Trung Quốc tập trung xoa dịu láng giềng

Trung Quốc tập trung xoa dịu láng giềng
TP - Chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong năm 2014 sẽ tập trung ổn định quan hệ với các nước láng giềng để tránh xung đột với Mỹ, Xinhua đưa tin ngày 2/1.

> Trung Quốc, Ấn Độ quan tâm tàu ngầm Việt Nam
> Thế giới 2014: Nóng ngay từ đầu năm

Trong khi đó, một học giả Mỹ cho rằng, ưu tiên của Trung Quốc vẫn sẽ là giành quyền kiểm soát các lãnh thổ đang tranh chấp.

Tàu sân bay Liêu Ninh vừa hoàn thành đợt thử nghiệm 37 ngày trên biển. Ảnh: usni.org
Tàu sân bay Liêu Ninh vừa hoàn thành đợt thử nghiệm 37 ngày trên biển. Ảnh: usni.org.

“Điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ không coi trọng quan hệ với các nước lớn hay các nước đang phát triển, nhưng các nước láng giềng sẽ là trọng tâm trong thời gian tới”, ông Jin Canrong, Phó hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận xét.

Theo chuyên gia này, Hội nghị ngoại giao được tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 10 làm nổi bật xu hướng coi trọng láng giềng. Hội nghị có sự tham gia của tất cả 7 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị - Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm đưa ra đường lối ngoại giao của Trung Quốc trong 10 năm tới.

Tại hội nghị, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình phát biểu rằng, khu vực láng giềng có vai trò quan trọng chiến lược; công tác ngoại giao phải nắm được xu hướng này để vạch ra chiến lược và kế hoạch thích hợp. Ông Tập nói quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng sẽ có lợi cho cả Trung Quốc và khu vực. Nguyên tắc cơ bản trong công tác đối ngoại với các nước láng giềng là đối xử với họ như những người bạn và đối tác, khiến họ cảm thấy yên tâm và giúp họ phát triển.

Mũi tên trúng hai đích

Ông Jin nói ưu tiên ngoại giao khu vực của Trung Quốc trong năm 2014 là nhằm “giảm bớt căng thẳng nhưng vẫn giữ vững lập trường cơ bản của Trung Quốc” trong các tranh chấp lãnh thổ giữa nước này với một số quốc gia láng giềng. Học giả này cho rằng, có hai vấn đề lớn mà Trung Quốc đang phải đối mặt: Mỹ không tin Trung Quốc và va chạm của Trung Quốc với một số nước xung quanh.

“Có vẻ cho đến nay Mỹ không muốn hoặc không có sức để đối đầu với Trung Quốc. Nên nếu Trung Quốc có thể duy trì quan hệ ổn định với láng giềng thì có thể giải quyết cùng lúc hai vấn đề”, ông Jin nhận định. Theo ông Jin, Mỹ có nhiều quân bài để chơi ở Trung Quốc, như các vấn đề liên quan Nhật Bản, Philippines, CHDCND Triều Tiên, vì thế Bắc Kinh phải luôn cảnh giác.

Giáo sư luật Bob Berring ở Đại học California (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục khẳng định vị thế cường quốc ở Thái Bình Dương. Học giả này cũng cho rằng, Mỹ dễ dàng bị phân tán và không có chính sách ngoại giao nhất quán đối với Trung Quốc. Điều này, cộng với cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ, sẽ khiến cho chính sách ngoại giao của Washington với Bắc Kinh thêm khó khăn. Ưu tiên của Trung Quốc vẫn sẽ là giành quyền kiểm soát các lãnh thổ đang tranh chấp, ông Bob nói.

Trong khi đó, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc vừa hoàn thành đợt thử nghiệm và chương trình huấn luyện trên biển Đông, Xinhua cho biết hôm 2/1.

Tàu Liêu Ninh đã trở về cảng đậu ở miền bắc Trung Quốc sau khi trải qua đợt thử nghiệm toàn diện hệ thống chiến đấu và thực hành trong hành trình 37 ngày trên biển, Xinhua dẫn một nguồn tin hải quân.

Hệ thống điện và chiến đấu cũng như năng lực đi biển của tàu Liêu Ninh đã được kiểm tra trong hành trình và “trơn tru”. Liêu Ninh là tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc đang vận hành. Nó được nâng cấp từ một tàu sân bay chưa hoàn thiện của Liên Xô cũ và được giao cho Hải quân Trung Quốc hồi tháng 9/2012.

Một người Trung Quốc định xuống Senkaku/Điếu Ngư bằng khí cầu

Một tàu tuần tra của Nhật Bản ngày 1/1 phát hiện một khí cầu trên mặt biển gần đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, sau đó vớt một người đàn ông đang trôi giạt gần đó, NHK đưa tin.

Người đàn ông nói mình là người Trung Quốc và một mình trên khí cầu bay từ Trung Quốc ra Senkaku/Điếu Ngư và định đáp xuống một trong các hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp này. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản giao người đàn ông 35 tuổi này cho một tàu tuần tra Trung Quốc trong tối 1/1, sau khi thương lượng qua kênh ngoại giao.

TRÚC QUỲNH
Theo Xinhua, SCMP, China Daily

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.