Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Trung Quốc, Tống Trung Bình cho rằng, mức tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong những năm qua ở mức vừa phải, một mặt nhằm nâng cao khả năng bảo vệ an ninh quốc gia, ứng phó với những mối đe dọa từ bên ngoài, mặt khác để bù đắp cho vấn đề thu nhập thấp trước đó, đổi mới trang bị vũ khí và cải thiện chế độ đãi ngộ đối với quân nhân.
Theo báo cáo, chi phí quốc phòng toàn thế giới tăng 1,1%, Mỹ tiếp tục giữ vị trí số 1 với 610 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng chi phí quốc phòng. Ở vị trí kế tiếp là Trung Quốc với 228 tỷ USD, chiếm 13%. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Ả Rập Xê Út, Nga, Ấn Độ, Pháp, Anh và Nhật Bản. Trong khu vực châu Á và châu Đại Dương, Trung Quốc đứng đầu, tiếp theo là Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo Bloomberg, căng thẳng với Trung Quốc là nguyên nhân khiến chi phí quốc phòng của Ấn Độ tăng cao, thay thế Pháp ở vị trí thứ 5 trên thế giới.
Một nhà nghiên cứu của Sipri cho rằng, xu hướng chi phí quốc phòng của thế giới những năm gần đây đang dịch chuyển từ khu vực Châu Âu – Đại Tây dương sang khu vực Trung Đông và Châu Á. Trong đó, khu vực Trung Đông có chi phí quốc phòng chiếm khoảng 5% GDP, gấp hơn 2 lần so với mức 2,2% của thế giới. Trong số 10 quốc gia phải chịu gánh nặng ngân sách quốc phòng, có đến 7 nước ở Trung Đông.
Eliasson, chủ tịch hội đồng quản trị Sipri, nói: "Việc gia tăng chi phí quốc phòng là một vấn đề cần quan tâm, nó hủy hoại nỗ lực tìm kiếm các giải pháp giải quyết xung đột toàn cầu”.