Trung Quốc “bẻ lái” kinh tế, ổn định xã hội

Trung Quốc “bẻ lái” kinh tế, ổn định xã hội
TP - Hội nghị trung ương 3 (khóa 18) Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa bế mạc, ra các quyết sách với thay đổi kinh tế làm trọng tâm cho kế hoạch cải cách toàn diện, kỳ vọng tạo ra làn sóng thay đổi từ nay đến năm 2020.

> Trung Quốc trước ngưỡng cửa cải cách lịch sử
> Người nghèo Trung Quốc và canh bạc nuôi con ăn học

Các lãnh đạo Trung Quốc tại Hội nghị trung ương 3 khóa 18. Ảnh: Xinhua
Các lãnh đạo Trung Quốc tại Hội nghị trung ương 3 khóa 18. Ảnh: Xinhua.

Lãnh đạo Trung Quốc cam kết trao cho các lực lượng thị trường, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế, song vẫn tiếp tục nhấn mạnh vai trò trụ cột của kinh tế nhà nước.

Trung Quốc nhấn mạnh cải cách kinh tế đóng vai trò “chìa khóa” và giải pháp then chốt là mối quan hệ hài hòa giữa chính phủ và thị trường, để thị trường giữ vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực, đồng thời phát huy tốt hơn vai trò của chính phủ. Trung Quốc sẽ nỗ lực cải thiện hệ thống kinh tế thị trường, hệ thống văn bản pháp luật vĩ mô và một nền kinh tế mở.

Để thị trường quyết định việc phân bổ các nguồn lực, nhiệm vụ cơ bản là xây dựng một nền kinh tế mở và thống nhất với sự cạnh tranh có trật tự. Tập trung nỗ lực thúc đẩy kinh tế phát triển hiệu quả hơn, nhờ chính phủ điều phối thị trường tự do cạnh tranh, trong khi giảm ban hành những quyết định mang tính xã hội. Các hoạt động kinh doanh phải được hoạt động một cách độc lập và cạnh tranh bình đẳng, người tiêu dùng phải được tự do lựa chọn và chi tiêu.

Tân Hoa Xã bình luận đây là việc nâng cấp vai trò trung tâm của thị trường trong chính sách của đảng sau hai thập kỷ phát triển. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chịu áp lực lớn phải thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư đã đem lại ba thập kỷ tăng trưởng thần tốc, nhưng nay khựng lại và tỏ ra không còn hiệu nghiệm.

Hiện nay, nếu muốn tiếp tục đà phát triển, Bắc Kinh buộc phải mở cửa các khu vực kinh tế béo bở lâu nay do nhà nước kiểm soát như ngân hàng, năng lượng, viễn thông.. .cho cạnh tranh tư nhân. Trung Quốc cho biết sẽ thành lập một ủy ban triển khai cải cách sâu rộng nhưng không công bố chi tiết. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết sẽ tập trung vào những cải cách dài hạn.

Trung Quốc cũng thông báo sẽ thành lập ủy ban an ninh quốc gia nhằm tăng cường hệ thống và chiến lược an ninh quốc gia. Đây là động thái mới sau vụ tấn công ở quảng trường Thiên An Môn mới đây làm 45 người thương vong. Bắc Kinh quy cho những phần tử “khủng bố” Tân Cương là thủ phạm.

Về đối ngoại, Trung Quốc đang sa vào tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Philippines và một số quốc gia khác. Trung Quốc chủ trương đổi mới và phát triển các học thuyết quân sự trong kỷ nguyên mới, xây dựng quân đội hiện đại mang đặc sắc Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ nỗ lực đảm bảo công ăn việc làm cho người dân và ổn định xã hội. Bao gồm chi tiêu nhiều hơn cho các chương trình an sinh nhằm giảm bớt căng thẳng chính trị và xã hội, tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát bất ổn ở các vùng dân tộc thiểu số và bất đồng chính trị.

Giới quan sát cho rằng, những quyết sách mới còn xa mới đạt tầm mức cải cách “chưa có tiền lệ” như hứa hẹn. Một vấn đề rất được dân chúng trông chờ là chính sách đất đai. Trung Quốc cho biết nông dân sẽ được trao nhiều quyền lợi hơn nhưng không thông tin chi tiết.

Theo các chuyên gia, việc cải tổ quyền định đoạt đất đai thực sự là vấn đề gai góc vì sẽ giáng một đòn mạnh vào nhóm lợi ích ở các chính quyền địa phương, vốn có quyền sinh sát và thu lợi lớn nhờ đất đai lâu nay. Tương lai sắp tới của các ngành công nghiệp do nhà nước kiểm soát gây nhiều tranh cãi cũng chưa rõ ràng.

Thục Ninh
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG