Trung-Nhật căng thẳng sau khi Tokyo mua đảo tranh chấp

Trung-Nhật căng thẳng sau khi Tokyo mua đảo tranh chấp
TP - Tranh chấp lãnh thổ biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản hôm 11-9 lại bùng lên dữ dội hơn sau khi chính phủ trung ương ở Tokyo mua lại của tư nhân một số hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku mà người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

> Trung Quốc điều tàu hải giám tới đảo Điếu Ngư/Senkaku

Người Trung Quốc phản đối Nhật Bản bên ngoài tòa Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh. Ảnh: AP
Người Trung Quốc phản đối Nhật Bản bên ngoài tòa Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Trung Quốc phản ứng lại bằng cách đưa hai tàu tuần tra đến gần khu vực đảo để phản đối Nhật Bản.

Tân Hoa xã nói rằng, Cục Hải giám Trung Quốc đã vạch kế hoạch bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc đối với những đảo này và các tàu tuần tra nói trên được phái đi để khẳng định tuyên bố chủ quyền đó.

Cục Hải giám Trung Quốc là một lực lượng bán quân sự nên các tàu thủy của lực lượng này thường được vũ trang nhẹ.

Senkaku/Điếu Ngư vừa qua trở thành tâm điểm tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, ngoài ra Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này.

Cuộc tranh chấp Trung-Nhật đối với Senkaku/Điếu Ngư mấy tháng nay trở nên nóng hơn, một phần là do chính quyền thành phố Tokyo đề xuất mua từ các chủ sở hữu tư nhân người Nhật những hòn đảo ở Senkaku/Điếu Ngư để phục vụ phát triển.

Hôm 10-9, chính phủ trung ương Nhật Bản chính thức quyết định mua một số đảo trong quần đảo này với giá 26 tỷ USD.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura nói với các phóng viên rằng, việc mua này là nhằm duy trì Senkaku một cách hòa bình và ổn định.

Chính phủ trung ương Nhật Bản không có kế hoạch phát triển quần đảo Senkaku. Một số chuyên gia đã hiểu việc mua lại từ chủ tư nhân chỉ để nhằm ngăn cản kế hoạch phát triển Senkaku của Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara vốn đang gây thêm căng thẳng trong cuộc tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.

Thống đốc Ishihara cho biết, ông sẽ giữ lại số tiền 18 triệu USD mà dân chúng quyên góp để mua đảo Senkaku/Điếu Ngư và sẽ chỉ giải ngân số tiền này cho Chính phủ Nhật Bản khi nào biết chắc chắn rằng có dự án xây dựng một bến cảng hay các cơ sở khác trên đảo.

Nữ chuyên gia cao cấp Sheila Smith làm việc tại Hội đồng Quan hệ Ngoại giao ở Washington (Mỹ) cho rằng, Thống đốc Tokyo đã đặt chính phủ trung ương Nhật Bản vào tình thế rất khó xử, thúc ép chính phủ trung ương phải mua ngay những hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Bà Smith coi kết quả của việc mua đảo từ các chủ tư nhân là tốt và nên coi việc làm này như là cách để gạt Thống đốc Ishihara ra ngoài lề. Bà Smith nói rằng, Nhật Bản không thể để cho cuộc tranh chấp lãnh thổ này cản trở mối quan hệ sống còn của Nhật Bản với đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc.

Tokyo cần biết làm việc để vượt qua những vấn đề bất đồng với Bắc Kinh nhằm đảm bảo rằng sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa hai bên mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Nhưng Trung Quốc đã phản ứng một cách giận dữ đối với việc chính phủ trung ương Nhật Bản mua các đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong một thông cáo báo chí, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Gen Yansheng nói: “Quyết tâm và ý chí của chính phủ và quân đội Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là vững chắc. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển của tình hình và bảo lưu quyền tiến hành những biện pháp cần thiết”.

Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư từ năm 1895. Mỹ giành quyền thực thi công lý ở quần đảo sau Thế chiến II và trao lại cho Nhật Bản năm 1972.

Nhưng Trung Quốc coi việc chính phủ Nhật Bản mua các đảo Senkaku/Điếu Ngư là sự xúc phạm đối với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh cũng như lời kêu gọi trước đây về đàm phán.

Chuyên gia an ninh khu vực người Úc Carlyle Thayer nói rằng, nhiều khả năng hai tàu tuần tra của Trung Quốc chỉ dám tiền gần đến đường giới hạn hải phận 12 hải lý cách bờ đảo Senkaku/Điếu ngư vì vùng biển ở gần đảo hơn nữa được coi là vùng lãnh thổ biển đảo do Nhật Bản quản lý hành chính. Nhật Bản hiện có lực lượng hải quân hùng mạnh, một lực lượng bảo vệ bờ biển chuyên nghiệp và năng động.

Có khả năng cuộc đối đầu này cũng chỉ tương tự cuộc đối đầu xảy ra gần bãi cạn Scarborough vừa qua khi cả Philippines và Trung Quốc đều điều tàu thuyền ra đối đầu.

“Nhưng điều đó chỉ để làm cho ra dáng vẻ mà thôi. Đây là trò chơi hai bên nhìn vào mắt nhau để xem ai nhắm mắt trước”, Giáo sư Thayer nói.

Sự tức giận của Bắc Kinh đi kèm với những bài báo nóng bỏng trên truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Một bình luận viên viết trên nhật báo Quân giải phóng nhân dân gọi hành động nói trên của Nhật Bản là “sự thách thức trắng trợn nhất đối với chủ quyền của Trung Quốc kể từ khi kết thúc Thế chiến II”.

Bắt đầu từ ngày 11-9, Trung Quốc phát hằng ngày các bản tin dự báo thời tiết cả cho quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tân Hoa xã đưa tin nhiều người xuống đường giương biểu ngữ, quốc kỳ Trung Quốc và hô khẩu hiệu “Bảo vệ quần đảo Điếu ngư” bên ngoài cơ quan Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở Quảng Châu để phản đối hành động của chính phủ Nhật Bản.

Trong khi đó, Đài Loan gọi việc chính phủ Nhật Bản mua các đảo Senkaku/Điếu Ngư là hành động cực kỳ không hữu nghị.

Đ.P
Theo AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG