Bắc Kinh phái các tàu ra đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington cho biết.
Đội tàu của Trung Quốc bao gồm các tàu hải quân, tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển và vài chục tàu đánh cá đã xuất phát từ đá Xu-bi.
Báo cáo của AMTI cho biết sự hiện diện của lực lượng này là một phần của nỗ lực nhằm ép Philippines dừng thi công trên đảo Thị Tứ mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.
Những bức ảnh vệ tinh cho thấy tàu khu trục Jianghu lớp V của hải quân Trung Quốc và tàu tuần tra cao tốc lớp Zhaoduan của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc có mặt ở đảo Thị Tứ hôm 20/12, khi số lượng tàu Trung Quốc có mặt ở đó đã lên đến con số 95.
Báo cáo của AMTI nói rằng tàu chiến Trung Quốc khi đó tiến sát đến mức chỉ cách tàu khu trục BRP Ramon Alcaraz của Philippines 7 hải lý.
Tháng 4/2014, chính phủ Philippines thông báo sẽ bắt đầu xây dựng một bãi biển dốc ở Thị Tứ.
Sau khi hoàn thành, bãi biển dốc này sẽ cho phép các tàu Philippines đưa các vật liệu xây dựng lên đảo để sửa chữa và nối dài đường băng trên đảo để có thể tiếp nhận các máy bay cỡ lớn.
Công việc này đáng ra đã được hoàn thành từ cuối năm ngoái, nhưng các quan chức Philippines nói rằng thời tiết xấu và biển động khiến thời hạn bị kéo dài. Nhưng báo cáo của AMTI nói rằng hoạt động của Trung Quốc góp phần gây ra tình trạng này.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana vừa nói với báo Philippines Daily Inquirer rằng dốc biển đó dự kiến sẽ được hoàn thành trong quý 1 năm nay.
Ông Lorenzana cũng nói rằng Philippines cần phản đối quyết định của Bắc Kinh về việc xây dựng một trung tâm cứu hộ trên đá Chữ Thập, một tiền đồn mà Trung Quốc cải tạo và xây dựng trái phép.
Dẫn ra các bức ảnh vệ tinh, AMTI nói rằng số lượng tàu Trung Quốc hiện diện ở khu vực này đã tăng lên ít nhất 24 tàu trong ngày 3/12, trước khi Philippines bắt đầu đợt xây dựng mới nhất, và tăng lên 95 tàu vào ngày 25/12. Đến ngày 26/1, số tàu đã giảm xuống 42.
Ông Lorenzana nói vào tháng 11 năm ngoái rằng đại sứ Trung Quốc tại Philippines trước đó đã thúc giục ông huỷ việc xây dựng.
Nhưng việc Trung Quốc giảm số lượng tàu cho thấy “lực lượng Trung Quốc đã chuyển sang chế độ giám sát và hăm doạ sau khi chiến dịch hiện diện quy mô lớn ban đầu không thể thuyết phục Manila dừng xây dựng”, AMTI nhận định.
Sau khi hoàn thành, Philippines sẽ kiểm soát 8 mẫu đất thuộc quần đảo Trường Sa trong những năm gần đây, trong khi Trung Quốc kiểm soát 3.200 mẫu.