Trục lợi Quỹ BHYT: Chưa giải quyết triệt để

0:00 / 0:00
0:00
Một số đại biểu nhấn mạnh tình trạng trục lợi quỹ BHYT chưa giải quyết triệt để. Ảnh: Mạnh Thắng
Một số đại biểu nhấn mạnh tình trạng trục lợi quỹ BHYT chưa giải quyết triệt để. Ảnh: Mạnh Thắng
TP - Ngày 1/10, Ủy ban Xã hội của Quốc hội thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và việc thực hiện chính sách pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2020, có 87,96 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Năm 2020, tổng thu BHYT hơn 110 nghìn tỷ đồng, chi trên 109 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, quỹ vẫn âm gần 4 nghìn tỷ đồng do chuyển lũy kế số chi các năm trước chưa thanh toán và đề nghị quyết toán vào năm 2020.

Bộ Y tế cũng cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn quốc có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019. Số lượt khám chữa bệnh giảm nhiều nhất vào tháng 4/2020 - thời điểm toàn quốc thực hiện Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, mức chi khám chữa bệnh bảo hiểm giảm khoảng 2% so với năm 2019.

Chia sẻ với những khó khăn của ngành Y tế, tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thuý cũng băn khoăn, khi tỷ lệ khám chữa bệnh giảm nhiều, việc điều trị bệnh nhân COVID-19 do ngân sách nhà nước chi trả, nhưng vì sao số chi lại giảm ít, chỉ với 2%?

Tại phiên họp, một số đại biểu nhấn mạnh, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT từ phía cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh vẫn chưa giải quyết triệt để, đặc biệt trong bối cảnh các bệnh viện chịu áp lực lo “cơm áo gạo tiền” cho cán bộ, công nhân viên khi phải thực hiện cơ chế tự chủ. Các đại biểu đồng tình với quan điểm cần khởi tố điều tra nếu phát hiện ra các yếu tố trục lợi BHYT. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai thì cho rằng, mục tiêu “giảm tiền túi của dân” trong thực hiện BHYT toàn dân chưa thực hiện được, việc chi tiền túi của hộ gia đình cho y tế còn cao.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mong muốn các địa phương quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở. Về mức chi giảm không đáng kể, ông Long lý giải, do bệnh nhân được cấp phát thuốc nhiều hơn, để sử dụng trong thời gian dài hơn để hạn chế đến viện, tránh lây lan dịch bệnh COVID-19. Vì thế, tuy số lượng bệnh nhân đến bệnh viện ít hơn nhưng mức chi phí BHYT vẫn thế.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh, trên cơ sở các ý kiến thảo luận và giải trình từ phía bộ, ngành, sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 10, sau đó sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 tới.

MỚI - NÓNG