Trung Quốc ra luật buộc con cái phải có hiếu với cha mẹ

Trung Quốc ra luật buộc con cái phải có hiếu với cha mẹ
Hôm 1/7, Trung Quốc công bố một luật mới yêu cầu con cái phải đến thăm và chăm sóc bố mẹ già của mình.

Trung Quốc ra luật buộc con cái phải có hiếu với cha mẹ

> Nga -Trung liên tiếp tập trận

> Ai Cập: Quân đội ra 'tối hậu thư', Tổng thống phớt lờ 

Hôm 1/7, Trung Quốc công bố một luật mới yêu cầu con cái phải đến thăm và chăm sóc bố mẹ già của mình.

Con cái Trung Quốc ngày càng rời xa bố mẹ già - Ảnh: Independent
Con cái Trung Quốc ngày càng rời xa bố mẹ già - Ảnh: Independent.
 

Luật này là phiên bản mới của Luật Bảo vệ các quyền và lợi ích của người cao tuổi (đã được thông qua vào tháng 12/2012). Luật mới bổ sung: Các thành viên trong gia đình phải đến thăm bố mẹ già thường xuyên hơn nữa và nghiêm cấm bất kỳ hình thức bạo lực gia đình nào đối với người cao tuổi, như dùng ngôn ngữ xúc phạm hoặc phân biệt đối xử, tra tấn về mặt thể xác, bỏ rơi. Nếu các con không tuân theo điều khoản này, cha mẹ có thể nộp đơn xin hòa giải, hoặc kiện ra tòa.

Luật ra đời đã dấy lên một cuộc tranh luận nóng về việc liệu có phù hợp khi chính phủ can thiệp vào công việc của các gia đình và giải quyết các vấn đề đạo đức bằng các biện pháp pháp lý. Chữ hiếu vốn rất được coi trọng ở Trung Quốc, thậm chí đã từng được coi là tinh thần quốc gia. Tuy nhiên, sự chuyển đổi của xã hội trong 3 thập kỷ cải cách đã phá hủy mô hình gia đình truyền thống. Áp lực kinh tế khiến thế hệ trẻ rời nhà lên thành phố làm việc và không chăm sóc cha mẹ già của mình. Trung Quốc hiện có khoảng 400 triệu lao động di cư, và họ chỉ có một kỳ nghỉ mỗi năm, vào dịp Tết nguyên đán. Như vậy, họ chỉ có khoảng 10 ngày một năm để dành cho các bậc sinh thành. Trong khi đó, các nhà dưỡng lão còn rất ít.

Vì thế luật mới đã yêu cầu những người sử dụng lao động phải đảm bảo cho nhân viên có cha mẹ sống xa được 20 ngày nghỉ phép về thăm nhà. Tuy nhiên, người ta cũng lo sợ, nhiều công ty khó có khả năng thực hiện điều này. "Tôi muốn về thăm ba mẹ thường xuyên nhưng không có đủ tiền và thời gian, và tôi không tin rằng sếp của tôi sẽ hài lòng”, ông Chen Jian, một người đang làm việc ở Bắc Kinh, có cha mẹ sống tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương cho biết.

Sửa đổi luật này đã gây ra một cuộc tranh cãi vì nó không xác định mức độ thường xuyên đến thăm cha mẹ của một người như thế nào thì được coi là "phù hợp", cũng không xác định rõ hình phạt mà một người sẽ phải đối mặt nếu không đến thăm cha mẹ mình. Theo Giáo sư Xia Xueluan (Viện Xã hội học và nhân chủng học - Đại học Bắc Kinh): "Các phiên bản hiện hành giống như một lời nhắc nhở những người trẻ tái tập trung vào các giá trị truyền thống của gia đình, lòng hiếu thảo hơn là một đạo luật bắt buộc".

Luật cũng tuyên bố rõ ràng hơn về trách nhiệm của những đứa con đã trưởng thành đối với việc chăm sóc cha mẹ già, bao gồm cả nghĩa vụ kinh tế và tình cảm, và cho phép người cao tuổi cũng được quyền tự do trong chuyện hôn nhân của mình. Trách nhiệm chăm sóc hỗ trợ cha mẹ già của đứa con đã trưởng thành không thay đổi dù cha mẹ có đi bước nữa hay không.

Trong xã hội Trung Quốc, trường hợp cha mẹ hoặc người thân cao tuổi bị lạm dụng đã tăng lên qua những năm gần đây. Vào tháng Hai, một cặp vợ chồng già (quê tỉnh Hà Bắc) đã tự tử ở Bắc Kinh, sau khi bị con trai buộc phải sống trong một căn lều nhỏ bên ngoài ngôi nhà của mình và chỉ cung cấp cho bố mẹ rất ít thức ăn. Năm ngoái, một nông dân ở tỉnh Giang Tô đã cho mẹ già 100 tuổi sống trong chuồng lợn.

Một cuộc khảo sát do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho thấy khoảng 11,9% những đứa con trưởng thành đã không đến thăm bố mẹ họ lần nào trong năm và 33,4% chỉ thăm một lần mỗi năm.

Chính sách một con của Trung Quốc đưa ra trong những năm 1970 để ngăn chặn sự tăng trưởng dân số, đã dẫn đến một sự thay đổi lớn trong tỷ lệ người già và người trẻ tuổi ở đất nước này. Theo nguồn tin của Tân Hoa Xã và Bộ Nội vụ Trung Quốc, cuối năm 2011, đất nước đông dân nhất thế giới này có 185 triệu người trên 60 tuổi, chiếm khoảng 13,7% tổng dân số. Cuối năm 2012, con số này lần lượt là 193,9 triệu người, chiếm 14,3%. Dự kiến đến cuối năm 2050, một phần ba dân số Trung Quốc sẽ hơn 60 tuổi.

Theo Kim Anh
Theo Global Times và Independent

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG