GS Phạm Đức Dương:
Trung Quốc cần xây dựng hình ảnh hòa bình
GS Dương nói: Trung Quốc là một nền kinh tế khổng lồ đang rất khát năng lượng, họ muốn chiếm nguồn dầu mỏ và khí đốt có trữ lượng lớn ở biển Đông. Trung Quốc có hai con đường đi ra với thế giới, đó là con đường tơ lụa phía Tây và đường biển ở phía Nam. Trong hai con đường ấy, thì đường biển phía Nam có lợi ích rất thiết thực. Vì thế Trung Quốc đưa ra yêu sách đường lưỡi bò để biến biển Đông thành ao nhà của mình. Trung Quốc đang rất muốn độc chiếm biển Đông, nhưng vấn đề là họ có thắng được chính mình không?
Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Chúng ta đều nhớ rõ lịch sử hàng nghìn năm qua. Giờ đây Trung Quốc đang xây dựng một hình ảnh “trỗi dậy hòa bình”, một quốc gia yêu chuộng và bảo vệ hòa bình thế giới, nhưng tôi nghĩ họ cũng đang có cuộc đấu tranh nội tại giữa quá khứ và hiện tại.
Nếu Trung Quốc muốn xây dựng hình ảnh khác truyền thống thì những hành động như cắt cáp tàu Bình Minh 02, tàu Viking 2 sẽ buộc các nước trong khu vực nhớ lại lịch sử và phải cảnh giác.
Nhưng thời đại ngày nay, không nước nào có thể đơn phương hành động?
Trung Quốc phải đi theo xu hướng chuyển từ đối đầu sang đối thoại, kiên trì đối thoại hòa bình mới thay đổi được hình ảnh của mình. Những hành động vừa qua của Trung Quốc ở biển Đông bộc lộ sự không nhất quán giữa lời nói và việc làm, nhưng các nước trên thế giới đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, dù nước lớn đến mấy cũng phụ thuộc vào nước nhỏ. Trung Quốc cũng không thể ở ngoài xu thế đó.
Từng giữ chức Viện trưởng viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á và có nhiều công trình nghiên cứu về khu vực này, ông đánh giá thế nào về vai trò của ASEAN trong vấn đề giải quyết xung đột ở biển Đông?
Quan hệ với ASEAN rất quan trọng trong vấn đề giải quyết xung đột biển Đông. Việt Nam phải đoàn kết với ASEAN để đối thoại với Trung Quốc về biển Đông. Vấn đề biển Đông phải được quốc tế hóa, nếu từng nước ASEAN đối thoại với Trung Quốc sẽ rất khó khăn. Khi quốc tế hóa Trung Quốc không thể muốn làm gì thì làm.
Giáo sư Phạm Đức Dương. |
Ông có lo ngại ASEAN sẽ bị chia rẽ trong vấn đề biển Đông khi mà Trung Quốc đang tăng cường quan hệ song phương với từng nước?
Giờ đây Trung Quốc đang xây dựng một hình ảnh “trỗi dậy hoà bình”, một quốc gia yêu chuộng và bảo vệ hoà bình thế giới, nhưng tôi nghĩ họ cũng đang có một cuộc đấu tranh nội tại giữa quá khứ và hiện tại. Nếu Trung Quốc muốn xây dựng hình ảnh khác truyền thống thì những hành động như cắt cáp tàu Bình Minh 02, tàu Viking 2 sẽ buộc các nước trong khu vực nhớ lại lịch sử và phải cảnh giác. |
Ngay cả khi ASEAN chia rẽ nhất thì ASEAN cũng không ngả về phía nào. Nhân tố đó rất quan trọng và sau những cuộc chiến tranh, ASEAN ngày càng đoàn kết hơn. ASEAN cũng thấy rất rõ là không còn con đường nào khác ngoài con đường xây dựng một cộng đồng Đông Nam Á bền vững. Nếu trước đây, giữa Việt Nam và ASEAN còn nhiều nghi ngại mà người ngoài không chia rẽ được thì bây giờ làm sao chia rẽ được ASEAN.
Ông nhìn nhận thế nào về tầm quan trọng của kinh tế biển trong bối cảnh hiện nay?
Giờ đây, biển được gọi là lục địa thứ 6, là cứu cánh của nền kinh tế thế giới. Việt Nam muốn phát triển kinh tế phải phát triển kinh tế biển. Mà khi nói đến kinh tế biển phải có cư dân biển. Đây là những nhân tố cần phải đặc biệt quan tâm trong chiến lược phát triển đất nước và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Cảm ơn giáo sư.