3 nguyên tắc, 8 trọng tâm
Tại Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai-Con đường lần thứ 3 diễn ra ngày 18/10 ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu định hướng hợp tác BRI thời gian tới, nhấn mạnh 3 nguyên tắc “cùng lên kế hoạch, cùng phát triển và cùng hưởng thành quả” và đề xuất 8 hành động trọng tâm. Tám hành động trọng tâm bao gồm: Thiết lập mạng lưới kết nối đa chiều; Hỗ trợ xây dựng nền kinh tế thế giới mở; Thực hiện hợp tác thiết thực; Thúc đẩy phát triển xanh; Đẩy mạnh đổi mới khoa học và công nghệ; Tăng cường giao lưu nhân dân; Thúc đẩy hợp tác liêm chính BRI; và Củng cố thể chế hợp tác BRI.
Nhiều chuyên gia nhận định, 3 nguyên tắc “cùng lên kế hoạch, cùng phát triển và cùng hưởng thành quả” về cơ bản không có gì mới so với những gì Trung Quốc đã nêu ra với các đồng minh, đối tác khi mời họ tham gia BRI (như cùng tham vấn, hợp tác cởi mở, chung sống hài hòa, định hướng phát triển…). Nhưng có một điểm mới nhỏ ở đây thể hiện sự linh hoạt của Trung Quốc. Trước đây khi bàn vấn đề BRI với nước ngoài, Trung Quốc dùng cụm từ “cùng tham vấn” với ý là 2 bên trao đổi trước, Trung Quốc ghi nhận ý kiến đóng góp, giải đáp thắc mắc của đối tác. Còn giờ đây, Trung Quốc dùng cụm từ “cùng lên kế hoạch”, hàm ý coi trọng, tôn trọng đối tác hơn, coi họ ngang hàng với nước chủ nhà trong việc hợp tác BRI.
Học viên Lào thực hành lái tàu hỏa cao tốc (mô phỏng) tại Trung Quốc tháng 6/2023. Ảnh: Linh Nhi |
Theo giới quan sát, việc Trung Quốc thay đổi từ “cùng tham vấn” sang “cùng lên kế hoạch” xuất phát từ thực tế một số quốc gia và tổ chức quốc tế vẫn nghi ngờ BRI sẽ tác động tiêu cực đến họ về lâu về dài (bẫy nợ, ảnh hưởng chính trị-kinh tế của Trung Quốc tăng…). Việc thay đổi nguyên tắc này thể hiện thiện chí của Trung Quốc, giúp xoa dịu tâm lý nghi ngờ của cộng đồng quốc tế, của các nước đã, đang và sẽ tham gia BRI. Còn 2 nguyên tắc còn lại “cùng phát triển” và “cùng hưởng thành quả” tương tự như trước, dù câu chữ có chút thay đổi theo hướng tích cực hơn. Đó là “cùng có lợi” chuyển thành “cùng hưởng thành quả”.
Sách trắng BRI
Ngày 10/11, Trung Quốc phát hành Sách trắng “Sáng kiến Vành đai - Con đường: Trụ cột chính của Cộng đồng toàn cầu chung vận mệnh”. Theo giới quan sát, Sách trắng được đưa ra trong bối cảnh năm nay kỷ niệm 10 năm BRI ra đời; Trung Quốc tập trung thúc đẩy BRI nhằm giảm tính hiệu quả của hai đối trọng của Mỹ cùng đồng minh (một là Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu của Ấn Độ).
Trong khi đó, 8 hành động trọng tâm thể hiện 8 lĩnh vực mà Trung Quốc muốn gia tăng hợp tác với các quốc gia nói chung, các nước tham gia BRI nói riêng vì đây đều thuộc những lĩnh vực Trung Quốc quan tâm xưa nay hoặc mới nổi, như kết nối đa chiều, đổi mới khoa học công nghệ, phát triển xanh, giao lưu nhân dân… Và một hành động trọng tâm “Thúc đẩy hợp tác liêm chính BRI” là rất đáng lưu ý vì đây chính là hành động đi kèm nguyên tắc “cùng lên kế hoạch” ở trên, các nhà phân tích nhận định. Trung Quốc lần này nhấn mạnh yếu tố liêm chính trong hợp tác cũng chính là để trấn an các nước tham gia và có ý định tham gia BRI.
Cách tiếp cận phát triển CEC
Báo chí-truyền thông Trung Quốc đang tăng cường truyền bá thông điệp BRI là cách tiếp cận tổng hợp để phát triển toàn cầu. Quá trình truyền bá này sẽ được nâng lên một bước, không chỉ đơn thuần đưa tin bài, ảnh, video liên quan BRI mà biến BRI thành một đối tượng nghiên cứu, thành một bộ môn nghiên cứu khoa học là Phát triển BRI. Xinhua Institute (Viện Tân Hoa Xã) đi đầu trong việc này. Theo cơ quan này, 10 năm qua, hơn 150 nước và 30 tổ chức quốc tế đã gia nhập BRI, ký hơn 200 văn kiện hợp tác, BRI được đưa vào văn kiện của Liên Hợp Quốc, G20, APEC, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, trở thành trọng tâm nghiên cứu học thuật quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chú trọng dịch vụ vận tải đa phương thức vì nhu cầu vận tải hàng hóa với ASEAN đang tăng (ảnh chụp tại thành phố Côn Minh tháng 6/2023). Ảnh: Linh Nhi |
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nhiều nhà báo Trung Quốc cho biết, 3 nội dung nghiên cứu BRI trọng yếu mà Trung Quốc muốn truyền bá là: Logic lịch sử, thực tiễn và lý thuyết về quá trình phát triển liên tục của BRI; Ý nghĩa toàn cầu của BRI đối với hiện tại và tương lai (thúc đẩy sự phát triển chung trên toàn thế giới, tạo nền tảng cho việc xây dựng cộng đồng chung vận mệnh ở cả 3 cấp song phương, khu vực và toàn cầu - nhân loại); Cách tiếp cận phát triển của BRI là Kết nối-Hỗ trợ-Phối hợp (viết tắt là CEC) nhằm giải quyết 2 vấn đề chính của phát triển toàn cầu là thiếu động lực mạnh mẽ và phát triển không cân bằng.
Sức mạnh tổng hợp của CEC tập trung vào việc hợp tác chất lượng cao mở rộng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp và vai trò của chính phủ; trọng tâm là điều phối và điều chỉnh các mục tiêu phát triển của các đối tác khác nhau để đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi, cùng hưởng thành quả.
Nội dung tin bài của báo chí-truyền thông Trung Quốc xoay quanh ý chính: BRI cam kết thực hiện một cách tiếp cận phát triển cân bằng hơn, tạo điều kiện để các nước đang phát triển lựa chọn chính sách và con đường phát triển phù hợp cho mình. BRI đã tạo ra một mô hình hợp tác linh hoạt và cởi mở hơn. BRI bao gồm các quốc gia có nền văn hóa, hệ thống chính trị và các giai đoạn phát triển khác nhau và mở cửa cho tất cả các nước quan tâm đến tăng trưởng bền vững. BRI ủng hộ chủ nghĩa đa phương, tham vấn và hợp tác đa chủ đề. BRI coi trọng sự bình đẳng, học hỏi lẫn nhau, đối thoại và khoan dung, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kết nối giữa con người với con người giữa các quốc gia.
Về kết nối cơ sở hạ tầng, BRI nỗ lực kết nối giao thông qua đường sắt, đường bộ cao tốc, đường thủy và đường hàng không để đưa sản xuất và thị trường đến gần nhau hơn, đảm bảo thương mại hiệu quả và chất lượng cao hơn, đồng thời cho phép nhiều quốc gia hơn được hưởng lợi ích do kết nối, hội nhập kinh tế mang lại. Ví dụ, tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã giúp biến Lào không có đất liền thành một trung tâm liên kết trên đất liền. Tính đến tháng 9/2023, hơn 20,9 triệu chuyến tàu đã được thực hiện và hơn 25,36 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường sắt này. Từ năm 2013 đến năm 2022, thương mại hàng hóa của Trung Quốc với các nước đối tác BRI đã tăng từ 1.040 tỷ USD lên 2.070 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình hằng năm là 8%, Xinhua đưa tin.
Theo các nhà báo Trung Quốc, nội dung tin bài BRI trong thời gian tới có thêm ý mới: xây dựng Con đường tơ lụa sức khỏe/y tế, con đường tơ lụa xanh, con đường tơ lụa kỹ thuật số và con đường tơ lụa đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, nội dung tin bài BRI tầm quốc tế, tầm toàn cầu xoay quanh ý chủ đạo: BRI rất phù hợp với các kế hoạch, sáng kiến phát triển khu vực và toàn cầu. Sự hợp tác giữa các quốc gia đối tác BRI và các cơ quan khác nhau của Liên Hợp Quốc đã mang lại kết quả tốt đẹp, với việc khởi động các dự án như Liên minh các thành phố trên con đường tơ lụa trên biển-lục địa và đào tạo các nhà lãnh đạo trẻ từ các nước đang phát triển.
Các lĩnh vực hợp tác
Theo các nhà báo Trung Quốc, nước họ mong muốn xây dựng con đường tơ lụa kỹ thuật số liên kết để tạo ra cộng đồng chung vận mệnh chia sẻ lợi ích chung. Cụ thể, Trung Quốc hoan nghênh các nước, đặc biệt là những nước láng giềng tham gia sâu vào các lĩnh vực như thương mại xuyên biên giới, tiền điện tử, đào tạo kỹ năng số, số hóa dịch vụ công, chuyển đổi số trong công nghiệp…
Về hợp tác phát triển xanh, đây là xu thế chung toàn cầu, nhưng Trung Quốc mới tham gia giai đoạn đầu của phát triển xanh, không nhiều kinh nghiệm và có nhiều công nghệ liên quan như các nước Mỹ, Tây Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc có 2 ưu điểm rất phù hợp với nhiều nước đang phát triển là trình độ phát triển và định hướng, cơ chế, chính sách của Trung Quốc liên quan phát triển xanh có nhiều nét tương đồng. Năng lượng và giao thông xanh là hai mảng mà Trung Quốc rất mạnh, cụ thể như pin năng lượng mặt trời, điện gió, xe điện tự lái, tàu cao tốc…
Về hợp tác kết nối, Trung Quốc luôn muốn tăng kết nối, nhất là cơ sở hạ tầng với các nước, đặc biệt ASEAN để tận dụng phát triển thương mại, đầu tư. Hiện nay, Trung Quốc ưu tiên kết nối đường sắt khổ 1,4m và tiến tới kết nối đường hàng không (Con đường Tơ lụa trên không).