Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 23/4 nói với các phóng viên tại thủ đô Vientiane của Lào rằng, Trung Quốc đã đạt được “sự đồng thuận quan trọng” với Brunei, Campuchia… Vấn đề biển Đông “không phải tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN” và “không nên ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc - ASEAN”, Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tuy nhiên, ASEAN hồi tháng 2 tuyên bố, các hoạt động bồi đắp bãi ngầm, xây dựng đảo nhân tạo và các động thái tiếp theo của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Trung Quốc lâu nay vẫn tìm cách không để vấn đề biển Đông được được ra các diễn đàn đa phương và gây chia rẽ trong nội bộ các nước ASEAN về vấn đề này.
Trước đó, trong chuyến thăm Brunei, ông Vương Nghị nói rằng, Brunei đã đồng ý với cách tiếp cận của Bắc Kinh về giải quyết tranh chấp trên biển Đông, rằng các tranh chấp chỉ nên được giải quyết giữa hai nước liên quan trực tiếp, và không nên có bất kỳ sự can thiệp nào từ các nước khác. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng các nỗ lực ngoại giao trước khi Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Phán quyết (dự kiến được đưa ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6) rất có thể sẽ ủng hộ quan điểm của Philippines, nhưng Trung Quốc luôn bác bỏ thẩm quyền của tòa và đang tìm kiếm đồng minh để chống lại phán quyết.
Báo Hong Kong South China Morning Post hôm qua dẫn lời ông Wang Yong, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại ĐH Bắc Kinh, nói rằng, sự đồng ý của Brunei là thành công quan trọng của Bắc Kinh nhằm giảm bớt áp lực ngoại giao trước thềm phán quyết của tòa. Với dân số chỉ khoảng 400.000 người, Brunei là quốc gia nhỏ nhất có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc trên biển Đông.
Để lôi kéo quốc gia giàu dầu mỏ này, trong chuyến thăm vừa qua, ông Vương Nghị đã cam kết mở rộng quan hệ kinh tế. Số lượng dự án đầu tư của Trung Quốc vào Brunei năm 2015 tăng gấp đôi so với năm trước, và tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia này tăng 50 lần so với cùng kỳ. GS Wang nói rằng, việc sử dụng động lực kinh tế với các nước láng giềng nhỏ hơn là một phần trong chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh. Trung Quốc có kế hoạch đưa Brunei vào chiến lược “Một vành đai, Một con đường” để thúc đẩy hợp tác kinh tế và du lịch với Brunei.
Ông Vương Nghị lần này cũng đến thăm Campuchia - nước đang nhận nguồn viện trợ và đầu tư rất lớn của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Campuchia cũng ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về giải quyết tranh chấp.
Bắc Kinh sẽ đưa nhà máy điện hạt nhân ra biển Đông
Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển nhằm đưa ra khu vực tranh chấp trên biển Đông. Trong một bài viết đăng gần đây, Global Times (Thời báo Hoàn cầu) thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng, các nhà máy điện hạt nhân sẽ tăng đáng kể hiệu quả hoạt động xây dựng của nước này trên các đảo thuộc vùng biển Đông có tầm quan trọng chiến lược. Tờ báo này cũng nói rằng, các nhà máy điện hạt nhân có thể “ra khơi” đến những khu vực xa xôi và cung cấp nguồn điện ổn định.
Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) chịu trách nhiệm thiết kế và lắp đặt những nhà máy này và công việc “đang tiến triển”, Global Times dẫn lời ông Liu Zhengguo - một trong các giám đốc của tập đoàn. “Sự phát triển của những nhà máy điện hạt nhân nổi là một xu hướng đang phát triển”, ông Liu nói với tờ báo để trả lời câu hỏi đề nghị bình luận về thông tin báo chí nêu trước đó rằng Trung Quốc sẽ chế tạo 20 nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển.
“Số lượng nhà máy điện hạt nhân nổi mà CSIC chế tạo phụ thuộc vào nhu cầu thị trường”, ông Liu nói, nhưng không xác nhận hay phủ nhận con số được nêu ra. “Dựa trên nhiều yếu tố, nhu cầu đang khá mạnh”, ông Liu nói. Ông này tuyên bố rằng, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân “dựa trên công nghệ chín muồi”, và các nhà máy như vậy chủ yếu phục vụ nhu cầu dân sự, như cung cấp điện cho các giàn khoan dầu khí.
Một bài viết đăng trên eworldship.com (trang web của ngành đóng tàu có trụ sở tại Thượng Hải) nói rằng, Công ty Công nghiệp nặng đóng tàu Bohai (BSHIC), một doanh nghiệp lắp ráp tàu thuộc CSIC, sẽ chịu trách nhiệm chế tạo, lắp đặt nhà máy điện hạt nhân trên biển đầu tiên của Trung Quốc, và CSIC sẽ chế tạo khoảng 20 nhà máy điện hạt nhân như vậy trong tương lai. Theo bài viết này, một nhóm chuyên gia đã đánh giá và thảo luận kế hoạch kỹ thuật của nhà máy điện hạt nhân mà Viện 719 (cũng thuộc CSIC) đề xuất, và đã nhất trí với kế hoạch. Tuy nhiên, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từ chối bình luận và nói rằng “chưa nghe đến chuyện này”.
Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc hồi tháng 1 đưa tin, việc chế tạo nhà máy điện hạt nhân trên biển đầu tiên dự kiến được hoàn thành năm 2018 và đưa vào sử dụng năm 2019.
Trong phát biểu vừa đưa ra, ông Vương Nghị nhắc lại tầm quan trọng của “cách tiếp cận kép” trong giải quyết tranh chấp, rằng một mặt giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia liên quan trực tiếp; mặt khác, Trung Quốc và ASEAN duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, quan điểm này bị nhiều nước, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia… phản đối.