Trung Quốc khuyến khích đội quân 'chỉnh' dư luận

Trong một quán café internet tại Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Today Online.
Trong một quán café internet tại Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Today Online.
TP - “Trung Quốc đã trở thành một nước mạnh và tôi muốn cả thế giới thấy điều này”. Đó là phát biểu của một thanh niên 23 tuổi vừa tốt nghiệp đại học và là một trong số hàng triệu người Trung Quốc có tư tưởng dân tộc hằng ngày sục sạo trên mạng xã hội để bác bỏ những chỉ trích nhằm vào đất nước mình.

Thanh niên này tất nhiên chỉ sử dụng tên ảo. Trong khi Nga thường được biết đến với việc sử dụng phần mềm tự động để đẩy mạnh các nội dung trên mạng, Trung Quốc dùng một lực lượng tự nguyện, chủ yếu là thanh niên, để lên mạng và tấn công lại dư luận bất lợi. Những năm qua, đội quân này được biết đến với cái tên “đội 50 xu”, vì họ được trả nửa nhân dân tệ cho mỗi đoạn đăng có tính chất dân tộc, yêu nước.

Nhưng gần đây nổi lên một kiểu chiến binh tình nguyện khác mang với biệt danh “tự kiếm phần 50 xu của mình” vì họ sẵn sàng làm việc không công. Một số người tự gọi họ là “tiểu hồng”, tên gọi xuất phát từ màu của trang diễn đàn trực tuyến mà những người dân tộc chủ nghĩa hay sử dụng. Khi chủ nghĩa dân tộc gia tăng và được thúc đẩy bởi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và nhận thức về sự đi xuống của phương Tây, phạm vi hoạt động của đội quân tuyên truyền của Trung Quốc vươn ra toàn cầu.

“Dội bom” đồng loạt

“Hãy kể tốt câu chuyện Trung Quốc và xây dựng sức mạnh mềm của Trung Quốc”, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các đại biểu dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra vào tháng 10 năm ngoái. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhanh chóng triển khai các hoạt động ở nước ngoài, trong khi chính phủ đẩy mạnh quảng bá phim tuyên truyền trên nhiều nền tảng mạng xã hội phương Tây.

Hai năm qua, Bắc Kinh đưa ra một số sáng kiến để khuyến khích “những công dân tốt” lan truyền thông điệp tích cực về Trung Quốc, như “Phong trào tình nguyện văn minh hóa Internet” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc. Đoàn Thanh niên kêu gọi các chiến binh trên mạng lái các tranh luận trên mạng theo hướng yêu nước. “Tiểu hồng” trở thành những thành viên lên tiếng mạnh mẽ nhất trong cộng đồng mạng.

“Một trong những thuật ngữ chính mà ông Tập sử dụng là “lan truyền năng lượng tích cực”. Điều này nghĩa là tất cả người dân Trung Quốc cần lan truyền những thông điệp tích cực về xã hội của họ để giúp Trung Quốc càng phát triển hơn”, nhật báo quốc tế Financial Times dẫn lời ông David Bandurski, thành viên trung tâm nghiên cứu China Media Project trụ sở tại Hong Kong.

Nhưng người trẻ Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc không phải lúc nào cũng lan tỏa những điều tích cực như vậy. Nhiều khi họ thực hiện chiến dịch kiểu như “đánh bom hàng loạt” tài khoản mạng xã hội của những nhân vật công chúng, tấn công mục tiêu bằng hàng loạt đoạn viết đáng sợ hay đóng cửa các cuộc tranh luận trên mạng. “Những cuộc tấn công lớn đều có sự thống nhất trước về khẩu hiệu, biểu tượng và thời gian bắt đầu, và lực lượng tấn công sẽ được chia thành các nhóm, như nhóm triển khai nguyên tắc nội bộ và nhóm giúp mọi người vào được các trang bị chặn như Facebook”, nhà nghiên cứu Kate Yuan Tian, tác giả bài viết của Trường Luật Yale (Mỹ) nói về các “tiểu hồng”. Đội tấn công đôi khi sử dụng hình ảnh, đoạn phim do các cơ quan nhà nước hay tư nhân tạo ra. Bà Wanning Sun, giáo sư ngành truyền thông tại ĐH Công nghệ Sydney (Úc), gọi đây là kiểu “phi học thuyết”, và rằng chính phủ không thấy nghịch lý nào trong việc cho phép các cơ sở thương mại quảng bá chủ nghĩa xã hội nhà nước. Trong số những biểu tượng từng được sử dụng là hình ảnh hoạt hình của chú thỏ dễ thương đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc bị những con vật khác như đại bàng đầu trắng Mỹ bắt nạt.

Đội quân dư luận của Trung Quốc còn lập các nhóm riêng trên Facebook, dù người dân Trung Quốc bị chặn sử dụng mạng xã hội này. Nhóm đông nhất trong số này có số thành viên lên đến 40.000, với nhiệm vụ thể hiện ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” và trước khi tham gia, các thành viên đều phải tuyên bố mình là người Trung Quốc. Mục tiêu của nhóm này rất đa dạng, từ nhà lãnh đạo Đài Loan ủng hộ độc lập hay những hãng hàng không quốc tế đối xử không tốt với khách hàng Trung Quốc.

Năm ngoái, tài khoản Instagram Lady Gaga trở thành thành mục tiêu tấn công sau khi ca sĩ này gặp Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng đang sống lưu vong và bị Bắc Kinh gọi là phần tử ly khai.

Theo ​Theo Financial Times, Today Online
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.