> Kiên cường bám biển, canh tàu lạ
Theo ông Trục, hành động này của Trung Quốc là một trong những hành động nằm trong chuỗi kế hoạch nhằm thực hiện âm mưu tranh giành lợi ích kinh tế trên vùng biển với các nước, trong đó có VN.
Đầu tiên là các hành động cắt cáp, rồi mời thầu thăm dò dầu khí trong vùng biển, thềm lục địa của VN, hay tranh chấp bãi ngầm với Philippines... Các hành động này nhằm hiện thực hóa cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Đặc biệt lần này, hành động của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi phía Trung Quốc từ chối ngồi vào bàn đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) - điều mà trước đây Trung Quốc luôn nói sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, và đó cũng là hi vọng của các nước.
“Tuy nhiên họ đã không dám ngồi vào bàn đàm phán vì, theo tôi, nếu bây giờ ngồi vào bàn đàm phán thì phía Trung Quốc sẽ gặp bất lợi vì về pháp lý hay chính nghĩa họ không có. Họ muốn trì hoãn và thay vào đó tăng cường các hoạt động thực tế để lấn áp đàm phán ngoại giao.
Theo tôi, họ sẽ không dừng lại mà chắc chắn sắp tới còn có những hành động mạnh mẽ hơn để tạo sức mạnh trên thực tế nhằm che đi những âm mưu, yêu sách phi lý về đường lưỡi bò.
Vậy ta phải làm gì? Theo tôi, ta phải phát huy sức mạnh đoàn kết, tiếng nói chung của Asean để ngăn chặn các hành động trên thực tế của Trung Quốc. Ta có cơ sở pháp lý, có chính nghĩa, có sự đoàn kết. Ta phải phát huy các thế mạnh này. Ta phải làm sao để quốc tế và cả người dân Trung Quốc biết rõ hơn âm mưu, đòi hỏi vô lý của Trung Quốc.
Với một quốc gia có Luật biển như VN thì ta phải thể hiện sức mạnh trên thực tế. Nếu họ xâm phạm vùng biển của mình, mình phải ngăn chặn, bắt giữ và đưa ra xét xử. Ta bắt giữ sẽ đàng hoàng, đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế với những bằng chứng pháp lý cụ thể...” - ông Trục nói.
Chủ tịch Hội Nghề cá VN Nguyễn Việt Thắng khẳng định: “Hội Nghề cá VN luôn khẳng định chủ quyền hợp pháp của VN ở biển Đông, và phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền biển của VN.
Trước hành động xâm phạm thô bạo của 30 tàu cá Trung Quốc vào vùng biển chủ quyền của VN, Hội Nghề cá phản đối kịch liệt hành động này. Tôi đề nghị các cơ quan hữu quan của VN cần sớm có hành động để phản đối phía Trung Quốc.
Đồng thời có những biện pháp hữu hiệu, quyết liệt hơn nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân VN khi hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền của VN.
Ngay sau đây, Văn phòng Hội Nghề cá VN sẽ có công văn chính thức gửi Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT, MTTQ VN và các cơ quan chức năng để bày tỏ phản đối hành động của Trung Quốc, và đề nghị tăng cường các biện pháp bảo vệ ngư dân hoạt động trên biển”.
Yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc mạng Tin tức Trung Quốc đưa tin ngày 12-7, 30 tàu cá của tỉnh Hải Nam xuất phát từ cảng Tam Á đi đánh bắt cá xung quanh bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần. Hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế”. |
Theo Đức Bình
Tuổi Trẻ