Trung Quốc diệt “cò” tham nhũng

 Ít nhất 17 quan chức cấp cao bị Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương của Trung Quốc điều tra hoặc sa thải năm 2013. Ảnh: China Daily
Ít nhất 17 quan chức cấp cao bị Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương của Trung Quốc điều tra hoặc sa thải năm 2013. Ảnh: China Daily
TP - Tại một hội nghị dành cho cán bộ đảng cấp huyện vào tháng 3/1990, ông Tập Cận Bình có một phát biểu đáng chú ý mà nay trở thành một nguyên tắc phòng chống tham nhũng sau khi ông trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Tập nói thư ký của quan chức chính phủ hay cán bộ đảng cao cấp không được lạm dụng quyền lực của cấp trên để trục lợi cá nhân.

Hơn 20 năm sau, nhiều quan chức Trung Quốc bị truy tố và kết án về tội tham nhũng; dù công tác trong cơ quan chính phủ hay cơ quan đảng, họ thường xuất thân từ vai trò thư ký của các quan chức đảng nắm giữ trọng trách, tờ People’s Daily đúc kết. Các quan chức như Li Zhen, nguyên Giám đốc Sở Thuế vụ tỉnh Hà Bắc hay Qin Yu, cựu Chủ tịch quận Baoshan ở thành phố Thượng Hải, đều thuộc diện này.

Điển hình như Phó tỉnh trưởng Hải Nam Ký Văn Lâm từng nhiều năm làm trợ lý cho cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang. Ký phục vụ Chu từ năm 1998, khi Chu lãnh đạo Bộ Đất đai và Tài nguyên với vai trò thư ký và trợ lý thân cận của Chu. Khi Chu được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên, Ký tiếp tục đi theo và lên chức Phó văn phòng Tỉnh ủy. Ký trở thành Phó Chánh văn phòng Bộ Công an kiêm trợ lý cho Chu khi ông này nắm ghế Bộ trưởng Bộ Công an năm 2003, rồi được bổ nhiệm Phó Tỉnh trưởng Hải Nam năm 2013 trước khi bị bắt.

“Cò” tham nhũng

Tình trạng tham nhũng phổ biến trong giới trợ lý, thư ký Trung Quốc. Quy định hiện hành không cho phép các công bộc cỡ thứ trưởng hoặc quan chức tương đương có một hoặc nhiều thư ký. Tuy nhiên, People’s Daily dẫn lời giáo sư Xu Yaotong thuộc Học viện Quản trị Trung Quốc cho biết, nhiều thứ trưởng hoặc cán bộ cấp tương đương ở Trung Quốc vẫn có thư ký riêng.

Đại đa số thư ký đảm trách nhiệm vụ thông tin liên lạc và nhiều công việc khác như soạn thảo diễn văn; họ thường trở nên không thể thiếu đối với cấp trên. Công việc thường giúp những người này giành được quyền lực như “cái bóng” của cấp trên khi sếp họ thăng tiến.

Nguyên Giám đốc Sở Thuế vụ tỉnh Hà Bắc Li Zhen từng viết rằng, ông ta có thể “chia sẻ” quyết sách với Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc Cheng Weigao khi còn làm thư ký cho ông Cheng. Nghĩa là ông ta có thể quyết định con đường hoạn lộ của bất kỳ cán bộ nào ở tỉnh Hà Bắc.

Theo báo Beijing News, nhiều cựu thư ký bị kết án tù được xem là “cò” tham nhũng bởi họ có khả năng sắp xếp cuộc gặp giữa cấp trên của mình với nhà thầu, doanh nghiệp hoặc đại diện công ty đang tìm kiếm đầu tư hay những hợp đồng chính phủ béo bở. Các thư ký nhận được phần hậu hĩnh với vai trò trung gian kết nối.

Mới đây, báo Diễn đàn Kinh doanh Thế kỷ 21 ở Quảng Châu đưa tin, đã có hơn 120 quan chức thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) bị điều tra vì nghi ngờ tham nhũng. Kể từ năm 2013, một số lượng lớn chức sắc, bao gồm quan chức cấp cao của CNPC như các ông Wang Yongchun, Ran Xinchuan… cũng bị điều tra.

Theo tạp chí Caixin, năm 2014, có ít nhất 45 người chính thức bị bắt do dính líu các thương vụ với CNPC. Theo Diễn đàn Kinh doanh Thế kỷ 21, hàng loạt quan chức CNPC đã ngã ngựa, nhưng quá trình thanh lọc CNPC còn lâu mới kết thúc, khi tập đoàn này được coi là trọng điểm chống tham nhũng trong năm 2014.

Vụ bê bối tham nhũng tại CNPC vỡ lở năm 2013 do một số nhân viên tiết lộ về tình trạng mua sắm và tuyển dụng sai nguyên tắc của giới chức quản lý chi nhánh tập đoàn tại Trùng Khánh. Một doanh nghiệp kinh doanh dầu khí ở Trùng Khánh tiết lộ với báo chí rằng, tham nhũng trong lĩnh vực dầu khí ở tỉnh này dưới thời Bạc Hy Lai làm Bí thư Tỉnh ủy rất phổ biến.

Các nhà quan sát tin rằng, vụ điều tra CNPC sẽ phục vụ chiến dịch điều tra nhằm vào Chu Vĩnh Khang - người từng là Chủ tịch CNPC giai đoạn 1996-1998. Ít nhất gần 10 quan chức cấp cao đang hoặc từng làm việc tại CNPC đang bị điều tra tham nhũng được cho là thân cận hay được Chu Vĩnh Khang đỡ đầu.

95% quan tham Trung Quốc nuôi bồ nhí

Trang tin Sohu của Trung Quốc vừa thống kê, trung bình mỗi tuần có 4 quan chức bị điều tra tội tham nhũng. Theo Sohu, nhân tình, tiền và bất động sản là những thứ quan tham Trung Quốc ưa chuộng nhất. Có tới 95% quan tham nuôi nhân tình và họ thường bỏ rơi bồ nhí ở tuổi 26, khi các cô trở nên quá đòi hỏi. Nhân tình trẻ nhất mới 16 tuổi. Quan tham thường chọn bồ nhí là nhân viên dưới quyền, doanh nhân, nghệ sĩ, người nổi tiếng. Kẻ có nhiều nhân tình nhất được cho là có tới 146 bồ nhí.

MỚI - NÓNG