Trung Quốc, Mỹ, Philippines và 'ván cờ' Biển Đông

Trung Quốc, Mỹ, Philippines và 'ván cờ' Biển Đông
TPO-Trong nửa đầu năm 2013, những sự kiện gần đây tiếp tục làm nóng lên những tranh chấp trên Biển Đông. Những sự kiện đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ căng thẳng và tình hình chính trị trong khu vực.

Trung Quốc, Mỹ, Philippines và 'ván cờ' Biển Đông

> Tại sao Trung–Nhật dễ xảy ra chiến tranh? 

TPO-Trong nửa đầu năm 2013, những sự kiện gần đây tiếp tục làm nóng lên những tranh chấp trên Biển Đông. Những sự kiện đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ căng thẳng và tình hình chính trị trong khu vực.

Giáo sư, tiến sĩ Dmitry Mosyak có bài phân tích trên trang tin của Ủy ban tư vấn Đối ngoại Liên bang Nga, nêu rõ đó là sự kiện Trung Quốc đã quyết định giao cho lực lượng chấp pháp trên biển của mình thực hiện quyền kiểm soát và hành pháp trên Biển Đông, trong vùng nước mà Trung Quốc tự cho mình có quyền thực thi pháp luật (chiếm đến 80% diện tích Biển Đông) và sự kiện chính quyền Philippines đệ trình lên tòa án quốc tế Liên hợp quốc yêu cầu giải quyết những tranh chấp chủ quyền trên biển với Bắc Kinh. Những sự kiện nóng bỏng này đã tác động trực tiếp đến những quan hệ chính trị đối ngoại của nhiều nước có lợi ích trên Thái Bình Dương, buộc các nước liên quan phải điều chỉnh và đưa ra những giải pháp nhằm bảo vệ lợi ích của mình.

Philippines cứng rắn

Ngày 2.3.2013, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Albert del Rosario yêu cầu Trung Quốc chứng minh tính đúng đắn pháp lý của những đòi hỏi chủ quyền của mình trên những khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Ông cũng khẳng định: “Philippines trên thực tế đã sử dụng hết tất cả các biện pháp ngoại giao và chính trị để giải quyết hòa bình với Trung Quốc về những vấn đề tranh chấp trên biển”. Đồng thời ông cũng hy vọng các trọng tài quốc tế sẽ có những phán quyết đúng đắn, giải quyết triệt để, lâu dài những tranh chấp giữa các bên liên quan.

Giải thích nguyên nhân của tuyên bố bất ngờ và rất cứng rắn này, ông Albert del Rosario cho biết, từ năm 1995 Philippines đã tiến hành các cuộc trao đổi với Trung Quốc nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp, nhưng cho đến nay "các cuộc đàm phán đang đi vào bế tắc".

Câu hỏi đầu tiên liên quan đến những tuyên bố trên được đặt ra, tại sao Philippines không tiến hành các hoạt động đã nêu khi mối quan hệ giữa Philiphines và Trung Quốc đang trong tình trạng mong manh của một cuộc chiến tranh “cục bộ” (lần cuối cùng tình trạng căng thẳng diễn ra vào mùa thu năm 2012, khi mà liên tục nhiều ngày các chiến hạm của Trung Quốc và Philiphines đã đối đầu nhau trên biển tại khu vực bãi cạn Scaborough) mà lại được đưa ra trong lúc tình hình có vẻ như lắng dịu hơn?

Có thể cho rằng đó là phản ứng kiên quyết trong tình huống bức xúc bởi những áp lực mà Trung Quốc gây ra liên tiếp trên biển. Vào tháng 11.2012. Khi đã qua đi sự căng thẳng cuối cùng của đợt xung đột chủ quyền, chính phủ Philippines cho rằng đã hành động không đủ mạnh để đáp trả những hành vi của các tàu chiến Trung Quốc. Và họ muốn sửa lại những khiếm khuyết đó. Tổng thống Philippines Benigno Aquino quyết định thể hiện quan điểm cứng rắn của mình nhằm tăng cường số lượng người ủng hộ trong bầu cử bằng cách hành động cho người dân Philippines nhìn nhận được sự kiên quyết và tinh thần yêu nước của mình. Cũng có thể có một nguyên nhân khác: Chính quyền Philippines muốn thể hiện cho khối ASEAN thấy cần phải làm gì để đối phó với những đòi hỏi hỏi phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế và áp lực từ phía Trung Quốc.

Sau sự cố gây tranh cãi tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Phnompenh (Campuchia), khi dự thảo nghị quyết của Philippines về Biển Đông không nhận được sự đồng tình của nước chủ nhà, chính phủ Philippines quyết định hành động độc lập và hy vọng sẽ có được sự ủng hộ từ nhiều phía và Malina sẽ dẫn đầu trong việc quốc tế hóa những tranh chấp trên biển. Nhưng rõ ràng những ủng hộ đó chưa được thể hiện rõ nét cho đến thời điểm này do phần lớn các nước trong khối ASEAN đều có những mối quan hệ kinh tế khá phức tạp với Trung Quốc.

Tổng thống Philiphines ông Benigno Aquino
Tổng thống Philiphines ông Benigno Aquino.
 

Trên thực tế, khái niệm đơn phương của Philippines hoàn toàn mang tính tượng trưng. Manila có được sự ủng hộ của Mỹ, chính quyền Washington từ lâu đã nỗ lực đưa những tranh chấp trên Biển Đông từ song phương (giữa hai nước có tranh chấp) thành đa phương và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Ý đồ này nhằm củng cố vị thế của Mỹ trên Thái Bình Dương, ngăn chặn hiệu quả sự phát triển của đối thủ tiềm năng đồng thời giữ được uy tín của mình đang xấu đi trong tình hình chính trị u ám của Trung Đông, và Philippines đang đi đúng theo hướng đó.

Washington thu được nhiều lợi ích cả về quân sự và kinh tế cũng như vị thế chính trị khi tình hình trên Biển Đông căng thẳng và có nguy cơ trở thành lò lửa xung đột vũ trang. Cũng nhờ sự căng thẳng trên Biển Đông mà vị thế của Mỹ được phục hồi một cách ngoài mong đợi sau hơn hai thập kỷ đóng băng các mối quan hệ truyền thống ở châu Á. Chính vì sự kiện xảy ra trên rặng san hô Mischief, Manila mới thực sự cảm thấy cần thiết sự ủng hộ của Mỹ và chỉ sau căng thẳng của các xung đột năm 2008, Philippines mới trực tiếp yêu cầu Mỹ viện trợ với điều kiện sẵn sàng tiếp nhận các chiến hạm của Mỹ cập cảng và cho thuê sân bay dành cho những phi đoàn máy bay Mỹ hoạt động trên Thái Bình Dương và Biển Đông.

Hiện nay, cả hai bên đang xem xét phương án triển khai các lực lượng quân sự Mỹ trên lãnh thổ Philippines, tăng cường lực lượng cho hơn 600 quân nhân, chuyên gia đã có mặt ở Philippines từ năm 2002 trên đảo Mindanao và giúp đỡ lực lượng quân đội Philippines chống lại các lực lượng hồi giáo cực đoan ở miền Nam đất nước. Theo thông báo của đại sứ quán Mỹ tại Philippines, từ năm 2002 Manila nhận được gói viện trợ quân sự trị giá 500 triệu USD trong chương trình hợp tác quân sự. Ngoài ra, Philippines còn nhận được 20 máy bay trực thăng chiến đấu loại cũ đã được phục hồi, và tiếp nhận từ phía Mỹ các tàu tuần biển lớp “Cyclone” và “Hamilton”.

Washington dường như đến lượt mình đã thể hiện cho chính quyền mới của Trung Quốc biết, họ đang nắm trong tay những quân bài chủ lực đầy sức mạnh và hiện thực hóa sức mạnh của mình thông qua người đồng minh Philippines. Đồng thời người Mỹ cũng đã đáp trả phi đối xứng với những tuyên bố rất nhạy cảm của Bắc Kinh vào ngày 1.1.2013: “Cảnh sát biển Hải Nam có quyền đổ bộ lên tàu, khám xét và bắt giữ tàu nước ngoài, khi những tàu này “vi phạm luật pháp” (theo quan điểm của Trung Quốc) tiến vào vùng nước “chủ quyền – 80% diện tích Biển Đông” của đại lục. Quyết định này đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của các nước trong khối ASEAN. Tổng thư ký ASEAN ông Surin Pitsuwan đã gọi kế hoạch của Trung Quốc là “một biến cố nghiêm trọng của tình hình…một sự leo thang của những mâu thuẫn hiện tại, có khả năng trở thành ngòi nổ cho những xung đột nguy hiểm mới”.

Bào chữa cho quyết định đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bao biện rằng: “Các nước đều có quyền tự do hàng hải trên Biển Đông theo luật pháp biển quốc tế”. Theo lời của ông Hồng Lỗi thì “trong thời gian này với việc tự do hàng hải hoàn toàn không có vấn đề gì”. Trên thực tế tuyên bố của Trung Quốc nhằm che đậy một nội dung: Trước khi có quyết định này, tự do hàng hải vẫn là một vấn đề quốc tế đương nhiên, nhưng ngày nay nó sẽ phụ thuộc vào thái độ của Trung Quốc. Hôm nay Trung Quốc có thể thể hiện lòng tốt cho tự do hàng hải của những nước nhỏ như Philippines, nhưng ngày mai thì sao!? Đây là một vấn đề có tính nguyên tắc, do đó cái giá của tự do Biển Đông sẽ vô cùng cao. Lưu lượng vận tải qua eo biển Malacca và qua Biển Đông gấp 6 lần so với kênh đào Suez, và hơn 16 lần so với Panama. Vận tải qua Biển Đông chiếm gần hai phần ba nguồn năng lượng cung cấp cho Hàn Quốc, khoảng 60% cho Nhật Bản và Đài Loan. Một dòng chảy vận tải thương mại khổng lồ đến miền Tây nước Mỹ và vùng Viễn Đông của Nga chạy qua đây. Vùng nước này (thông số của năm 2006), mỗi ngày có 200 lượt tàu vận tải thương mại qua lại, một năm có khoảng 60 nghìn lượt tàu thương mại.

Cũng cần phải nhận thấy rằng, sự quyết liệt và tính cứng rắn sẵn sàng đối đầu của Philippines trong mâu thuấn với Trung Quốc, từ trước đây cho đến ngày nay đều mang tính văn hóa xã hội. Người Philippines luôn có tư tưởng tinh thần gần với phương Tây nhiều hơn so với tư duy nhận thức của các nước Đông Nam Á. Do những điều kiện lịch sử, văn hóa Philippines đã không tiếp nhận một chút nào ảnh hưởng từ nền văn minh Trung Hoa cổ đại. Trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống tư tưởng chính trị và văn hóa tinh thần, người Philippines không có sự thừa nhận Trung Quốc như một cái nôi của lịch sử và văn hóa khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đối với Manila giá trị của mối quan hệ với Mỹ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị - quân sự và một phần của lịch sử đương đại quan trọng hơn rất nhiều so với những mối quan hệ đối với Trung Quốc. Với Philippines, các giao thương với Trung Hoa đại lục hoàn toàn không có chiều sâu lịch sử và xuất phát đơn thuần từ lợi ích thực dụng.

Sự lựa chọn của Trung Quốc

Theo giới phân tích quốc tế, đến thời điểm hiện nay có vẻ như Trung Quốc và bộ máy lãnh đạo mới đang đứng trước một sự lựa chọn khá nghiêm trọng. Người Trung Quốc đã thể hiện sự tức giận đối với những hoạt động của Philippines. Theo lời của người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, những hành động này làm cho vấn đề phức tạp hơn. Sau một thời gian lắng dịu, tình hình lại trở lên căng thẳng. Trung Quốc tuyên bố việc đưa tranh chấp ra tòa quốc tế là không có cơ sở pháp lý và không muốn nghe những phán quyết của Tòa án.

Căn cứ quân sự của Trung Quốc trên vùng rặng san hô Mischif
Căn cứ quân sự của Trung Quốc trên vùng rặng san hô Mischief.
 

Theo giới phân tích quốc tế, Trung Quốc một mặt muốn răn đe và trừng phạt Manila, nhưng trừng phạt sao cho không kích thích sự đoàn kết các thành viên ASEAN vào một khối đối phó Trung Quốc. Nếu sử dụng vũ lực răn đe sẽ dẫn đến việc các nước Đông Nam Á liên kết lại với nhau và quyết liệt phản kháng, điều đã xảy ra trong giai đoạn năm 2011. Sự việc sẽ lôi kéo Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự mạnh hơn nữa. Trung Quốc cũng lo ngại nếu trừng phạt nhẹ nhàng, có thể tạo cho các láng giềng có cảm giác các nhà lãnh đạo Trung Quốc không tự tin lắm vào sức mạnh của mình. Trước mắt Trung Quốc vẫn tiếp tục theo định hướng cũ của mình và cách đây không lâu Cục nghề cá Trung Quốc quyết định sẽ sử dụng tàu quân sự tuần tra trong khu vực ngư trường nhằm “bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân Trung Quốc”!?

Các chuyên gia cũng nhận định Trung Quốc tiếp tục đánh lạc hướng dư luận bằng việc tăng cường mối quan hệ với Nga nhằm tạo ra một liên minh ảo, gây nóng quần đảo Senkaku nhằm lôi kéo sự chú ý của quốc tế, giảm căng thẳng với Mỹ bằng các hoạt động đối ngoại và tổ chức các hoạt động chung về quốc phòng. Nhưng điều đó không có nghĩa là định hướng Biển Đông của Trung Quốc đã thay đổi.

Mỹ và những lựa chọn khó khăn

Nước đi quyết liệt của Philippines đã tạo ra một điểm nhấn trong quan hệ Mỹ - Phi và trở thành một vấn đề rất khó khăn đối mới Washington. Ý nghĩa của vấn đề là buộc đồng minh Mỹ phải tính toán đến một phương án hành động, phương án này cho phép người Mỹ sử dụng thế mạnh của mình ở Đông Nam Á gây áp lực để Trung Quốc lùi bước trong quan hệ song phương và bước vào cơ chế đa phương, đồng thời cũng buộc phải lùi bước trong lĩnh vực kinh tế và chính trị đối ngoại pháo hạm. Một khó khăn hiện hữu là cần giải pháp khả thi để phù hợp với chiến lược Biển Đông nhằm duy trì quyền lực và lợi ích của nước Mỹ.

Washington luôn tìm cách nêu bật ảnh hưởng cũng như tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông, biển Hoa Đông và biển Vàng nhằm tạo ra một vành đai liên minh cô lập Trung Quốc. Trong định hướng này người Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ triệt để và kiên quyết trên mọi cấp độ, như thể hiện qua tuyên bố ngày 5.1.2012 trong Học thuyết quân sự mới của Mỹ, chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tàu quân y Mỹ trên biển Đông
Tàu quân y Mỹ trên biển Đông.
 

Trên quan hệ song phương Mỹ - Trung thường xuyên tồn tại những mâu thuẫn cố hữu sâu sắc về vấn đề tư tưởng, nhưng người Mỹ cùng tìm thấy được ở Trung Quốc những lợi ích kinh tế to lớn để có thể tạm thời gạt sang một bên những mâu thuẫn tư tưởng và chính trị nhằm đạt cơ chế lợi ích thực tế. Mỹ cũng hoàn toàn không muốn chia sẻ quyền lợi trên Biển Đông và Thái Bình Dương cho Trung Quốc, nhưng đứng trước những khó khăn và nguy cơ trong khu vực Trung Đông, những hệ quả phức tạp của chủ nghĩa khủng bố, của “cách mạng sắc mầu” và tình hình an ninh chính trị vùng Trung Đông đang trói buộc chân tay của Mỹ và đè lên vai gánh nặng thâm hụt ngân sách quốc phòng.

Vấn đề của Mỹ là xác định giới hạn gây áp lực lên Trung Quốc sao cho không đặt Trung Quốc vào vị thế phải lựa chọn giải pháp cuối cùng là xung đột vũ trang. Nhưng ít nhất phải đạt được một thỏa thuận khả dĩ cho đồng minh của mình để các nước trong khối ASEAN và châu Á không cảm thấy Mỹ đã theo đuổi lợi ích thực tế mà bỏ rơi các nước bạn bè, dù điều này xảy ra không phải một lần. Do đó, cho đến thời điểm này quan hệ Mỹ - Trung vẫn có rất nhiều vấn đề mâu thuẫn, nhưng cũng có những vấn đề khác đã được thỏa hiệp nhằm duy trì trạng thái căng thẳng, ẩn chứa nhiều nguy cơ. Nếu giải pháp tình thế của Mỹ ngày nay không dứt điểm và rõ nét, bản thân Mỹ cũng gây lo lắng cho các đồng minh và có thể sẽ thể hiện sự yếu đuối của mình – vấn đề mà nhiều nước nghi ngờ. Hơn thế nữa, Mỹ có thể sẽ thất bại trong việc gây sức ép buộc Trung Quốc phải lùi bước chiến thuật mà không tạo ra nguy cơ chiến tranh.

Cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng và tranh chấp chủ quyền vô cùng phức tạp trên Biển Đông đã bước sang một giai đoạn mới. Giai đoạn này đe dọa tạo ra một nguy cơ rất lớn đối với an ninh khu vực và thế giới. Trung Quốc cũng nhìn nhận được sự lúng túng trong các chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như Mỹ cũng đã nhận thấy rất rõ những nhược điểm của Trung Quốc. Cả hai đều có những vấn đề và đang cố gắng tìm hướng giải quyết.

Nhiều chuyên gia uy tín nhận định hoàn toàn có khả năng Trung Quốc, lợi dụng tình hình phức tạp trong nội bộ nước Mỹ và những khu vực nóng do hậu quả của chính sách đối ngoại vũ lực, có thể tăng cường áp lực răn đe trên biển nhằm trừng phạt Philippines và chiếm ưu thế với Mỹ, buộc Mỹ phải chấp nhận một sự đã rồi và thỏa hiệp trên quan điểm của các siêu cường mà bỏ qua sự tổn thất của các đồng minh.

Xung đột có thể xảy ra nhanh chóng không chỉ bằng việc cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ tàu cá hoặc phá hoại những hoạt động thăm dò dầu khí, thăm dò khai thác tài nguyên biển mà có thể là cảnh sát biển Trung Quốc ngăn chặn để kiểm tra một tàu có nguồn gốc không phải Trung Quốc hoặc gây khó khăn cho các hoạt động vận tải thương mại của một nước ASEAN. Khi đó vấn đề ngư trường, vấn đề vận tải dầu khí sẽ bị đẩy xuống hàng thứ hai, quan trọng bậc nhất sẽ là tự do hàng hải trên biển. Vấn đề nhạy cảm này không nằm trong cơ chế đối ngoại song phương hoặc đối ngoại khu vực, mà sẽ là vấn đề tự do hàng hải và an ninh, ổn định trên toàn thế giới. Hòa bình ổn định trên thế giới phụ thuộc vào phương pháp giải quyết tất cả những vấn đề trên Biển Đông.

Trịnh Thái Bằng (nguồn: Russiancouncil.ru)

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG