Theo Xinhua, Hội nghị Trung ương 4 của Đại hội 18 thông qua quyết định hủy tư cách đảng viên của cựu Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh, cựu lãnh đạo Ủy ban Quản lý Tài sản Nhà nước Tưởng Khiết Mẫn, nguyên Phó Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Vương Vĩnh Xuân, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành, Phó Tư lệnh Đại Quân khu Thành Đô, trung tướng Dương Kim Sơn và cựu Bí Thư tỉnh ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương. Quyết định khai trừ đảng 6 người này (trong đó có 3 ủy viên trung ương đảng) trước đó đã được Bộ Chính trị nhất trí.
Hội nghị lần này không đưa ra quyết định nào về số phận cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang. Thông cáo Hội nghị chỉ nhấn mạnh rằng, đảng đã tìm thấy nhiều chứng cứ về tội tham nhũng của nhiều ủy viên trung ương bị khai trừ, có liên hệ với Chu Vĩnh Khang.
Báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 24/10 nhận định, việc chưa thể kết luận vận mệnh Chu Vĩnh Khang cho thấy có sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo báo Wall Street Journal (Mỹ), chi tiết về số phận Chu Vĩnh Khang có thể sẽ xuất hiện trong tuần này.
Trước khi Hội nghị Trung ương 4 bế mạc, Trung Quốc đã có kế hoạch cho phiên họp toàn thể của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương vào ngày 25/10 tại Bắc Kinh.
Quan chức không được can thiệp các vụ án
Hội nghị Trung ương 4 nhấn mạnh nguyên tắc thượng tôn luật pháp theo mục tiêu xây dựng một hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết tăng cường pháp trị, thông qua việc nâng cao tính độc lập và chuyên nghiệp của hệ thống tư pháp, giảm thiểu hiện tượng can thiệp của quan chức các cấp.
Theo Xinhua, quan chức Trung Quốc vẫn bị công chúng chỉ trích nếu họ tác động hoạt động tư pháp hoặc can thiệp vụ án. Theo thông cáo Hội nghị, Trung Quốc sẽ xây dựng một hệ thống, trong đó các quan chức phải chịu tội hoặc gánh trách nhiệm nếu họ can thiệp các vụ án.
Trung Quốc cũng sẽ trao cho đội ngũ thẩm phán nhiều quyền lực độc lập hơn, đồng thời giới hạn ảnh hưởng của giới chức địa phương đối với các tòa án và vụ án.
Giáo sư Ma Huaide, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Chính trị và Luật pháp Trung Quốc nói rằng, đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rõ trong tài liệu rằng, cấm các quan chức can thiệp vào các vụ án và cam kết những người vi phạm phải chịu trách nhiệm.
“Chỉ có cách bảo đảm tính độc lập của các cơ quan thực thi pháp luật, tách khỏi ảnh hưởng của các mệnh lệnh hành chính, quan hệ cá nhân và tiền bạc, công chúng mới có thể cảm thấy sự công bằng và công lý trong các vụ án”, giáo sư Ma nhận định.
Xinhua thừa nhận, Trung Quốc bị thúc ép phải cải cách sâu rộng hệ thống tư pháp, nhằm giải tỏa mối lo của công chúng về năng lực và tính công bằng của hệ thống tòa án (hiện thụ lý số lượng vụ án lớn chưa từng thấy). Năm 2013, các tòa án địa phương xét xử hơn 14,2 triệu vụ, tăng 7,4% so với năm 2012.
Các nhà phân tích cho rằng, công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc cần thêm động lực mới, lãnh đạo bằng luật pháp sẽ không chỉ kiềm chế quyền lực mà còn bảo vệ quyền và lợi ích của người dân. Nhiều người tin rằng, lãnh đạo bằng luật pháp là chìa khóa thành công của những cải cách hiện nay ở Trung Quốc.
Theo họ, phần lớn những thương tổn mà kinh tế Trung Quốc đang phải hứng chịu là do thiếu năng lực, bong bóng bất động sản, nguy cơ vỡ nợ của các địa phương, ngân hàng hoạt động mờ ám… Gốc rễ của hiện trạng trên là do sự can thiệp hành chính quá mức, tham nhũng và cạnh tranh không lành mạnh, tất cả đều là kết quả của việc thiếu pháp trị.
Hội nghị Trung ương 4 quyết định bổ sung 3 ủy viên trung ương đảng, gồm các ông Mao Vạn Xuân - Thường vụ tỉnh ủy Thiểm Tây, Mã Kiến Đường - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Trung Quốc và Vương Tác An - Tổng cục trưởng Tổng cục Tôn giáo Quốc gia.