Trung Quốc chú trọng ngoại giao gấu trúc

Trung Quốc chú trọng ngoại giao gấu trúc
TP - Điều gì làm nên sức quyến rũ đặc biệt và kỳ lạ của loài gấu trúc? Phải chăng là tập quán sinh sản mong manh khi chúng chỉ có thể giao phối 3 lần mỗi năm, hay đôi mắt to u buồn khiến mọi người không thể cưỡng lại? Dù là gì đi nữa, loài động vật quý hiếm chỉ còn gần 1.600 con trong tự nhiên này đang là công cụ đắc lực trong chính sách ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc.

> Trung Quốc ngừng 'ngoại giao gấu trúc'

3 trong số 14 con gấu trúc này sắp được tặng cho Tây Ban Nha và Mỹ. Ảnh: FP
3 trong số 14 con gấu trúc này sắp được tặng cho Tây Ban Nha và Mỹ. Ảnh: FP.

Kể từ cuối những năm 1950, chính phủ Trung Quốc đã tặng và cho mượn những chú gấu trúc lớn quý hiếm như một phần của chính sách ngoại giao.

Một nghiên cứu được công bố gần đây của tạp chí Mỹ Environmental Practice, tựa đề "Các nhà ngoại giao và người tị nạn: Ngoại giao gấu trúc, sức mạnh "âu yếm" và quỹ đạo mới trong bảo tồn gấu trúc", đã xem xét những ảnh hưởng của chính sách ngoại giao gấu trúc suốt 6 thập kỷ qua.

Theo các tác giả của nghiên cứu, chúng ta đang ở "giai đoạn 3" của ngoại giao gấu trúc, trong đó Trung Quốc "cho những nước cung cấp tài nguyên và công nghệ quý giá mượn gấu trúc".

Dù Trung Quốc có thiết lập đồng minh chiến lược hay quan hệ thương mại thì những chú gấu trúc vẫn có khả năng quyến rũ bất kỳ ai, bất kể sự khác biệt ý thức hệ ở quy mô toàn cầu. Đã có hàng loạt bức ảnh chụp những khoảnh khắc thú vị của gấu trúc từ Anh tới Malaysia, từ thời Chiến tranh Lạnh đến thời của chính quyền Barack Obama.

Trong tuần này, Trung Quốc giới thiệu chùm ảnh 14 gấu trúc được nuôi trong cơ sở nghiên cứu và nuôi gấu trúc Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Số gấu trúc này nằm trong đàn 17 con được nuôi dưỡng trong các cơ sở từ đầu năm đến nay, và 3 con trong số đó sẽ được tặng cho Tây Ban Nha và Mỹ.

Từ thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã tặng gấu trúc cho những nước mà họ muốn xây dựng quan hệ chiến lược hoặc để xoa dịu quan hệ căng thẳng với đối thủ. Từ năm 1957 đến 1983, tức giai đoạn đầu của ngoại giao gấu trúc, Trung Quốc tặng tổng cộng 24 gấu trúc cho 9 nước.

Quà tặng gấu trúc đầu tiên được Chủ tịch Mao tặng Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành năm 1965. Đầu những năm 1970, Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Anh Edward Heath cũng nhận được quà tặng gấu trúc. Trong chuyến thăm năm 1972 tới Trung Quốc để chấm dứt 25 năm đóng băng ngoại giao, Nixon là tổng thống Mỹ đầu tiên được Trung Quốc tặng gấu trúc.

Anh có lẽ là nước kém may mắn nhất trong việc giúp gấu trúc sinh sản. Sau khi cặp gấu trúc đầu tiên được Trung Quốc tặng không thể giao phối để sinh con, Anh được tặng thêm cặp khác vào năm 1991. Nhưng cặp gấu trúc này cũng phải về nước sau 3 năm giao phối không thành công. 17 năm sau, cặp gấu trúc khác được gửi tới Anh rồi sang Scotland vào tháng 11/2011, khi một phó thủ tướng Trung Quốc đang đàm phán các hợp đồng cung cấp cá hồi, công nghệ năng lượng và xe hơi Land Rovers trị giá 4 tỷ USD.

Bộ trưởng thứ nhất của Scotland Alex Salmond nói rằng, thỏa thuận "bảo đảm khoản vay gấu trúc là biểu tượng của tình bạn ngày càng tốt đẹp giữa Scotland và Trung Quốc". Pháp được tặng 2 gấu trúc vào năm ngoái, mà theo nghiên cứu của Environmental Practice, là trùng hợp thời điểm hai nước ký thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD liên quan cung cấp uranium oxide và dự án xây dựng nhà máy xử lý uranium mà công ty Pháp thực hiện ở Trung Quốc.

Đầu tháng này, hai chú gấu trúc có mặt ở Bỉ đã gây mâu thuẫn giữa vùng Wallonia và vùng Flanders. Các chính trị gia vùng Flanders chỉ trích Thủ tướng Elio Di Rupo thiên vị trong các cuộc đàm phán với chính phủ Trung Quốc, khi biết trước hai chú gấu trúc sắp đến. Họ cũng đòi chính phủ giải thích tại sao 2 chú gấu lại được đưa đến vườn thú ở Wallonia chứ không phải vườn thú 170 tuổi Antwerp.

Trúc Quỳnh
Theo Foreign Policy

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG