Trung Quốc tạm dừng cấp phép các dự án điện hạt nhân

Trung Quốc tạm dừng cấp phép các dự án điện hạt nhân
TP - Nỗi lo lắng về vụ nổ lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản khiến một số nước (Trung Quốc, Thái Lan...) đang vận hành hoặc có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân phần nào chùn bước, và theo dõi sát tình hình ở Nhật Bản đề đưa ra điều chỉnh phù hợp.

>> Nỗi khổ của người Nhật sau thảm hoạ qua ảnh

>> Toàn cảnh vụ động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản

Kiểm tra phóng xạ cho một em bé ở tỉnh Fukushima Ảnh: Reuters
Kiểm tra phóng xạ cho một em bé ở tỉnh Fukushima.
Ảnh: Reuters.

Ngày 16-3, Trung Quốc trở thành nước mới nhất công bố kế hoạch rà sát vấn đề an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, đồng thời tạm dừng cấp phép những dự án mới. “Chúng ta sẽ tạm dừng cấp phép những dự án điện hạt nhân, kể cả những dự án đang trong giai đoạn phát triển ban đầu”, thông báo đăng trên website chính phủ Trung Quốc viết.

Hội đồng Nhà nước kêu gọi sử dụng “những tiêu chuẩn tiên tiến nhất” để đánh giá độ an toàn của tất cả nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng. Tuy nhiên, một chuyên gia nói, các biện pháp này khó có khả năng dẫn tới việc Trung Quốc dừng chương trình mở rộng điện hạt nhân của mình.

Trung Quốc có 27 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng và 50 lò phản ứng hạt nhân đang nằm trong kế hoạch xây dựng. “Kế hoạch và nỗ lực phát triển điện hạt nhân ở Trung Quốc sẽ không thay đổi”, Thứ trưởng Bảo vệ môi trường Zhang Lijun nói cuối tuần trước.

Tại Mỹ, một số nhà làm luật đang đánh giá lại chính sách năng lượng của đất nước, dù rằng bản thân ngành công nghiệp này đảm bảo cho sự ra đời và tồn tại của những ngành công nghiệp khác.

“Tôi không muốn ngăn chặn việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên phanh lại đến khi hiểu rõ về những điều thực sự xảy ra ở Nhật Bản để xem nên làm gì tiếp theo”, thượng nghị sĩ độc lập Joe Lieberman, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề chính phủ và an ninh nội địa của Thượng viện, nói.

Kể từ vụ tai nạn năm 1979 tại nhà máy điện hạt nhân đảo Ba Dặm (Three Mile Island) ở bang Pennsylvania, nhiều người Mỹ vẫn lo ngại về tính an toàn của năng lượng hạt nhân, nhất là lượng rác thải phóng xạ đang được dự trữ tại địa điểm các lòa phản ứng hạt nhân trên khắp đất nước.

Viện Năng lượng hạt nhân của nước này nói rằng các nhà làm luật đang xem lại những hồ sơ xin xây dựng 20 lò phản ứng dự định sẽ được xây trong 15 - 20 năm tới. 4 - 8 lò phản ứng mới dự tính sẽ ra đời trong giai đoạn 2016 - 2020, phát ngôn viên Steven Kerekes nói.

Tháng 2 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố khoản ngân sách 8,3 tỷ USD dành để xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong gần ba thập kỷ qua. Sau đó sẽ xây thêm hai lò phản ứng nữa ở bang George.

Quan chức Pháp sắp có cuộc họp nhằm thảo luận về tình hình và các biện pháp phòng ngừa rút ra từ sự cố ở Nhật Bản. Pháp hiện có 58 lò phản ứng hạt nhân, nằm trên 19 địa điểm, cung cấp gần 4/5 lượng điện của đất nước. Pháp hiện là nước có nền công nghiệp điện hạt nhân lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Nhật hiện có 55 lò phản ứng.

Châu Á trong những năm gần đây dẫn đầu thế giới trong nỗ lực phát triển hạt nhân khi các nước trong khu vực đang tìm kiếm giải pháp tăng nguồn cung điện cho nền kinh tế đang bùng nổ, đồng thời giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Trong số 62 lò phản ứng đang được xây khắp thế giới thì có 40 lò ở châu Á, Hiệp hội hạt nhân thế giới cho biết.  

Hàn Quốc cho biết nước này vẫn quyết tâm theo đuổi tham vọng nguyên tử, cũng như sẽ nỗ lực xuất khẩu công nghệ hạt nhân ra các nước khác. “Hàn Quốc đứng hàng đầu về an toàn và hiệu quả hạt nhân, và công nghệ của chúng tôi sẽ trở thành mô hình tốt ở Trung Đông”, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak nói khi đang ở Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hôm 14-3 ra lệnh kiểm tra lại độ an toàn tại 20 lò phản ứng đang hoạt động của nước này. Ấn Độ nói rằng họ học được một số bài học từ sự cố ở Nhật Bản.

Thái Lan đang nghiên cứu các vấn đề nhưng sự cố xảy ra ở Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến quyết định xây dựng các lò phản ứng của chúng tôi”, Thủ tưởng Thái Abhisit Vejjajiva phát biểu hôm 12-3. Thái Lan, nước gánh chịu hậu quả sóng thần tồi tệ năm 2004, cũng đang có dự định xây dựng 5 nhà máy hạt nhân.

Ở nước hàng xóm Malaysia, quốc gia đang dự định xây hai lò phản ứng, chính quyền nói rằng có thể ít nhất một thập kỷ nữa kế hoạch của họ mới được thực hiện.

“Chúng tôi có thời gian để tiến hành nghiên cứu tỉ mỉ. Các nghiên cứu đó sẽ tốn nhiều thời gian và chính phủ sẽ không thực hiện bí mật mà không thông báo cho công chúng”, Bộ trưởng Nước và công nghệ xanh Peter Chin Fah Kui nói.

Úc, nơi cuộc khủng hoảng ở Nhật tác động rất lớn tới cuộc tranh cãi về chính sách điện hạt nhân, Thủ tướng Julia Gillard nói rằng đảng Lao động đang cầm quyền của bà sẽ không theo đuổi năng lượng nguyên tử.

Bangladesh đã ký thỏa thuận với Nga để xây dựng hai nhà máy hạt nhân. Chính quyền nước này nói họ đang theo dõi sát tình hình ở Nhật, nhưng vẫn theo đuổi kế hoạch của mình.

“Các lò phản ứng của chúng tôi sẽ là thế hệ thứ ba nên có thể chịu đựng những trận động đất ở mức độ dữ dội nhất”, chủ tịch Ủy ban năng lượng nguyên tử Bangladesh Farid Uddin Ahmed nói.

Trong khi đó, các nhóm hoạt động môi trường đang lấy Nhật làm bằng chứng để phản đối phát triển điện hạt nhân. “Mọi người đều coi người Nhật là người cẩn thận nhất ở châu Á. Nếu họ không đảm bảo sự an toàn của các lò phản ứng, nỗi lo lắng về nguồn năng lượng này ngày càng tăng trong khu vực”, chủ tịch Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Singapore Simon Tan nói.

Bên cạnh đó, các nhóm ủng hộ năng lượng xanh ở Pháp đang kêu gọi chính phủ nước này chấm dứt sự phụ thuộc vào điện hạt nhân, vì sự dò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản cho thấy, không có sự đảm bảo an toàn nào cho ngành năng lượng này.

Tuy nhiên, các nhóm ủng hộ năng lượng xanh nói rằng đã đến lúc vứt bỏ công nghệ từng gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ ở Chernobyl năm 1986.

“Rõ ràng là khi xảy ra thảm họa thiên nhiên lớn, tất cả những cái gọi là biện pháp đảm bảo an toàn ở đất nước có trình độ kỹ thuật cao nhất đều chả có tác dụng gì”, Cecile Duflot, người đứng đầu đảng xanh mang tên Europe Ecologie-Les Verts cho hay.

Minh Long (tổng hợp)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG