Trung Quốc: Thịt cừu rởm chứa chất độc hại

Trung Quốc: Thịt cừu rởm chứa chất độc hại
TP - Cảnh sát tỉnh Liêu Ninh vừa triệt phá đường dây sản xuất thịt cừu từ thịt vịt ôi tẩm phụ gia bị cấm dùng trong chế biến thực phẩm. Ngày 20-2, Bộ Bảo vệ Môi trường lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “làng ung thư” trong văn bản chính thức.

* Xuất hiện 247 làng ung thư

> Những thực phẩm Trung Quốc dính tai tiếng tại Việt Nam
> Ô mai, xí muội chứa hàm lượng chì vượt... 27 lần mức cho phép

Thịt cừu rởm được làm từ thịt vịt ôi
Thịt cừu rởm được làm từ thịt vịt ôi.

Theo Đài Truyền hình Trung ương và Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 18-2, ngay trước Tết Quý Tị, cảnh sát tỉnh Liêu Ninh phát hiện cơ sở chuyên sản xuất thịt cừu cuộn rởm bán cho các nhà hàng lẩu khắp nước.

Trước đó, người dân báo tin: Nhà máy chế biến thịt Thăng Thái ở huyện Liêu Dương chuyên sản xuất thịt cừu cuộn, nhưng mấy tháng gần đây thấy mua vào rất nhiều thịt vịt và một số loại thịt không rõ nguồn gốc.

Khi hơn 100 cảnh sát ập vào Thăng Thái, các công nhân đang miệt mài biến thịt vịt ôi thành thịt cừu tươi.

Theo giấy phép, Thăng Thái được phép sản xuất thực phẩm đông lạnh và chế biến từ thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, không có thịt vịt. Tuy nhiên, trong số nguyên liệu trong kho, không có thịt bò và thịt cừu, mà toàn thịt vịt.

Phụ gia chứa hóa chất gây ung thư

Cảnh sát phát hiện trong kho nhà máy có nhiều túi chất lỏng màu trắng ghi “Mỡ cừu”, “Mỡ dê”. Các phù thủy của Thăng Thái đã ngâm tẩm thịt vịt vào những loại mỡ rẻ tiền được mua từ Nội Mông để tạo mùi, dùng phụ gia để nhuộm, rồi cán, cuộn, tạo màu sắc tươi hồng cho sản phẩm.

Chủ nhà máy họ Dương khai nhận đã dùng các loại phụ gia không rõ tên, chỉ biết trong nghề gọi là bột “số 7”, “số 3”, hay nôm na là “thuốc giữ nước” để giữ cho sản phẩm luôn tươi, không bị hao.

Dương khai: 100kg thịt, sau khi ngâm vào nước được pha chất bột “số 7”, “số 3” sẽ thành 120kg.

Bản đồ các làng ung thư ở Trung Quốc
Bản đồ các làng ung thư ở Trung Quốc.

Kết quả giám định “chất số 7” và “chất số 3” cho thấy chúng chứa nhiều Sodium benzoate (C6H5CO2Na) - hóa chất bị cấm sử dụng trong chế biến sản phẩm từ thịt.

Sodium benzoate là chất bảo quản chống phân hủy, chống biến chất, dùng quá liều sẽ gây hại cho gan, cơ thể hấp thụ nhiều sẽ bị ung thư.

Chất phụ gia “số 3” có hàm lượng Sodium benzoate lên tới 121,2g/kg, gấp 60 lần mức cho phép (áp dụng với một số loại đồ uống). Sodium benzoate trong thịt cừu rởm có hàm lượng cao hơn nhiều lần mức cho phép.

Thăng Thái còn sử dụng Nitrite bị cấm tuyệt đối dùng trong công nghiệp thực phẩm. Phụ gia “chất số 7” có hàm lượng Nitrite cao tới 20,69%.

Nitrite là chất kịch độc, người trưởng thành chỉ cần hấp thụ 0,2 - 0,5g là đã ngộ độc, 3g là tử vong.

Nitrosamines phân giải từ Nitrite còn có thể xâm nhập vào cơ thể thai nhi thông qua nhau thai, gây dị dạng bào thai.

Nitrite cũng là chất gây ung thư. Theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc, Nitrite chỉ được phép có trong thịt hun khói, tối đa là 0,03g/kg.

Trong vụ đột kích Thăng Thái, cảnh sát bắt giữ 34 người, tịch thu lượng hàng trị giá trên 30 triệu nhân dân tệ (gần 5 triệu USD), gồm hơn 250kg thịt thành phẩm, hơn 250kg phụ gia, hơn 10 tấn thịt vịt, mỡ cừu… Dương thú nhận đã kiếm được rất nhiều tiền qua việc biến thịt vịt thành thịt cừu.

Giá thịt cừu trên thị trường là 50 nhân dân tệ/kg, thịt vịt nhà máy mua vào chỉ 15,2 nhân dân tệ/kg, qua chế biến, 1kg thịt vịt cho ra 1,2kg thịt cừu cuộn; trừ mọi chi phí, kiếm lời 30 nhân dân tệ trên mỗi cân thịt xuất xưởng. Ở Thành Đô, chúng được thổi giá lên 200 - 240 nhân dân tệ/kg, trong khi thịt cừu thật giá 140 tệ/kg.

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện thịt cừu cuộn giả. Năm 2005, thịt lợn đội lốt thịt cừu đã có trong nhiều nhà hàng.

Năm 2009, thịt cừu rởm xuất hiện ở Bắc Kinh, rồi lần lượt có mặt ở Nội Mông, Sơn Đông, Sơn Tây, với số lượng ít, giá rẻ. Khi đó, nhiều người cho rằng, loại thịt cừu rởm dễ phát hiện này tuy không ngon như thịt thật nhưng vô hại.

“Làng ung thư” ở khắp nước

Ngày 20-2, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc công bố báo cáo thừa nhận tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dẫn tới sự xuất hiện nhiều “làng ung thư” khắp cả nước.

Báo cáo “Kiểm soát nguy cơ hóa chất gây ô nhiễm môi trường trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12” lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “làng ung thư”.

Theo báo cáo này, tính đến năm 2009, Trung Quốc có 247 “làng ung thư” ở 27 tỉnh, thành phố, khu vực, chủ yếu ở Hoa Trung, Hoa Đông, Hoa Nam.

Vành đai ô nhiễm và các “làng ung thư” đang từ khu vực ven biển lấn dần vào nội địa. Riêng tỉnh Quảng Đông có tới 25 làng, dẫn đầu cả nước. Số người chết vì ung thư đã vượt 1,4 triệu.

Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm ở Trung Quốc xảy ra 1.700 sự cố gây ô nhiễm nghiêm trọng; hơn 40% sông ngòi đã bị ô nhiễm. Trong hơn 100 con sông ở Bắc Kinh, chỉ có 2-3 sông có nước đủ chất lượng để dùng cho nhà máy nước.

Báo cáo cho biết, hiện có hơn 40.000 loại hóa chất được sản xuất, sử dụng ở Trung Quốc, trong đó hơn 3.000 loại nằm trong danh sách hóa chất nguy hại. Nhiều hóa chất độc hại đã được tìm thấy trong các dòng sông, ao hồ, vùng biển gần bờ, trong cơ thể động vật hoang dã và cơ thể người.

Các chuyên gia môi trường đã vẽ bản đồ các “làng ung thư”, chủ yếu ở khu vực ven biển phía Đông - nơi kinh tế phát triển, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

 Thu Thủy
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
TPO - Nối tiếp những chương trình biểu diễn thành công trước đó, buổi diễn cuối cùng của Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival khép lại với sự xuất hiện của nhóm nhạc Da LAB và ca sĩ Bùi Trường Linh. Hàng nghìn khán giả của chương trình say sưa hát theo, hòa giọng với những bản tình ca của Da LAB và Bùi Trường Linh.