán. Một số chính phủ nước khác đang yêu cầu Bắc Kinh phải cung cấp thêm thông tin về nguồn gốc dịch bệnh và tiến hành điều tra quốc tế.
Quan hệ của Trung Quốc với Mỹ xuống đến mức thấp chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, khiến ngay cả những ngôn từ và cử chỉ ngoại giao thông thường cũng bị thay thế bởi trò đổ lỗi thẳng toẹt về nguyên nhân dịch bệnh và đe dọa đáp trả.
Sự cần thiết phải cân bằng kinh tế trong nước và phản ứng toàn cầu có thể khiến Bắc Kinh phải nghĩ lại về chiến lược, ông Shi Yinhong, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, nêu ý kiến.
“Các nguồn lực quốc gia đang suy giảm và đại dịch đang khiến môi trường toàn cầu phức tạp hơn. Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy Trung Quốc co lại nhất định về chiến lược”, ông Shi nói.
Tuy nhiên, ông Richard McGregor, một nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Á tại Viện Lowy ở Úc, không cho rằng COVID-19 sẽ khiến Trung Quốc thay đổi tư duy chiến lược.
“Các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc sẽ không thay đổi – đó là củng cố vai trò của Đảng ở trong nước và mở rộng ảnh hưởng ở nước ngoài trên nhiều lĩnh vực, như thương mại, công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, và quân sự, đặc biệt trên biển Đông, và trong cạnh tranh với Mỹ”, ông McGregor nói.
Trong khi đó, cách Trung Quốc đối phó với sức ép quốc tế gia tăng vì COVID-19 đang dẫn đến những tranh luận quyết liệt ở nước này.
Phe phản đối cho rằng cách nhóm Chiến binh sói, gồm các nhà ngoại giao và người ủng hộ, quở trách và đáp trả quyết liệt những người nước ngoài chỉ trích Trung Quốc sẽ không đủ để thay đổi tình hình.
Bà Elizabeth Economy, giám đốc nhóm nghiên cứu châu Á tại Hội đồng đối ngoại, một tổ chức tư vấn chính sách ở New York, nói rằng dù ngoại giao kiểu “chiến binh sói” đang khiến nhiều nước xa lánh Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh sẽ không đổi hướng.
“Những nỗ lực đó là nhằm hướng tới dư luận trong nước hơn là bên ngoài, và đó là lý do Bắc Kinh có ít động lực để thay đổi cách làm”, bà nói.
Chuyên gia này cho rằng những tổn thất kinh tế do COVID-19 gây ra sẽ khiến Bắc Kinh rút bớt đầu tư ra nước ngoài, trong đó có cả sáng kiến Vành đai Con đường. Nhưng kế hoạch mở rộng cái gọi là Con đường tơ lụa kỹ thuật số trong dữ liệu viễn thông sẽ tiếp tục, bà Economy nhận định.
Quý 1 năm nay là lần đầu tiên kể từ năm 1976 nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng âm. Số liệu thống kê chính thức cho thấy GDP giảm 6,8% trong 3 tháng đầu năm. Quý 1 năm ngoái, kinh tế nước này tăng 6,1%, mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Năm nay là năm Trung Quốc hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ 13. Những thảo luận về kế hoạch cho 5 năm tới đã bắt đầu diễn ra ở cấp cơ sở và sẽ hoàn tất vào mùa Thu năm nay.
Có một sự đồng thuận rằng việc đề ra kế hoạch cho 5 năm tới sẽ phải khác vì tình hình hiện nay không giống năm 2015. Nhưng có những suy nghĩ khác nhau về cách đưa những thay đổi đó vào chính sách ra sao.
Ông Zhao Xijun, phó hiệu trưởng Trường Tài chính thuộc ĐH Nhân dân, cho rằng Trung Quốc cần nghĩ nhiều hơn từ quan điểm kinh tế toàn cầu trong kế hoạch 5 năm tới, vì sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã tăng lên rất nhiều. Trung Quốc cần thông minh hơn sau khi đã rút ra bài học trong 5 năm qua.
“Đầu tư nước ngoài không nên là viện trợ đơn phương nữa nữa mà nên dựa nhiều hơn vào thị trường, và Trung Quốc cần tính đến cách Mỹ và châu Âu phản ứng với những hành vi đó”, ông Zhao nói.
Ông Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức nghiên cứu ở Bắc Kinh, kỳ vọng trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ tự chủ nhiều hơn trong các sản phẩm công nghệ cao như thiết bị bán dẫn.
“Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, chúng ta có thể thấy những thay đổi lớn trong lĩnh vực y tế cộng đồng và công nghệ cao, như giảm phụ thuộc vào nguồn cung chip từ nước ngoài”, ông Wang nói.
“Chúng ta có thể cũng sẽ thấy cú đẩy lớn để khuyến khích các ngành chế tạo trình độ cao, cho phép trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đóng vai trò lớn hơn trong các năm tới”, ông Wang nhận định.