Trung Quốc chấm dứt 'giấu mình chờ thời'

Ông Tập Cận Bình ngày 24/10 chủ trì phiên bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Ảnh: Xinhua.
Ông Tập Cận Bình ngày 24/10 chủ trì phiên bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Ảnh: Xinhua.
TP - Tư tưởng chính trị của Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã được đưa vào điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, xác lập vị trí của ông ngang hàng hai người tiền nhiệm gần nhất và chỉ đứng sau hai nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Sách lược “giấu mình chờ thời” đã chấm dứt, các chuyên gia nhận định.

Những sửa đổi trong điều lệ đảng được thông qua ngày 24/10 tại phiên bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” được bổ sung vào điều lệ đảng. Cụm từ này được đưa vào lời mở đầu của điều lệ như một phần của tư tưởng dẫn đường của đảng, xuất hiện sau chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba đại diện và Quan điểm phát triển khoa học.

Việc đặt “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” sau hai người tiền nhiệm gần đây nhất khiến tên của ông Tập xuất hiện trước cả thuyết Ba đại diện (của ông Giang Trạch Dân) và Quan điểm về Phát triển khoa học (của ông Hồ Cẩm Đào). Hai cái tên Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân không được đưa vào điều lệ Đảng. Tên của ông Tập được đặt ngay sau ông Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình.

“Công thức này có thể là sự dung hòa, nên cụm từ đó mới dài như vậy”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời GS Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi tại London.

Ông Đặng Tiểu Bình từng đưa ra khái niệm tương tự chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc để giải thích cho quá trình mở cửa và cải cách từ năm 1978 để cho phép thị trường đóng vai trò trong nền kinh tế kế hoạch của nước này. Giải thích cụm từ “kỷ nguyên mới”, Theo GS Tsang, cụm từ này mang hàm ý trong nước rằng ông Tập đã khẳng định được quyền lực của mình hơn mức hai người tiền nhiệm của ông. Ông Tập “đang khiến mình trở thành nhà lãnh đạo mở đường thứ ba” sau nhà lập quốc Mao Trạch Đông và người khởi đầu quá trình đổi mới đất nước Đặng Tiểu Bình. “Giờ đây, ông Tập đang đưa Trung Quốc đến miền đất hứa theo cách riêng họ chọn: Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, GS Tsang nói.

Theo GS Tsang và nhiều học giả khác, sau Đại hội 19, vị trí của ông Tập được đánh giá là sẽ mạnh hơn bao giờ hết về cả đối nội và đối ngoại. Thế giới sẽ chứng kiến Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm vai trò dẫn dắt để lấp khoảng trống mà Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump để lại. Về đối ngoại, “điều này đặt dấu chấm hết cho sách lược Đặng Tiểu Bình về “giấu mình chờ thời”, GS Tsang nhận định. “Ông Tập đang lãnh đạo trên nền tảng là Trung Quốc đã vươn lên và kỳ vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong các vấn đề toàn cầu”, ông Tsang nói.

Điều lệ sửa đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đề cập sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ông Tập, quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội, tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng và cải cách lĩnh vực cung cấp hàng hóa.

“Đại hội khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là thuộc tính cơ bản nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và là sức mạnh lớn nhất của hệ thống này”, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố. “Đảng thực hiện quyền lãnh đạo bao quát trên mọi lĩnh vực nỗ lực ở mọi khu vực trên đất nước này”, tuyên bố viết.

Trong báo cáo chính trị khai mạc đại hội trình bày tuần trước, ông Tập nói rằng, Trung Quốc đang ở “thời điểm lịch sử” trong quá trình phát triển. Ông nói Trung Quốc “đã đứng dậy, phát triển giàu có và trở nên mạnh mẽ, và nay đang theo đuổi triển vọng hồi sinh mạnh mẽ”.

Về đối nội, kỷ nguyên mới sẽ chứng kiến Trung Quốc trở thành xã hội khá giả hài hòa; về đối ngoại, “đó sẽ là kỷ nguyên mới mà Trung Quốc tiến gần hơn đến vũ đài trung tâm và đóng góp lớn hơn cho nhân loại”, ông Tập nói. Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, nước này sẽ tiếp tục đóng vai trò là một nước lớn có trách nhiệm, và “đóng vai trò tích cực vào việc cải cách và phát triển hệ thống quản trị toàn cầu, tiếp tục đóng góp trí tuệ và sức mạnh cho quản trị toàn cầu”.

Cánh tay phải nghỉ hưu

Tại phiên bế mạc Đại hội 19, danh sách ủy viên Trung ương Đảng khóa mới đã được công bố, gồm 204 ủy viên chính thức và 172 ủy viên dự khuyết, Xinhua đưa tin. Trong 7 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa cũ chỉ có ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa mới. Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (khóa 18) Vương Kỳ Sơn và 4 ủy viên còn lại, Trương Cao Lệ, Du Chính Thanh, Trương Đức Giang và Lưu Vân Sơn, không có tên trong danh sách. Ông Vương Kỳ Sơn, người được cho là trợ thủ đắc lực của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng, đã đến tuổi nghỉ hưu.

Ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, được bổ sung vào danh sách ủy viên Trung ương Đảng khóa mới. Vì vậy, ông Triệu Lạc Tế được cho là sẽ thay vị trí của ông Vương Kỳ Sơn, CNN đưa tin.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.