Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cuối tuần qua nói tại Úc rằng ông ủng hộ ý tưởng đưa các tên lửa mặt đất tầm trung đến châu Á trong thời gian tương đối sớm, có thể sau vài tháng tới.
Washington tuần trước chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một thỏa thuận ký năm 1987 với Liên Xô nhằm cấm phát triển các loại tên lửa hành trình và đạn đạo truyền thống và hạt nhân có tầm xa từ 500-5.000km. Các quan chức Mỹ cáo buộc Nga không tuân thủ thỏa thuận.
Nhưng việc rút khỏi hiệp ước này cũng mở đường cho Lầu Năm góc phát triển các loại vũ khí mới để đối phó với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang sở hữu kho tên lửa mặt đất ngày càng hiện đại mà nước này không phải một bên ký kết của INF.
Ông Fu Cong, vụ trưởng vụ kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh “sẽ không đứng yên” nhìn Mỹ đưa tên lửa đến châu Á.
“Nếu Mỹ triển khai tên lửa đến khu vực này, tại cửa nhà của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ buộc phải có biện pháp đáp trả”, CNA dẫn lời ông Fu nói với báo giới.
“Tôi thúc giục các nước láng giềng thận trọng và không cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ của họ”, ông Fu nói.
Quan chức này nêu cụ thể tên các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, cảnh báo rằng điều này sẽ không có lợi cho lợi ích an ninh quốc gia của họ.
Ông Fu không nói cụ thể Trung Quốc sẽ đáp trả như thế nào, nhưng nói rằng “mọi thứ sẽ được đặt lên bàn” nếu các đồng minh của Mỹ tiếp nhận tên lửa.
Ông này cũng nhắc lại rằng Trung Quốc không hứng thú tham gia bất kỳ đối thoại 3 bên nào với Mỹ và Nga để đi đến một hiệp ước kiểm soát tên lửa mới, nói rằng hầu hết tên lửa của Trung Quốc không thể chạm đến nội địa Mỹ.
“Do khoảng cách lớn giữa kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc với của Mỹ và Liên bang Nga, tôi không nghĩ sẽ hợp lý hay công bằng khi kỳ vọng Trung Quốc tham gia đàm phán giảm vũ khí vào giai đoạn này”, ông Fu nói.
Hôm 5/8, Thủ tướng Úc Scott Morrison bác bỏ thông tin nói rằng nước này sẽ tiếp nhận các tên lửa mặt đất của Mỹ, sau khi diễn ra cuộc gặp giữa các quan chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ - Úc.
INF được coi là một dấu mốc trong nỗ lực kiểm soát vũ khí toàn cầu, nhưng Mỹ nói rằng thỏa thuận song phương này khiến một số nước, cụ thể như Trung Quốc, được tự do phát triển tên lửa tầm trung.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper cuối tuần qua nói với các phóng viên tại Sydney rằng Washington muốn đưa tên lửa đến khu vực “sớm hay muộn”. “Tôi thích điều đó diễn ra sau vài tháng....nhưng những việc như thế này thường lâu hơn bạn kỳ vọng”, ông Esper nói.
Phát biểu này là kế hoạch mới nhất của Mỹ khiến Trung Quốc nổi giận, trong bối cảnh 2 quốc gia đang cạnh tranh quyết liệt giành ảnh hưởng ở khu vực. Nhưng ông Esper nói rằng Bắc Kinh chớ nên ngạc nhiên.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc với những bước đi quân sự ngày càng quyết liệt ở khu vực đang gây lo ngại cho các đồng minh khu vực của Mỹ là Úc và New Zealand, và những hành động quân sự hóa của Bắc Kinh trên biển Đông cũng gây báo động cho các nước khu vực có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển có tầm quan trọng chiến lược này.
Ông Esper không nói cụ thể Mỹ định đặt các tên lửa mới ở đâu, nhưng các chuyên gia cho rằng vị trí dễ được chọn nhất là đảo Guam, nơi đang có các cơ sở và lực lượng quân sự của Mỹ.