Cơ quan lập pháp Hong Kong (Trung Quốc) vừa thông qua luật an ninh mới. (Ảnh: Reuters) |
Hong Kong là thuộc địa của Anh cho đến năm 1997, khi được trả về cho Trung Quốc đại lục.
Ngày 19/3, cơ quan lập pháp của chính quyền đặc khu thông qua luật an ninh mới, thường được gọi là Điều 23, để trừng phạt 5 tội danh, sau quy trình lập pháp nhanh chóng.
Ngoại trưởng Anh David Cameron nói rằng đây là quy trình “vội vã”, sẽ “gây tổn hại hơn nữa cho các quyền và tự do của thành phố”.
Đáp lại, cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong chỉ trích Anh “đạo đức giả và tiêu chuẩn kép”, ý nhắc đến luật an ninh quốc gia của London.
“Vương quốc Anh đưa ra những phát biểu vô trách nhiệm và kích động về tình hình Hong Kong… Đều là do tư tưởng thực dân và thuyết giáo sâu xa”, quan chức phụ trách đối ngoại của văn phòng nhấn mạnh trong tuyên bố đưa ra ngày 20/3.
“Chúng tôi thúc giục Anh điều chỉnh quan điểm, đối diện với thực tế, và từ bỏ ảo tưởng vẫn có ảnh hưởng thuộc địa ở Hong Kong”, tuyên bố nêu rõ.
Tuyên bố cũng bày tỏ phản đối mạnh mẽ quan điểm của EU.
“Chúng tôi thúc giục EU… từ bỏ tiêu chuẩn kép và định kiến” đối với luật của Hong Kong, tuyên bố viết.
Theo thỏa thuận trao trả Hong Kong cho Trung Quốc đại lục, Hong Kong được bảo đảm các quyền tự do cụ thể, bao gồm tự trị về lập pháp và tư pháp trong 50 năm theo thỏa thuận “một đất nước, hai chế độ”.
Thỏa thuận này giúp bảo vệ Hong Kong (Trung Quốc) như một trung tâm tài chính thế giới.
Tuy nhiên, phong trào biểu tình rầm rộ năm 2019 với hàng trăm ngàn người đổ xuống đường đòi tự trị dẫn đến việc chính quyền áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay.
Năm 2020, Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia ở Hong Kong để trừng phạt 4 tội danh, gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài.
Luật mới được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý để trừng phạt các tội phản quốc, nổi dậy, đánh cắp bí mật nhà nước, do thám, phá hoại, và can thiệp từ bên ngoài.
Ngoại trưởng Anh Cameron cho rằng luật được thông qua một cách nhanh chóng này làm suy yếu Tuyên bố chung Trung – Anh, một thỏa thuận mang tính ràng buộc quốc tế ký năm 1984 mà Bắc Kinh đồng ý quản lý Hong Kong theo nguyên tắc “một đất nước, hai chế độ”.
“Tôi thúc giục chính quyền Hong Kong…duy trì mức độ tự trị cao và pháp quyền, hành động phù hợp với các cam kết quốc tế và nghĩa vụ pháp lý”, ông Cameroon nói.
Mỹ, Liên Hợp Quốc, EU và Nhật Bản cũng công khai chỉ trích luật này.
Ngày 19/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết biết Mỹ “cảm thấy báo động trước những điều khoản mà chúng tôi cho là mơ hồ trong luật”.