Trung Quốc - Nepal kết thúc nhiều năm tranh cãi, đỉnh Everest 'cao thêm' gần 1m

Đỉnh Everest. Ảnh: AP
Đỉnh Everest. Ảnh: AP
TPO - Sau hơn một thập kỉ tranh cãi, Trung Quốc và Nepal cuối cùng đã thống nhất được về chiều cao đỉnh Everest.

Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới, nằm ở biên giới Nepal và Trung Quốc trên dãy Himalaya.

Đỉnh núi cao 8848,86m, theo dữ liệu được các quan chức của hai quốc gia công bố vào ngày 8/12.

Con số này cao hơn khoảng 1m so với độ cao được công nhận trước đó.

Tuyên bố mới nhất đánh dấu sự kết thúc của cuộc tranh luận kéo dài một thập kỉ về chiều cao chính xác của đỉnh Everest, được gọi là Sagarmatha ở Nepal và Qomolangma ở Tây Tạng (Trung Quốc).

Trong suốt nhiều năm, cả Trung Quốc, Nepal và nhiều quốc gia khác đã đưa ra những cách tính khác nhau về chiều cao của Everest.

“Dự án đo chiều cao đỉnh Everest là niềm tự hào đối với Nepal. Tôi cảm thấy tự hào vì chúng tôi đã hoàn thành dự án. Nepal và Trung Quốc đã cùng xử lý dữ liệu khảo sát và đưa ra kết quả cuối cùng”, Susheel Dangol – một quan chức Nepal nói với CNN.

Cuộc họp báo công bố chiều cao đỉnh Everest có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Pradeep Kumar Gyawali và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

Năm 2005, một cuộc khảo sát của Trung Quốc cho thấy đỉnh cao khoảng 8.844 mét so với mực nước biển.

Tuy nhiên, vì nghiên cứu không được Nepal cấp phép nên nước này không công nhận đây là chiều cao chính thức của Everest. Thay vào đó, phía Nepal cho rằng đỉnh Everest cao 8.848m, giống với con số mà Ấn Độ từng đưa ra hồi năm 1955.

Đến năm 2015, một số nghiên cứu khoa học cho thấy đỉnh Everest có thể đã thay đổi độ cao sau khi một trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra ở Nepal.

Hai năm sau, chính phủ Nepal khởi động lại dự án đo chiều cao của đỉnh núi cao nhất thế giới.

Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nepal năm ngoái, cả hai nước đã nhất trí cùng nhau công bố chiều cao mới của Everest, gọi đỉnh núi là "biểu tượng vĩnh cửu của tình hữu nghị giữa Nepal và Trung Quốc". Trung Quốc đã cử một nhóm gồm 8 thành viên để thực hiện cuộc khảo sát của riêng mình, và bắt đầu đo đạc từ sườn núi Tây Tạng sau chuyến thăm của ông Tập.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.