Trung Quốc: Bệnh mạn tính là một thách thức lớn trong các thập kỷ tới

Trung Quốc: Bệnh mạn tính là một thách thức lớn trong các thập kỷ tới
TPO - Trung Quốc sẽ đối mặt với một thách thức lớn trong kiểm soát bệnh vì tỷ lệ bệnh mạn tính dự kiến trong 18 năm tới sẽ cao hơn.

Theo báo cáo của Đại hội Tim mạch Trung Quốc, ước tính số người từ 40 tuổi trở lên bị bệnh mạn tính ở Trung Quốc sẽ gấp đôi hoặc thậm chí gấp 3 vào năm 2030.

Trung Quốc: Bệnh mạn tính là một thách thức lớn trong các thập kỷ tới ảnh 1

Báo cáo năm 2011 về các bệnh tim mạch ở Trung Quốc của Trung tâm Bệnh tim mạch Quốc gia cũng cho thấy tử vong do các bệnh mạn tính ở Trung Quốc, bao gồm bệnh tim mạch và tiểu đường, sẽ tăng 50% vào năm 2030.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào năm ngoái cho biết hơn 260 triệu người Trung Quốc được chẩn đoán mắc bệnh mạn tính, chiếm 85% số ca tử vong ở nước này. Gần 70% chi phí y tế của Trung Quốc là dành cho các bệnh mạn tính. Hiện tại Trung Quốc có khoảng 230 triệu người mắc bệnh tim mạch, có nghĩa là cứ 5 người thì có 1 người bị rối loạn tim. Nếu tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch có thể giảm 1% từ năm này qua năm khác trong 30 năm tới, Trung Quốc sẽ tiết kiệm được hơn 10 nghìn tỷ đôla Mỹ, tương đương 68% tổng sản phẩm quốc nội năm 2010.

Theo Hu Shengshou, chủ tịch Bệnh viện Fu Wai - bệnh viện chuyên điều trị các bệnh tim mạch lớn nhất Trung Quốc, số người mắc bệnh tim ở các bệnh viện trên toàn Trung Quốc đã tăng 10-20% mỗi năm. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt lớn giữa các bệnh viện về điều trị nội khoa.

Một khảo sát của Bệnh viện Fu Wai gồm 43 bệnh viện tại Trung Quốc cho thấy tỷ lệ tử vong ở một số bệnh viện sau phẫu thuật nối tắt mạch vành là khoảng 6%, nhưng ở một số bệnh viện thì tỷ lệ này là dưới 1%.

Về tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim cấp (một trong những cấp cứu tim mạch hay gặp nhất), sự khác biệt cũng thấy ở các bệnh viện tại Bắc Kinh. Tỷ lệ tử vong ở một số bệnh viện cao gấp 20 lần so với những bệnh viện có tỷ lệ thấp nhất.

Bệnh viện Fu Wai đang hợp tác với một số phòng khám tư. Các bác sĩ của bệnh viện chi trả cho những lần khám định kỳ tại các phòng khám tư, không chỉ điều trị cho bệnh nhân mà còn hướng dẫn cho nhân viên y tế.

Kong Lianzhi, Phó cục trưởng Cục kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Trung Quốc, cho biết: năm 1998 Bộ Y tế Trung Quốc đã chuyển trọng tâm từ điều trị bệnh sang phòng ngừa bệnh. Dịch vụ tốt hơn ở các vùng dân cư và nhân viên y tế chăm sóc tại nhà là những phần quan trọng của kế hoạch này.

Sự cộng tác giữa các bệnh viện công và phòng khám tư đã mang lại lợi ích cho hơn 1 triệu người dân Trung Quốc.

T. Mai
Theo Xinhua

Theo Dịch
MỚI - NÓNG