Trung Quốc: Sôi sục chuyện cải tổ chính trị

Trung Quốc: Sôi sục chuyện cải tổ chính trị
TP - Trong thời điểm Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đang diễn ra để chính thức hoá quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo sau mỗi thập kỷ, sự cần thiết phải cải tổ chính trị đang được đề cập dồn dập như một đòi hỏi tất yếu.

> Hé lộ bí mật về người có thể trở thành tân Thủ tướng Trung Quốc

Nhiều người dân đứng xem lễ hạ cờ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 1-7 - ngày đánh dấu sự thành lập của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: CFP
Nhiều người dân đứng xem lễ hạ cờ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 1-7 - ngày đánh dấu sự thành lập của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: CFP.

Cải tổ chính trị, thuật ngữ lần đầu được đề cập trong bài diễn văn của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình 30 năm trước, đã bị bỏ quên đằng sau quá trình phát triển kinh tế của đất nước suốt 3 thập kỷ.

Những năm gần đây, những lời kêu gọi cải tổ chính trị lại thôi thúc hơn bao giờ hết. Hồi tháng 3, trong cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp khắp cả nước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo một lần nữa kêu gọi cần cải cách chính trị một cách cấp bách.

Ông cảnh báo những thành tựu to lớn mà Trung Quốc đạt được sau 3 thập kỷ có thể tuột khỏi tay khi đất nước lại phải đối mặt một cuộc Cách mạng văn hoá như những năm 1966-1967, nếu nền chính trị không được đổi mới.

Bên cạnh cải cách kinh tế và tư pháp, cải cách chính trị giờ đã trở thành một trong những chủ đề được bàn tới nhiều nhất trước thềm Đại hội 18 có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Ngày 14-5, Nhân dân nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), chạy bài tràn trang hoan nghênh những bước tiến dần dần mà Trung Quốc đã đạt được trong tiến trình cải cách chính trị.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Ảnh: AP
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Ảnh: AP.

Gần đây, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo: "Nhiều vấn đề mới phát sinh trong xã hội Trung Quốc, bao gồm khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tham nhũng tràn lan và sự mất lòng tin vào chính phủ sẽ chỉ được giải quyết khi nền kinh tế và chính trị được cải cách hơn nữa".

Bây giờ hoặc chẳng bao giờ?

Kể từ khi cụm từ cải cách chính trị được đề cập cách đây 30 năm, nền chính trị của Trung Quốc đang dần thay đổi, nhưng không có bước đột phá như cải cách kinh tế - Wu Si, tổng biên tập của nguyệt san ủng hộ cải tổ Yanhuang Chunqiu, nhận xét.

"Nếu cải cách chính trị gồm 100 bước, thì chúng ta mới chỉ đi được 10 bước. Cải cách chính trị diễn ra quá chậm chạp và khó nhọc vì tầng lớp lãnh đạo tối cao của chúng ta chưa đồng thuận về vấn đề này", ông Wu Si nói.

"Chính quyền trung ương vẫn đang tính toán hơn thiệt. Khi họ tính xong thì quá trình cải tổ thực sự sẽ diễn ra".

Nhưng giờ có phải thời cơ đã chín muồi? Một manh mối hứa hẹn điều này sẽ xảy ra khi trong cuộc họp của Bộ Chính trị hôm 22-10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào thông báo CPC sẽ thay đổi Điều lệ Đảng trong Đại hội 18.

“Đại hội Đảng lần thứ 18 diễn ra ở thời điểm vô cùng quan trọng, khi Trung Quốc đang tiến hành xây dựng một xã hội thịnh vượng hài hoà toàn diện, cải cách sâu rộng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế", Tân Hoa xã trích thông báo của cuộc họp.

Giờ là thời điểm thích hợp để tiến hành cải tổ chính trị, Chen Baosheng, phó hiệu trưởng Trường Đảng thuộc CPC, nói trong một cuộc phỏng vấn với Nhân dân nhật báo hôm thứ 3 tuần trước.

"Chúng ta cần thừa nhận đúng mức rằng chúng ta vẫn gặp rất nhiều vấn đề trong cải cách chính trị. Chúng ta không thể tránh những chướng ngại vật đó, nhưng vẫn phải tiến về phía trước".

Một trong những vấn đề lớn mà vị phó hiệu trưởng này đề cập tới là tình trạng bất ổn xã hội ngày càng tăng, dấu hiệu của thụt lùi chính trị.

Số lượng các cuộc biểu tình chống đối liên quan đến môi trường trong năm 2011 tăng 120% so với năm 2010, Yang Chaofei, Phó chủ tịch Hội Khoa học môi trường Trung Quốc, cho biết hôm thứ 6 tuần trước, khi giảng bài tại lớp học do Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc tổ chức.

Trong khi đó, số lượng các cuộc bạo động và tụ tập phản đối đông người chỉ riêng trong năm 2010 đã lên tới 180.000 vụ, cao gấp 4 lần so với thập kỷ trước.

Nhiều vấn đề xã hội, sức ép và tham nhũng ngày càng nhiều khiến người dân Trung Quốc lo lắng về con đường trước mặt, cho dù đất nước này đạt được nhiều bước tiến vượt bậc trong việc cải thiện đời sống nhân dân nhờ cải tổ kinh tế.

Yang Binglin, giáo sư giảng dạy tại ĐH Luật và Khoa học chính trị Trung Quốc, nói rằng người Trung Quốc ngày càng nhận ra tầm quan trọng của cải cách chính trị.

"Vâng, nền kinh tế đang phát triển vượt bậc, nhưng người dân đang bắt đầu đặt ra câu hỏi tại sao họ vẫn không hạnh phúc và vẫn phải lo lắng. Và họ bắt đầu nhận ra rằng cải cách kinh tế không đồng nghĩa với minh bạch nền hành chính, công bằng, và sự bảo vệ quyền công dân theo đúng cách", GS Yang nói.

Người dân đã bắt đầu hành động để tiếng nói của họ được lắng nghe. Tuần trước, hàng ngàn người biểu tình đã diễu hành ở TP Ningbo, tỉnh Chiết Giang để phản đối một nhà máy hoá dầu trị giá nhiều tỷ nhân dân tệ mở rộng quy mô.

Chính quyền địa phương quyết định dừng sản xuất sau khi xảy ra nhiều cuộc xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát.

Không bắt chước mô hình phương Tây

Tuy nhiên, cải cách chính trị dường như đã trở thành chủ đề kiêng kỵ đối với những người theo đường lối bảo thủ.

"Có những người lo ngại rằng nền chính trị mở hơn có thể sẽ làm giảm quyền lực của Đảng", Shaun Breslin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hoá và khu vực hoá ở ĐH Warwick (Anh), nói với Nhân dân nhật báo.

Và như bài xã luận của Nhân dân nhật báo đã nói, cải tổ chính trị ở Trung Quốc sẽ không bắt chước các mô hình chính trị ở phương Tây như cơ chế nhiều đảng cạnh tranh nhau và tổng tuyển cử, mà thay vào đó sẽ tập trung vào "nền dân chủ trong Đảng".

Thuật ngữ này không phải mới xuất hiện. Nó được sử dụng lần đầu tiên tại Đại hội lần thứ 8 của CPC vào năm 1956, nhưng dường như vẫn chỉ trên lý thuyết.

Qian Gang, Giám đốc Dự án Truyền thông Trung Quốc, nói rằng thay đổi chính trị ở Trung Quốc trong suốt 60 năm qua được thể hiện bằng những thay đổi về nghĩa và tần suất sử dụng những thuật ngữ chính trị.

Một số thuật ngữ như "đấu tranh giai cấp" đã không còn được nhắc tới. Ngược lại, thuật ngữ "dân chủ trong Đảng" được Nhân dân nhật báo nhắc lại vào năm 2003, sau đó được đề cập nhiều vào năm 2007 trong Đại hội lần thứ 17 khi ông Hồ Cẩm Đào muốn mượn nó để thúc đẩy cải tổ hơn nữa, và giờ thuật ngữ này lại xuất hiện tiếp trong chương trình nghị sự.

"Dân chủ trong Đảng là sự bảo đảm quan trọng cho sự sống còn của Đảng, và củng cố sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng", ông Hồ Cẩm Đào viết trong báo cáo chính trị năm 2007.

Kerry Brown, giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc ĐH Sydney (Úc), nói với Nhân dân nhật báo rằng, vấn đề lớn nhất mà CPC phải đối mặt là tìm ra cách giữ vững Đảng theo đúng nguyên tắc do chính mình đề ra.

"Trách nhiệm giải trình là điều mọi người đều cần. Nhưng vào thời điểm này, rất khó để một cơ quan tự điều chỉnh vừa tự điều chỉnh tốt, vừa thể hiện điều đó cho mọi người thấy rõ", Brown nhận xét.

Nhiều chuyên gia tin rằng tách các chức năng của chính phủ ra khỏi Đảng là một trong những nhiệm vụ chính của cải cách chính trị.

"Phân định rạch ròi mối liên hệ chồng lấn giữa Đảng và chính phủ sẽ là bước đột phá chính để thúc đẩy quá trình tiến tới dân chủ trong Đảng”, Xu Yaotong, Giám đốc Phòng nghiên cứu khoa học thuộc Học viện Quản trị Trung Quốc, nhận xét.

Dù còn nhiều trở ngại và thất vọng, một số biện pháp cải cách chính trị đã được tiến hành chậm chạp ở cấp cơ sở. Từ những năm 1980, các cuộc bầu cử cấp xã thay thế cơ chế chỉ định cán bộ.

Năm 1982, Hiến pháp lần đầu công nhận chính quyền tự quản của làng xã. Đến nay, cơ chế bầu cử tương tự như vậy dưới dạng "tiến cử công khai, lựa chọn trực tiếp" đang được áp dụng đối với một số vị trí quan chức cấp cao.

Zhang Xixian, giáo sư giảng dạy tại Trường Đảng thuộc CPC, nói rằng cơ chế đa đảng sẽ không phải là cách tốt nhất để thúc đẩy dân chủ ở Trung Quốc.

"Thúc đẩy dân chủ dưới sự lãnh đạo của một đảng là con đường an toàn và đáng tin cậy nhằm cải tổ và mang lại lợi ích tổng thể lớn nhất cho Trung Quốc" - GS Zhang nói, và thêm rằng những thay đổi trong tầng lớp lãnh đạo sắp tới sẽ không đổi hướng cải tổ chính trị.

Trong 3 năm qua, có tới 18.100 quan chức Trung Quốc bị xử tội tham nhũng trong những dự án xây dựng, Tân Hoa xã cho biết. Theo thông báo của CPC, mỗi năm có hơn 700.000 quan chức các cấp được học các lớp chống tham nhũng.

Gia Tùng
Theo People’s Daily, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.