Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu nông lâm thuỷ sản chính của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của Việt Nam với tổng kim ngạch 8 tháng hơn 12 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian qua, nước này đã giảm khối lượng nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng như gạo, sắn và dăm gỗ... khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn tăng rào cản kỹ thuật với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Thông tin của mạng quản lý phía Trung Quốc mới đây cũng cho biết, muốn xuất khẩu vào nước này, các nhà máy chế biến của Việt Nam cũng như các nước phải có code vào Trung Quốc và nhà xuất khẩu phải nằm trong danh sách Trung Quốc phê chuẩn.
Trong khi theo quy định của cơ quan quản lý Việt Nam (Cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thuỷ sản - Nafiqad thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thì chỉ cần nhà sản xuất có trong danh sách được công nhận xuất khẩu sang Trung Quốc. Chính vì thế, một số mặt hàng của VN chưa được đưa vào danh mục được phép nhập khẩu vào Trung Quốc ví dụ như cá hồi... Phía Nafiqad đã nhiều lần gửi công văn sang Trung Quốc nhưng nước này vẫn chưa có trả lời chính thức...
Việc dù nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản về 0% nhưng những rào cản kỹ thuật đang được các quốc gia dựng lên, gây khó khăn cho nông sản xuất khẩu là vấn đề được đại diện Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cảnh báo nhiều lần với các doanh nghiệp trong nước.
Tại tọa đàm về thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam do Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương mới đây, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho hay, Bộ Công Thương và các tham tán, tùy viên thương mại đã hỗ trợ ngành nông nghiệp giải quyết nhiều vướng mắc kỹ thuật trong xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang các nước.
Cụ thể tháo gỡ những khó khăn trong việc đưa xoài Việt Nam vào Nhật Bản, đưa vải tươi sang Úc và Hoa Kỳ, nối lại xuất khẩu các mặt hàng rau gia vị sang châu Âu sau một thời gian tạm ngừng, giải quyết các vấn đề vướng mắc trong xuất khẩu thịt lợn và thủy sản sang Liên bang Nga.
Hai bộ cũng đã phối hợp tích cực trong việc đàm phán với Trung Quốc về khử trùng gạo, tháo gỡ để xuất khẩu trở lại thanh long sang Đài Loan, và gần đây nhất là đã và đang làm việc với phía Mỹ về đạo luật nông trại liên quan tới cá da trơn.
Theo đánh giá, Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng của ngành nông nghiệp cũng như chưa khai thác hết lợi thế của hội nhập. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu nông sản chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp, giá xuất khẩu không ổn định, thường xuyên biến động, các mặt hàng xuất khẩu còn nghèo nàn, chưa đa dạng. Do đó, việc phối hợp giữa hai bên để tháo gỡ kịp thời rào cản, tạo mạng lưới thông tin về nông lâm thủy sản thông suốt, mở rộng thị trường và đa dạng các hình thức xuất khẩu… là rất cần thiết.
Với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường quan trọng vì tăng trưởng mạnh năm 2015 trong khi hầu hết các thị trường nhập khẩu khác của Việt Nam đều giảm. Tuy vậy, bất lợi của hầu hết nông sản Việt Nam là sự phụ thuộc quá lớn khi xuất khẩu sang thị trường này. Theo định hướng của Bộ NNPTNT, thời gian tới, bộ sẽ chủ động đề xuất đàm phán với phía Trung Quốc để tạo điều kiện giao thương giữa doanh nghiệp hai nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu cả tiểu ngạch và chính ngạch, đa dạng hóa thị trường, mở cửa thị trường để giảm phụ thuộc, tránh rủi ro cho người nông dân và doanh nghiệp.
Các số liệu cũng cho thấy, 8 tháng đầu năm 2016, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 24,6 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp đến là EU đạt 21,9 tỷ USD, tăng 8,8%; Trung Quốc đạt 12,6 tỷ USD, tăng 15%; Nhật Bản đạt 9,3 tỷ USD, tăng 0,2%; Hàn Quốc đạt 7 tỷ USD, tăng 30,7%. Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 10% do xuất khẩu dầu thô sang thị trường này giảm mạnh.