Trong tuần chứng khoán giảm mạnh nhất lịch sử, giới đầu tư mua bán ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - VN-Index có tuần giảm điểm thứ 6 liên tiếp, đưa chỉ số chính và VN30-Index chính thức giảm hơn 20% từ đầu năm. Ngưỡng 1.200 điểm - vùng hỗ trợ "cứng" đã bị xuyên thủng. Cá nhân trong nước là bên duy nhất bán ròng, trong khi tổ chức, khối ngoại tích cực "gom hàng".

Tuần qua, VN-Index giảm 146,49 điểm (11,02%) xuống 1.182,77 điểm. Tính theo điểm số, đây là tuần chỉ số chính giảm điểm mạnh nhất lịch sử. 3/5 phiên tuần qua, chứng khoán Việt giữ vị trí giảm mạnh nhất thế giới.

Dự báo của Công ty Chứng khoán SHS, trong tuần giao dịch tiếp theo từ ngày 16 đến 20/5, bên mua và bên bán sẽ trở nên cân bằng nhau hơn do thị trường đã giảm về vùng target (mục tiêu) của sóng điều chỉnh, và cũng không loại trừ khả năng thị trường sẽ có tuần hồi phục sau 6 tuần giảm liên tiếp.

Còn Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, với xu hướng giảm điểm đang đóng vai trò chủ đạo trong ngắn hạn, VN-Index đang phải đối mặt với rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ gần quanh 1.160 điểm và sâu hơn là 1.130 điểm.

Cá nhân trong nước là bên duy nhất bán ròng

Sau 6 tuần giảm liên tiếp thì định giá của thị trường đã về mức hấp dẫn, thấp hơn trung bình 5 năm gần nhất. P/E (hệ số giữa thị giá một cổ phiếu và thu nhập mà nó mang lại) của VN-Index là gần 13 lần và P/E của VN30 khoảng hơn 12 lần. Nếu tính theo P/E kỳ vọng cho năm 2022 thì mức định giá trên sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn.

Theo số liệu từ Công ty phân tích dữ liệu FiinGroup, tuần qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước là bên duy nhất bán ròng, trong khi tổ chức trong nước và khối ngoại là bên mua ròng. Khối ngoại bền bỉ mua ròng 4/5 tuần gần đây.

Nhóm này mua ròng 1.682 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào DGC, CTG, NLG, VHM, FUEVFVND. Như vậy, vốn ngoại tiếp tục mua ròng mạnh VHM, xuất hiện yếu tố mới là CTG và chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Ngược lại, họ bán ròng tập trung vào HPG, NVL, VCB, E1VFVN30, DXG.

Nhà đầu tư cá nhân: bán ròng 3.488 tỷ đồng trên HOSE, tập trung vào FPT, DGC, MWG, VHM, MBB. Hành vi giao dịch đối lập với nhóm tổ chức. Nhóm này mua ròng 1.804 tỷ đồng, tập trung vào FPT, MWG, MBB, VCB, VPB.

Ngày cuối tuần, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vừa đưa ra chỉ đạo nhằm minh bạch hơn hành vi của các nhóm nhà đầu tư (như công bố thông tin giao dịch tự doanh), hạn chế ảnh hưởng của thị trường phái sinh đến thị trường cơ sở (tính lại giá tất toán hợp đồng phái sinh).

Đây có thể được coi là những cố gắng ban đầu của các nhà điều hành, trấn an nhà đầu tư. Niềm tin của nhà đầu tư đến đâu sẽ được thể hiện một phần ở biến động thị trường tuần tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh tâm lý thị trường mong manh, tâm lý nhà đầu tư trong nước còn chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường quốc tế.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.