Trung Quốc: Thanh niên 21 tuổi ‘nghỉ hưu’, về dựng lều sống cheo leo trên núi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Liu Youwen, 21 tuổi, “nghỉ hưu” từ 3 năm trước rồi về quê dựng một túp lều tựa lưng vào vách đá ở tỉnh Quý Châu, miền tây nam Trung Quốc, để sinh sống.
Trung Quốc: Thanh niên 21 tuổi ‘nghỉ hưu’, về dựng lều sống cheo leo trên núi ảnh 1

Căn lều nơi trên núi Liu Youwen đang ở. (Ảnh: CNN)

Cách đây 3 năm, Liu rời quê hương vùng nông thôn Xiaxixiang, tỉnh Quý Châu, đến thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông - tỉnh giàu nhất Trung Quốc, để tìm việc làm.

Tuy nhiên, vì đã bỏ học từ cấp 2 nên Liu rất khó tìm được việc làm. Anh bị nhiều nhà máy từ chối vì không có bằng cấp, sau đó xin được vào làm thợ sửa ô tô, rồi làm công nhân xây dựng và cuối cùng anh làm việc tại một nhà máy quần áo.

Vỡ mộng với sự bon chen của cuộc sống thành thị, cuối năm 2022, Liu quyết định từ bỏ và quay về với những ngọn núi và dòng sông ở Quý Châu. Dù cha mẹ phản đối, Liu vẫn kiên quyết với lựa chọn của mình vì muốn có một cuộc sống đơn giản, thoát khỏi cuộc đua vô tận đầy áp lực.

“Ở nhà máy, tôi thường làm việc từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối, chưa kể làm thêm. Thời gian của tôi không phải của riêng tôi. Bây giờ tôi có thể thức dậy với tiếng chim hót líu lo”, Liu nói với CNN khi vừa anh chặt xong măng.

Sự thất vọng của Liu cũng là thất vọng của nhiều người trẻ Trung Quốc, khi họ phải đối mặt với thị trường việc làm khắc nghiệt, kiệt sức sau nhiều năm chịu áp lực học tập và công việc mệt mỏi.

Trung Quốc: Thanh niên 21 tuổi ‘nghỉ hưu’, về dựng lều sống cheo leo trên núi ảnh 2

Liu làm các video chia sẻ về cuộc sống của mình trên núi. (Ảnh từ clip)

Theo Cục Thống kê quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tại các thành phố và thị trấn tăng lên mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6, sau đó chính phủ dừng công bố dữ liệu. Trong nỗ lực giải quyết tình trạng thất nghiệp gia tăng, chính quyền khuyến khích thanh niên thành thị về nông thôn.

Đầu năm nay, chính quyền Quảng Đông, một trong những tỉnh đông dân nhất Trung Quốc và là trung tâm công nghiệp lớn, cho biết họ có kế hoạch sẽ đưa 300.000 thanh niên thất nghiệp về nông thôn tìm việc làm.

Lối đi riêng

Liu nhận thấy sống ở vùng núi có những thách thức.

Ban đầu, cha mẹ anh lo lắng khi anh ở một mình trong rừng nên họ đã lắp đặt camera xung quanh để theo dõi. Sau đó, để giải quyết vấn đề không có điện, Liu đã lắp nhiều tấm pin mặt trời xung quanh căn lều.

Liu cũng đã tìm ra con đường riêng của mình, hoàn toàn khác công việc đồng áng và cổ cồn xanh mà chính quyền khuyến khích thanh niên tìm kiếm.

Lấy cảm hứng từ Li Ziqi, một vlogger có ảnh hưởng trên mạng nhờ những video về cuộc sống ở vùng nông thôn Trung Quốc, thu hút được 18 triệu người đăng ký trên YouTube, Liu cũng tải các video về cuộc sống của anh trên núi lên vlog.

Tương tự, Dianxi Xiaoge, một vlogger về ẩm thực, thu hút được hơn 10 triệu người đăng ký kênh YouTube bằng cách hướng dẫn nấu những món ăn tốt cho sức khỏe tại một ngôi làng ở tỉnh Vân Nam.

Một cặp Gen Z "nghỉ hưu" sớm khác là Xiao Chun Zi và Xin Xin ở tỉnh Tứ Xuyên, làm nội dung tương tự Liu.

Trung Quốc: Thanh niên 21 tuổi ‘nghỉ hưu’, về dựng lều sống cheo leo trên núi ảnh 3

Căn lều của Liu nằm giữa núi. (Ảnh: CNN)

Các video của Liu ghi lại hình ảnh anh làm chuồng lợn, tương tác với những con vật mà anh nuôi. Chỉ cần điện thoại và chiếc giá ba chân, Liu tạo ra các video khi trồng rau trên cánh đồng, cắt rau nuôi lợn...

Liu nói rằng anh không cảm thấy cô đơn vì có TV và những con vật ở bên cạnh anh ấy. Từ tháng 9 năm nay, Liu nhanh chóng thu hút chú ý trên mạng, với hơn 350.000 lượt thích các tài khoản mạng xã hội của anh.

Một số cư dân mạng tỏ ra ngưỡng mộ, khi thấy Liu biết mình muốn gì, không giống nhiều thanh niên nghiện game.

Một số người khác than thở vì thanh niên mới độ tuổi 20 đã nghỉ hưu.

“Ở nhà bạn không có việc gì làm à? Làm tất cả những việc vô nghĩa này và 'nằm duỗi' à?" một người bình luận.

Phong trào “nằm duỗi” trở nên phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc năm 2021, trong đó những người tham gia từ bỏ áp lực xã hội phải làm việc chăm chỉ, kết hôn, sinh con và tích lũy tài sản.

Liu đã phản bác những lời chỉ trích đó.

“Tôi đã xây dựng toàn bộ ngôi nhà của mình từ đầu… Cuộc sống ở vùng núi không dễ dàng hơn nhiều so với làm việc ở thành phố”, Liu nói.

Để bảo đảm cuộc sống nông thôn, anh kết hợp quảng cáo vào video của mình, từ quảng cáo bán kem dưỡng da tay, sữa rửa mặt cho đến mỳ chua cay, giúp anh kiếm được một khoản thu nhập nhỏ để cải thiện điều kiện sống.

Trong tương lai, Liu cho biết sẽ mở rộng chuồng gà để có thể bán thịt trực tuyến. Liu nói rằng anh khuyến khích những người muốn chuyển đến nông thôn để có công việc riêng.

“Cuộc sống ở vùng núi tốt hơn nhiều so với cuộc sống ở thành phố, ngay cả nước uống ở thành phố cũng phải trả tiền”, Liu nói.

Theo CNN
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.