Trung Quốc khẳng định không để Nhật mua đảo tranh chấp
> Nhật, Trung tranh cãi về quần đảo tranh chấp
Bất chấp phía Nhật tỏ quyết tâm mua bằng được đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Bắc Kinh khẳng định không để điều này xảy ra.
Máy bay giám sát của Nhật Bản bay trên quần đảo tranh chấp với Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Việc Nhật Bản ngày càng đẩy mạnh thái độ trong việc tranh chấp chủ quyền đảo Điếu Ngư/Senkaku đã chọc giận Trung Quốc, theo Thời báo Hoàn Cầu.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vào ngày 7-7 công bố bắt đầu đàm phán về vấn đề mua lại đảo đang tranh chấp với Trung Quốc.
Cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ngày 8-7 cũng đã kêu gọi tăng cường an ninh cho khu vực đảo này.
Trả đũa về vấn đề này, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7-7 đã tuyên bố cương quyết không để chủ quyền lãnh thổ của nước mình rơi vào tay kẻ khác và quyết dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền đảo trên.
Thời báo Đài Loan ngày 8-7 cũng cho rằng việc quân đội đại lục ra lệnh cấm tàu bè lưu thông, cấm đánh bắt cá từ ngày 10 đến 15-7 ở khu vực đảo Điếu Ngư/Senkaku và chính thức tập trận bằng đạn thật từ ngày 10-7 là muốn cảnh cáo Nhật Bản, qua đó ép nước này phải ngưng mọi tham vọng và động thái ở đảo này.
Trung ương xã Đài Loan cũng cho biết, nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu ngày 7-7 tuyên bố không chịu nhường nhịn về vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku, dù quan hệ giữa Nhật Bản và Đài Loan vẫn rất tốt đẹp.
Chuyên gia quân sự kiêm giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc Trương Thiệu Trung tuyên bố Trung - Nhật không thể tránh khỏi mâu thuẫn về vấn đề tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku nhưng nguy cơ chiến tranh xảy ra sẽ không cao.
Tờ Hoàn Cầu ngày 9-7 vẫn tung ra một bài xã luận, đề nghị cần thêm nhiều hành động khác để đối phó với Nhật Bản như: “Quân đội Trung Quốc cần tăng cường hơn ở đảo Điếu Ngư/Senkaku. Nếu phía Nhật Bản tiến thêm một bước thì phía Trung Quốc phải tiến thêm một bước rưỡi hoặc hai bước để phía Nhật hiểu được rằng việc khiêu khích chắn chắn sẽ gặt hái hậu quả nghiêm trọng. Phía Đài Loan, Hồng Kông cần phải liên kết chặt chẽ với đại lục trong vấn đề bảo vệ đảo. Nhật Bản phải hiểu được những tác hại của vấn đề mâu thuẫn trên ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác giữa hai nước…”.
Thiếu tướng quân sự Trung Quốc La Viện ngày 9-7 trên tờ Hoàn Cầu cũng hung hăng đề nghị Trung Quốc cần đưa ra “6 điều tồn tại” để giải quyết vấn đề chủ quyền Điếu Ngư/Senkaku.
Một là, tồn tại về hành chính, đề nghị thành lập thị trấn đảo Điếu Ngư thuộc huyện Nghi Lan, Đài Loan.
Hai là, tồn tại về mặt pháp luật, đề nghị nhanh chóng tuyên bố đường lãnh hải của quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, và các vùng đảo lân cận.
Ba là tồn tại về mặt quân sự, theo đó đề nghị gần khu vực đảo Điếu Ngư thiết lập một khu diễn tập quân sự, khu bắn tập tên lửa, lúc cần thiết có thể tập trận không quân và hải quân.
Bốn là tồn tại về mặt chấp pháp. Đề nghị nhanh chóng thành lập đội cảnh vệ biển quốc gia để các tàu hải giám, tàu cá Trung Quốc không phải “đụng độ” với tàu quân sự của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Thiếu tướng La Viện còn mạnh miệng tuyên bố nếu Nhật Bản không dạy dỗ được “đứa con hư” của mình, thì Trung Quốc sẽ dạy thay.
Năm là tồn tại về mặt kinh tế. Đề nghị thành lập tập đoàn khai thác kinh tế đảo Điếu Ngư, phụ trách khai thác ngư nghiệp, dầu khí và du lịch đối với quần đảo này và các đảo lân cận.
Sáu là tồn tại về mặt lập luận. Tăng cường quảng bá căn cứ pháp luật và lịch sử của Trung Quốc đối với quần đảo này, phát tài liệu tuyên truyền tại các đại sứ quán nước ngoài ở Trung Quốc và tại Liên Hiệp Quốc. Đề nghị cần có thêm những công trình kiến trúc và những trang bị mới mang tính tiêu biểu như tàu sân bay mới có tên Điếu Ngư,…
Hiện tại phía Nhật Bản vẫn chưa có phản ứng về những tuyên bố mới này của Trung Quốc.
Theo Lucy Nguyễn
Thanh Niên