Trứng gà, vịt ở TPHCM được 'dán tem' xuất xứ

Nhiều siêu thị ở TPHCM áp dụng truy xuất nguồn gốc trứng, thịt.
Nhiều siêu thị ở TPHCM áp dụng truy xuất nguồn gốc trứng, thịt.
TP - Sau thời gian “chạy” thử nghiệm, đầu tháng 10, TPHCM chính thức áp dụng truy xuất nguồn gốc (TXNG) và chất lượng cho trứng và thịt gà, vịt trên địa bàn, chủ yếu phân phối tại hệ thống bán lẻ hiện đại, kênh siêu thị, thông qua việc dùng điện thoại thông minh (smartphone).

Doanh nghiệp hào hứng

Ông Lê Văn Dương, chủ trang trại gia cầm Minh Tân Phát (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) cho biết, trang trại hiện chăn nuôi 240.000 con gà đẻ trứng và cung cấp cho thị trường khoảng 220.000 quả trứng/ngày. Trứng gia cầm của trang trại đều được công ty Vĩnh Thành Ðạt thu mua, xử lý và cung bán ra thị trường 5 năm nay. “Quy trình chăn nuôi của chúng tôi thực hiện TXNG từ khi gà giống một ngày tuổi, quá trình chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ theo công nghệ hiện đại và không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi”-ông Dương nói.

Còn bà Điền Thị Minh Hằng, Giám đốc Công ty Sagofoods thông tin, đơn vị cung cấp khoảng 500-1.000 con gà thịt/ngày cho chương trình truy xuất, với quy trình sản xuất theo chuỗi, từ sự hợp tác giữa người nuôi, trại giết mổ đến đóng gói. “Đơn vị đã quản lý TXNG từ trước theo hướng kiểm tra định kỳ lò giết mổ, với tiêu chí phải có giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra nước tại trại nuôi và nơi giết mổ, thậm chí nước máy cũng phải kiểm tra. Khuyến khích sử dụng cám có thương hiệu, hợp đồng với người nuôi ghi rõ, trước khi xuất chuồng 7-10 ngày; không được dùng kháng sinh trong cám nuôi”- bà Hằng chia sẻ.

Theo bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Cty Ba Huân, đơn vị này có thể  cung ứng khoảng 20.000 con gà thịt/ngày cho chương trình truy xuất, thậm chí có thể tăng lên thành 40.000 con/ngày nếu thị trường hút hàng. “Công ty đã đầu tư bài bản, nhập 2 giàn máy của Hà Lan trị giá hàng trăm tỷ đồng để diệt khuẩn trứng, mỗi giờ xử lý 185.000 quả. Về nguồn cung cấp thịt gà, chúng tôi cũng có liên hệ với nông dân, tập huấn cho bà con nông dân chăn nuôi theo chuỗi khép kín”-bà Ba Huân nói.

Theo Sở Công Thương TPHCM, thị trường TP tiêu thụ bình quân từ 1,8 - 2 triệu quả trứng gia cầm/ngày. Khi TP phát động Ðề án TXNG, đã có hơn 1.750 điểm bán thịt và trứng gia cầm đăng ký tham gia. Người tiêu dùng có thể dùng chương trình quét mã QR code bất kỳ hoặc cài đặt chương trình TE-FOOD để biết thông tin về con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, tiêm phòng, cơ sở xử lý, đóng gói…

Vì sao người tiêu dùng còn thờ ơ?

“Đã chọn siêu thị mua hàng mà còn phải truy xuất, “soi” nguồn gốc thì thật phiền phức” - chị Mai Phương (30 tuổi, nhân viên kinh doanh Q.3) nói thẳng. Bởi theo chị, khi người tiêu dùng mua sắm ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi nghĩa là họ đã đặt niềm tin vào nơi bán hàng. Hơn nữa, giá cả ở đây cao hơn so với chợ lẻ, hàng cũng có nguồn gốc thì còn kiểm tra làm gì? “Nơi cần phải “soi” là chợ truyền thống, chợ công nhân… thì lại chưa thấy cơ quan nào quan tâm”-chị Phương đặt vấn đề.

Sau nhiều giờ quan sát những người mua thịt, trứng gia cầm ở siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), hiếm khi thấy khách hàng dùng điện thoại “soi” nguồn gốc thực phẩm. Bà Hoàng Thị Mận (56 tuổi, giáo viên về hưu) lắc đầu: “Soi được nguồn gốc thì mình có thể tin tưởng được không?. Vụ hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần mới đây cũng toàn heo có đeo vòng truy xuất đấy thôi. Tôi mua hàng thường chọn nơi tin tưởng, chứ không thể tin vào những con tem, chiếc vòng được”- bà Mận trần tình.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, đối với TXNG thịt gà, vịt có nhiều điểm mới so với thịt heo. Đây là một quá trình truy xuất toàn diện trong cả giai đoạn chăn nuôi lẫn lưu thông của gia cầm. “Người tiêu dùng có thông tin sản phẩm thịt gà, vịt và trứng khi mới được 1 ngày tuổi, quá trình nuôi dưỡng bởi thức ăn tương ứng với từng thời điểm tăng trưởng, quá trình tiêm vaccine, kể ngày cuối cùng tiêm chủng để đảm bảo các dư lượng thuốc kháng sinh đã được thải ra hết theo thời gian quy định. Còn heo chỉ được TXNG kể từ khi xuất chuồng, tức là chỉ biết được con heo đó được nuôi tại trang trại nào, giết mổ từ đâu, được bán sỉ tại chợ nào và bán lẻ tại đâu”- ông Hòa giải thích.

“Tới đây, để kiểm soát chặt hơn tình trạng thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, bày bán “tróc lóc” ở các chợ truyền thống, Sở sẽ “siết” kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống theo hướng phải có quy chuẩn đóng gói, kèm theo thông tin cụ thể về sản phẩm trước khi lưu thông ra thị trường. Việc này phải được thực hiện quyết liệt hơn chứ không thể buông lỏng như hiện tại, nếu chúng ta thực sự mong muốn có một thị trường thực phẩm sạch, an toàn đúng nghĩa”- lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM nói.

“Nếu chúng ta không có sự hợp tác từ gốc là người chăn nuôi, không có sự hưởng ứng từ các tỉnh thành thì TPHCM dù tài giỏi bao nhiêu cũng không thể làm được. Kết quả đạt được mặc dù chưa thỏa mãn những mong muốn nhưng tôi nghĩ, đây là xu hướng, những bước đi đúng”.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TPHCM

MỚI - NÓNG