Theo TS McManus, hệ sinh thái phía nam biển Đông đang bị tàn phá nặng nề, chủ yếu do các hoạt động của Trung Quốc. “Mọi thứ đều bị hủy hoại. Các tàu cá Trung Quốc đào bới, nạo vét để đánh bắt sò khổng lồ”, ông nói. Trung Quốc đã xây dựng 7 đảo nhân tạo tại khu vực Trường Sa; đơn phương áp đặt các quy định về đánh bắt thủy sản trên biển Đông, bao gồm việc đóng cửa theo mùa và yêu cầu ngư dân không phải người Trung Quốc xin phép đánh bắt cá trên biển. Trong khi đó, Trung Quốc có 50.000 tàu khai thác thủy sản, được trợ cấp nhiên liệu đánh bắt dài ngày; nhiều tàu cá đã tới khu vực Trường Sa đào bới các rạn san hô để bắt sò khổng lồ.
TS McManus nói rằng, ít nhất 160km2 rạn san hô đã bị hư hại, trong đó 17km2 bị hư hại lâu dài do hoạt động nạo vét xây dựng đảo nhân tạo, 143km2 bị hư hại do hoạt động nạo vét cát và đào bới sò khổng lồ. Theo ông, các nước liên quan nên sớm thiết lập công viên biển hòa bình trên biển Đông.
TS Annette Junio Menne, Viện Khoa học biển, Đại học Philippines, nói rằng, nam biển Đông có một tam giác san hô với hơn 500 loài san hô, nhưng việc Trung Quốc bồi đắp bãi đá ngầm, xây dựng đảo nhân tạo đã làm nhiều rạn san hô, bãi trầm tích biến mất, gây tổn hại rất lớn về môi trường sinh thái.