Trung Quốc siết video game

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hiện nay, thị trường video game ở Trung Quốc gần như bão hòa (đã có khoảng 700 triệu game thủ). Chính phủ không khuyến khích người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên chơi trò chơi điện từ vì game online khiến giới trẻ còi cọc cả về thể chất và tri thức, dẫn tới kỹ năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn yếu kém.

Vì hạn chế game, doanh thu của các công ty sản xuất, phát hành game và các sản phẩm ăn theo giảm mạnh, đồng nghĩa nhiều người Trung Quốc mất việc làm, ngân sách Trung Quốc giảm. Trong khi đó, trước mắt Trung Quốc cần nhiều nguồn lực để thực hiện chiến lược Zero COVID và phá thế bao vây, cô lập của Mỹ và đồng minh, giới quan sát nhận định. Về lâu dài, Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng của mình ở nước ngoài, đặc biệt các nước đang phát triển trên khắp thế giới thông qua quyền lực mềm (văn hóa - trước đây là phim ảnh, ca nhạc, nay là game online).

Trung Quốc siết video game ảnh 1

Trẻ em Trung Quốc chỉ được chơi game tối đa 3h/tuần, tối đa 1h/ngày và chỉ được chơi vào 3 ngày cuối tuần vào buổi tối. Ảnh: Global Times

Giới hạn giờ chơi

Năm 2018, Bộ Giáo dục, Cơ quan y tế quốc gia và 6 cơ quan liên quan khác của Trung Quốc ban hành Kế hoạch phòng chống toàn diện và kiểm soát cận thị ở trẻ em, thanh niên, trong đó giới hạn việc phát triển game. Trong năm đó, Trung Quốc tạm dừng cấp phép game mới. Ngoài việc yêu cầu nhà phát triển game đệ trình sản phẩm mới để được phê chuẩn, cơ quan quản lý Trung Quốc đề nghị họ bổ sung các chủ đề mang tinh thần dân tộc, ái quốc vào trong các game mới. Trung Quốc thành lập một ban xem xét các vấn đề đạo đức liên quan game, bảo đảm nội dung và hình thức của game không đi ngược lại chủ trương, đường lối của đảng và nhà nước về thuần phong mỹ tục, nhân quyền, đối ngoại. Nếu phát hành game chui, hãng sẽ bị phạt với số tiền gấp 7 lần doanh thu kiếm được từ game.

Năm 2019, Trung Quốc ra quy định cấm trẻ em (dưới 18 tuổi) chơi game từ 10h tối hôm trước tới 8h sáng hôm sau. Trẻ em chỉ được chơi tối đa 90 phút/ngày (nghỉ lễ thì tối đa 3 giờ). Tencent, nhà phát hành game hàng đầu Trung Quốc (đồng thời là chủ sở hữu dịch vụ nhắn tin WeChat) giảm thời gian trẻ em chơi game từ 90 phút xuống còn 60 phút/ngày. Hãng này cũng áp dụng các biện pháp kỹ thuật, như ứng dụng nhận diện khuôn mặt để xác định người chơi game là trẻ em hay người lớn.

Năm 2020, Trung Quốc ra một loạt quy định về chống độc quyền, bảo mật dữ liệu nhằm vào các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc, trong đó có nhà sản xuất, phát hành game và truyền thông xã hội hàng đầu như Tencent, NetEase, FunPlus… Theo đó, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các hãng công nghệ lớn (Tencent, Alibaba…) giảm nguồn lực cho các dịch vụ giải trí và tiêu dùng, tăng nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, hàng công nghiệp cao cấp như trí thông minh nhân tạo (AI), tự động hóa, bộ vi xử lý, robot… Kết quả là Tencent phải cam kết chi hàng tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, Weibo phải đình chỉ hàng ngàn tài khoản fan club và tin tức giải trí…

Năm 2021, Cơ quan quản lý báo chí và xuất bản quốc gia của Trung Quốc quy định, trẻ em chỉ được chơi game tối đa 3h/tuần, tối đa 1h/ngày và chỉ được chơi vào 3 ngày cuối tuần vào buổi tối với giờ cụ thể - từ 8h tới 9h tối thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật. Nhà phát hành game phải xác nhận danh tính thật của người chơi, nếu bị phát hiện để người chơi dùng tài khoản giả (đăng ký dưới danh tính của người khác) và chơi quá số giờ quy định, nhà phát hành sẽ bị phạt nặng, chứ không phải người chơi bị phạt. Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một nền tảng xác thực danh tính người chơi game và với nền tảng này, họ có thể truy cập cơ sở dữ liệu của hàng nghìn hãng game nếu cần. Hơn 400 hãng game lớn tại 3 khu vực phát triển game mạnh nhất Trung Quốc là Quảng Đông, Thượng Hải và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận phòng chống người chơi nghiện game.

Năm 2022, Cục An ninh mạng Trung Quốc quy định, từ ngày 15/2/2022, hãng game nào có hơn 1 triệu người chơi, có kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài phải thi đỗ bài kiểm tra về an ninh mạng với lý do dữ liệu cá nhân, dữ liệu nhạy cảm có thể bị chính phủ nước ngoài tiếp cận, kiểm soát, sử dụng với mục đích xấu. Ngoài ra, các hãng công nghệ, trong đó có các hãng game phải hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật, nhất là khi cần truy cập cơ sở dữ liệu về người chơi.

Tính đến giữa năm 2021, Trung Quốc có hơn 300.000 công ty game và liên quan game. Nhưng chỉ trong nửa năm, tính đến cuối năm 2021, khoảng 14.000 công ty phải đóng cửa vì các quy định kiểm soát game của chính phủ Trung Quốc khiến họ không thể kinh doanh có lãi.

Tính từ năm 2018 đến nay, số lượng đầu game Trung Quốc được nước này cấp phép giảm liên tục. Theo Cơ quan quản lý xuất bản và báo chí quốc gia của Trung Quốc, năm 2021 chỉ có 755 game, phần lớn là game chơi trên di động, được phát hành, giảm 46,3% so với năm 2020.

Thâm nhập thị trường nước ngoài

Trung Quốc siết video game ảnh 2

PUBG Mobile là một trò chơi điện tử miễn phí do LightSpeed & Quantum Studio thuộc Tencent Games phát triển. Ảnh: One Sports

Theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc đang có kế hoạch tăng lượng phát hành game ở nước ngoài, đạt được nhiều mục đích, cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ví dụ, tăng doanh thu, tạo công ăn việc làm cho các công ty game Trung Quốc, tăng ngân sách cho Trung Quốc, tiến tới thống lĩnh thị trường game một số nước châu Á. Ngoài ra, thông qua game Trung Quốc để quảng bá văn hóa Trung Quốc (lịch sử, âm nhạc, phong cảnh, trang phục, con người…Trung Quốc thông qua nội dung và hình thức của game), từ đó tăng số lượng người nước ngoài có thiện cảm với Trung Quốc và tạo ra các thế hệ mới người nước ngoài ưu chuộng hàng Trung Quốc, có thiện cảm với Trung Quốc…

Nhiều nhà sản xuất, phát hành game Trung Quốc đang nỗ lực tìm hiểu thị trường game nước ngoài, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á, càng chi tiết càng tốt, xem đối tượng nào thích chơi game Trung Quốc, vì sao, chơi trên nền tảng nào là chính (mobile, PC, web hay bộ điều khiển), có thích các sản phẩm ăn theo game đình đám không (ví dụ, ảnh, decal dán, ba lô, túi xách, búp bê, đồ chơi, cốc chén, thú nhồi bông… giống như Mỹ thành công với các nhân vật hoạt hình của Walt Disney hay Nhật Bản thành công với các nhân vật Hello Kitty, Doraemon…), khả năng cạnh tranh của các công ty game nước ngoài…

Sau khi tìm hiểu kỹ sở thích, thị hiếu của người nước ngoài nói chung, game thủ ngoại quốc nói riêng, các bên liên quan của Trung Quốc sẽ có những cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển mạnh thị trường ở nước ngoài, đặc biệt là các thị trường game rất phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường giàu tiềm năng - có công nghệ thông tin đang phát triển nhanh, đông thuê bao internet và di động, dân số trẻ ham công nghệ như nhiều nước Đông Nam Á, một số nước châu Phi, Mỹ La tinh. Tuy nhiên, phía Trung Quốc ưu tiên thị trường các nước đang phát triển vì văn hóa khá tương đồng, giới quan sát nhận định.

Đơn giản nhất là phía Trung Quốc khuyến khích các công ty game Trung Quốc xây dựng nội dung game tôn vinh, quảng bá các cảnh đẹp, món ăn ngon, văn hóa đặc sắc của Trung Quốc để hỗ trợ phát triển du lịch, tăng quyền lực mềm ở nước ngoài. Phức tạp hơn là lồng nội dung về lịch sử, tôn giáo, thậm chí chủ quyền lãnh thổ… vào trong game. Các hãng phát hành game Trung Quốc được khuyến khích đưa sản phẩm lên các nền tảng xuyên biên giới như Google Play Store, Steam…, tận dụng điện toán đám mây để người nước ngoài dễ dàng tải xuống và chơi. Đồng thời, các nhà phát hành game Trung Quốc có thể hợp tác với các nền tảng thanh toán trung gian, ví điện tử có hoạt động ở nước ngoài để tạo kênh thu tiền tiện lợi, hiện đại mà không phải qua hệ thống ngân hàng, không phải nộp thuế, phí. Hiện nay, một số game Trung Quốc tích hợp cổng thanh toán toàn cầu Upay để thu tiền của người chơi nước ngoài (phí cài game bản quyền, tiền mua đồ ở trong game…).

Chia sẻ thông tin

Tencent Holdings Limited là nhà cung cấp video game lớn nhất thế giới xét về doanh thu, đồng thời sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat và ứng dụng thanh toán di động WeChat Pay với hơn 1 tỷ người sử dụng. Chính phủ Trung Quốc gần đây kêu gọi các công ty công nghệ lớn như Tencent, Alibaba Group Holding, ByteDance (chủ sở hữu TikTok) chia sẻ thông tin mà họ thu thập được từ mạng xã hội, thương mại điện tử và các công ty khác.

MỚI - NÓNG