Trung Quốc sẽ đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào trường học

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia trồng cây với học sinh Bắc Kinh ngày 29/3. Ảnh: Xinhua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia trồng cây với học sinh Bắc Kinh ngày 29/3. Ảnh: Xinhua.
TP - Sách giáo khoa sử dụng trong các trường học Trung Quốc sẽ sớm được sửa đổi và giáo viên được tập huấn để đưa tư tưởng của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình vào chương trình học, sau khi tư tưởng này được chính thức hóa khi Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc ngày mai.

Báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc Trần Bảo Sinh nói rằng, tư tưởng mới được đưa ra tại Đại hội 19 sẽ được đưa vào chương trình dạy học trên cả nước. “Tư tưởng đó sẽ đi vào sách giáo khoa, và các lớp học và vào đầu các em học sinh”, ông Trần tuần trước nói bên lề đại hội. “Chúng tôi sẽ thiết kế các phương pháp dạy cụ thể để kết hợp với sách của nhiều lớp và nhiều môn học”, ông nói.

Tên gọi chính thức dành cho tư tưởng của ông Tập sẽ được tiết lộ khi Đại hội sửa điều lệ Đảng trong ngày hôm nay (24/10). Ông Trần nói rằng, Bộ Giáo dục sẽ bắt đầu chỉnh lý sách giáo khoa và tập huấn cho giáo viên sau khi Đại hội 19 kết thúc và coi đây một phần “nhiệm vụ lịch sử” của ngành
giáo dục.

Chủ đề này sẽ trở thành một phần của các khóa học về tư tưởng chính trị mà học sinh và sinh viên trong hệ thống giáo dục Trung Quốc đều phải trải qua. Hiện nay, học sinh cấp 1 phải nhận diện được quốc kỳ, các nghiên cứu sinh tiến sĩ phải phân tích lý thuyết Cộng sản, học sinh lớp 9 phải nắm “các nguyên tắc chỉ đạo” của các nhà lãnh đạo trước của Trung Quốc, bao gồm Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Học sinh Trung Quốc cũng phải ghi nhớ “hạn chế lớn” của nước này - được định nghĩa trong nhiều thập kỷ qua là “sự mâu thuẫn giữa năng suất xã hội lạc hậu và những nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng lớn của người dân”.

Sắp tới, các sách giáo khoa sẽ được chỉnh sửa để định nghĩa lại rằng đó là sự mẫu thuẫn “giữa phát triển không cân bằng, không đồng đều với những nhu cầu ngày càng lớn của người dân để có cuộc sống tốt đẹp hơn” - định nghĩa được ông Tập đưa ra trong báo cáo trình bày tuần trước tại Đại hội 19.

Bắc Kinh đã bắt đầu quá trình chuẩn hóa sách giáo khoa về tư tưởng chính trị dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, dần thay thế sách do chính quyền cấp tỉnh ban hành bằng bộ sách mới do Bộ Giáo dục soạn thảo.

Ngăn tư tưởng phương Tây lan truyền

South China Morning Post dẫn lời một người trong ngành nói rằng, những người đang biên soạn sách mới nhận được chỉ thị phải tăng cường “diễn đạt rõ ràng” những giá trị xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nguồn tin này cũng nói rằng, tư tưởng của ông Tập có thể sẽ được dạy ở lớp 5 hoặc 6. “Một khái niệm phức tạp như vậy cần được chuyển đổi thành điều gì đó trẻ em có thể hiểu được. Ví dụ, bạn giải thích “kỷ nguyên mới” bằng cách bảo bọn trẻ tìm ra những điều mới ở nơi chúng sinh sống”, nguồn tin nói.

Bà Cheng Chen, một nhà nghiên cứu về chính trị tại ĐH Albany (Mỹ), nói rằng, việc đưa tư tưởng mới vào trường học sẽ khiến hình ảnh của ông Tập và Đảng Cộng sản trở thành những nhà vô địch ở Trung Quốc. “Điều đó sẽ củng cố hình ảnh của ông Tập như một nhà lãnh đạo cải cách trong lịch sử vì đã mở ra một ‘kỷ nguyên mới’. Điều đó cũng góp phần gia tăng chủ nghĩa dân tộc vốn đang lớn lên trong giới trẻ Trung Quốc, giờ đây họ sẽ thấy Trung Quốc cuối cùng đã bước lên trung tâm vũ đài toàn cầu”, bà Cheng nói.

Đảng Cộng sản Trung Quốc có truyền thống kiểm soát chặt chẽ các chương trình dạy học, cảnh báo sự lan truyền của “các tư tưởng phương Tây” trong lớp học và yêu cầu các trường đại học tuân thủ quy tắc của Đảng. Tháng 6 năm nay, nhiều trường đại học nổi tiếng của Trung Quốc bị cơ quan kiểm tra của Đảng bêu tên công khai vì thiếu nỗ lực trên mặt trận tư tưởng.

“Có thời mọi thứ trở nên hơi lộn xộn. Có một số tư tưởng hư vô, dân túy, tự do cực đoan và tương tự. Nhưng giờ đây, sự lãnh đạo trong công tác đào tạo tư tưởng ở bậc giáo dục đại học đang được kiểm soát chặt chẽ bởi những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và chủ nghĩa Mác… nên có bớt ồn ào hơn”, Bộ trưởng Trần nói.

Nhưng cũng có ý kiến lo ngại rằng, việc kiểm soát chặt chẽ giới học giả sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực của Trung Quốc nhằm có được những trường đại học đẳng cấp thế giới - một trong những động lực lớn của chính quyền Trung Quốc hiện nay. Nhưng khi được hỏi rằng liệu việc giáo dục ý thức hệ có ảnh hưởng đến sức sáng tạo của giới khoa học Trung Quốc, ông Trần nói rằng vấn đề này “không tồn tại”.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG