Trong thế giới bar

Trong thế giới bar
Phía bên trong quán bar, là một thế giới khác. Nơi trật tự được sắp đặt rất khắt khe, từ giám đốc, đến phó giám đốc, tổng quản lý, quản lý, nhân viên chăm sóc khách hàng…

Trong thế giới bar

> Đời nữ rót rượu trong quán bar 

Phía bên trong quán bar, là một thế giới khác. Nơi trật tự được sắp đặt rất khắt khe, từ giám đốc, đến phó giám đốc, tổng quản lý, quản lý, nhân viên chăm sóc khách hàng…

Mọi hình phạt đều được quy đổi thành tiền. Ở nơi đó, những nhân viên PR nữ không đạt được doanh thu bị đối xử theo đúng nghĩa phận người bị rẻ rúng.

1. Để có thể được nhận vào làm trong quán bar, nữ PR phải thông qua các mối quan hệ của mình nhằm có thể gặp được quản lý PR. Quản lý PR đồng ý, họ mới được nhận vào làm.

Nhận vào làm, họ sẽ được học một khóa cấp tốc về cách rót rượu, cách ăn nói phục vụ khách. Ngay cả cái nhấc tay khi rót rượu, cũng được lưu tâm rất kỹ càng. Phải rót sao đó, mỗi lần rượu được rót vào ly là đúng 1 lượng bằng lóng của ngón tay cái. Nắp chai rượu phải được giữ bằng ngón tay vô danh và ngón út của tay cầm rượu, cho đẹp mắt.

Đương nhiên, điều quan trọng nhất của nhân viên PR là phải biết uống và uống được nhiều rượu. Cứ tưởng tượng, đêm nào nữ nhân viên PR của quán bar đều phải uống từ 20 giờ 30 đêm này đến 4 giờ sáng hôm sau, thì sẽ hiểu tửu lượng của họ cao đến mức nào.

Họ uống nhiều đến mức, khi hỏi "Rượu nào ngon hả em?", đều trả lời thực tình, "Đêm nào em cũng uống, uống riết chỉ là thói quen ngậm rượu vào miệng, xong uống nước cho rượu trôi qua cổ họng, thì biết gì mà ngon hay dở".

Ngoài doanh thu mà các chủ quán bar đặt ra cho nữ nhân viên PR như tôi đã viết trong bài trước, thì ở những quán bar, cứ cách 2 tuần sẽ có chương trình sổ xố dành cho khách uống nhãn hiệu rượu mới. Giải thưởng của mỗi chương trình khá cao, từ xe gắn máy hiệu SH 300i cho đến xe Air Blade, điện thoại iPhone…

Đêm diễn ra chương trình, mỗi nhân viên PR phải cố gắng kiếm được khách đặt bàn và đến bàn theo quy định của từng người. Nếu như không kiếm ra khách, nữ nhân viên PR sẽ phải chịu phạt với mức phạt 200 nghìn/bàn trống.

Những bộ phim ảnh kéo dài trên truyền hình, dễ khiến người ta lầm tưởng về số tiền kiếm được của các nữ PR quán bar. Số tiền họ kiếm được thường không nhiều cho mỗi đêm say khướt. Lắm khi, bị khách xù tiền boa, họ phải xin hoặc mượn tiền để đi taxi, xe ôm về lại nhà trọ.

Chuyện nữ nhân viên lốc, tức không có đứng bàn cả tuần liền, phải xin với quản lý cho trả góp tiền phạt là chuyện không hiếm.

Nhân viên PR quán bar, tối đa chạy hai bàn trong một lần ra sàn. Mỗi bàn, nhân viên phải biết cách làm vui lòng khách, phải biết cả cách phân bố thời gian để cho khách giữa bàn này với bàn kia đừng kỳ kèo với nhau. Kỳ kèo trong bar, móc súng ra bắn nhau hoặc rút dao thọc nhau vài cái không phải là chuyện quá hiếm. Quan trọng hơn, phải khéo léo đừng để khách than phiền với quản lý.

Ở quán bar, quản lý như là vua. Còn tổng quản lý là vua của vua. Nhưng tổng quản lý thường ít khi can thiệp vào những chuyện của nhân viên PR.

Nếu như doanh thu của nữ nhân viên PR, mỗi 2 tuần phải đạt 10 triệu, thì doanh thu của quản lý phải 20 triệu. Bù lại, quản lý được hưởng mức lương rất cao. Tận dụng tối đa uy thế của mình, quản lý hành xử với nữ nhân viên PR dưới quyền rất bạc. Thậm chí, quản lý còn cò cưa với nhân viên PR về khoản tiền boa của khách.

Quản lý nam, thường đong đưa với nhân viên PR mới, kiểu "Đi ngủ với anh đêm nay đi. Anh sẽ giúp đỡ em hết sức mình".

Khách của quản lý là loại khách thường khiến nữ nhân viên PR mệt mỏi nhất. Khách của quản lý ngồi ghế sofa (trong quán bar hoặc vũ trường, ghế sofa thường dành cho khách hàng quen, đã được kiểm chứng nhiều lần từ số tiền thanh toán. Khách thường, đa phần phải ngồi bàn cao - PV), lao vào nữ nhân viên như một nghìn năm rồi mới gặp phụ nữ. Nữ nhân viên buộc phải chịu trận nếu không muốn làm mất lòng quản lý.

Đây cũng chính là khách mà nhân viên PR dẫu không muốn đi khách, nhưng vẫn phải đi.

Một trong những nhầm lẫn lớn nhất là bấy lâu nay, người ta vẫn thường đánh đồng nhân viên PR trong quán bar thường đi khách mỗi khi tan ca. Nhưng sự thật thì không phải như vậy.

Nhân viên PR trong quán bar sống thoáng, nhưng họ có những quy chuẩn của riêng họ. Không phải, ai lắm tiền thì muốn đưa họ vào phòng của bất cứ khách sạn nào cũng được.

Mối quan hệ giữa nhân viên PR và quản lý là mối quan hệ rất mâu thuẫn. Có những quản lý kiêm luôn việc điều nữ nhân viên đi phục vụ khách để ăn %.

Ngoài khách của quản lý, nhân viên PR còn sợ tiếp khách ngoại giao của tổng quản lý, của giám đốc. Những khách này, nhân viên PR ngoài việc ngồi chịu đựng, họ hoàn toàn không được hưởng tiền boa.

Khói shisha và rượu tại một quán bar
Khói shisha và rượu tại một quán bar.

2. Gần như tất cả các quán bar, vũ trường tại TP HCM đều có một lực lượng hùng hậu những đầu nậu cung cấp thuốc lắc cho khách. Đây được dân trong quán bar gọi là chèo.

Chèo, ban đầu vào quán bar chi rất sộp để làm quen với nhân viên PR quán bar. Chèo rủ nhân viên quán bar cùng chơi thuốc, boa hậu hĩnh. Đến khi cột nhân viên quán bar vào ảo giác, chèo sẽ gợi mở nhân viên quán bar biến thành chân rết cho mình trong việc phân phối thuốc lắc, các hợp chất ma túy khác.

Lực lượng bảo vệ giám sát quán bar, mắt nhắm mắt mở để khách phê thuốc. Đoan chắc, không nhân viên bảo vệ quán bar nào dám đuổi khách khi khách chơi thuốc.

Để siết chặt nhân viên PR cung cấp thuốc cho khách, chủ quán bar nghĩ ra chiêu rất quái. Họ sẽ kiểm tra đột xuất người của các nhân viên. Nếu như phát hiện nhân viên giấu thuốc trong người, họ buộc nhân viên uống hết số thuốc đó và phạt 1 triệu cho lần đầu. Lần thứ hai là 3 triệu. Đến lần thứ 3, họ sẽ họp thông báo cho toàn thể nhân viên trước khi tống cổ nhân viên vi phạm ra đường. Có khi, họ giao nhân viên tàng trữ thuốc lắc cho Cơ quan Công an.

Ngoài chèo, nhân viên PR còn phải đối mặt với nhóm khách là giang hồ. Giang hồ vào bar vẫn giữ cái khí chất lưu manh đường phố. Có nữ nhân viên PR quán bar ở Đà Nẵng, phải bỏ xứ vào Sài Gòn để trốn tránh một tay anh chị. Tay anh chị bằng kênh thông tin của mình, xách súng từ Đà Nẵng vào tận Sài Gòn để truy tìm nữ nhân viên PR làm mất lòng mình.

Nữ nhân viên PR quán bar luôn sống trong cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời mình. May mắn, họ cặp được một vị khách là đại gia chính hiệu trong quán bar. Hạnh phúc được vài tháng hoặc tối đa là một năm, họ lại về cái quy trình, ngủ đến trưa, để tối lên sàn.

Trong giới nhân viên PR quán bar ở Sài Gòn đều biết tiếng của H. H. được mệnh danh là nữ hoàng quán bar. H. nói được nhiều ngôn ngữ, cách trò chuyện cực duyên, có nhan sắc.

Cách đây hơn năm, H. cặp được một thương nhân người Đài Loan. Thương nhân bỏ tiền ra mua cho H. xe ôtô, nhà cửa. Không may, thương nhân dính vào một vụ mở tài khoản rút tiền ngân hàng của khách gửi tiết kiệm. Để khắc phục hậu quả, thương nhân nhờ hệ thống giang hồ Trúc Liên bang, sang Sài Gòn tìm đến H. để đòi lại nhà cửa, ôtô.

Chưa kịp mỉm cười thì niềm vui của H. đã tắt ngấm. Giờ, H. lại trở thành nhân viên PR của quán bar. Khách của H. vẫn đông như xưa, nhưng tìm được đại gia mua nhà, mua ôtô thì quá khó.

Trong các mối quan hệ giữa nhân viên PR quán bar và khách đến quán bar, thường nặng mùi nhục dục. Nói như một nhân viên PR quán bar thì "Họ tìm đến tụi em chỉ để thỏa mãn thôi. Thỏa mãn xong lại lộ nguyên hình là thằng chơi bời. Nhiều đứa bạn em ước mơ về một tình yêu, từng vừa khóc vừa chạy khỏi khách sạn khi người tình rủ lên phòng chơi… đánh cờ tướng. Nhưng vào phòng lại đòi chiếu tướng. Nó chạy trốn không phải vì nó sợ chuyện kia, mà cái chính là nó thất vọng".

Không chỉ vậy, nữ nhân viên PR quán bar còn là đối tượng từ vô tình hay hữu ý trở thành con nghiện thuốc lắc, đập đá… Có những nhân viên PR nghiện đập đá đến mức, sẵn sàng ngủ với bất kỳ ai chỉ nhằm kiếm đủ tiền để thỏa mãn cơn nghiện. Đó là chuyện không hiếm.

Khách VIP và nữ nhân viên PR quán bar
Khách VIP và nữ nhân viên PR quán bar.

3. Ngoài nhân viên PR quán bar, còn có những nhan sắc khác là tâm điểm của quán. Họ chính là những nhân viên múa cột.

Thiết kế của quán bar chịu chơi, bao giờ cũng có những chỗ đứng gần trung tâm sàn nhảy làm nơi cho các vũ nữ biểu diễn. Những vũ nữ, xuất hiện vào các giờ cao trào, khi mà khách đã vào quán đầy ắp và chếnh choáng.

Nhân viên múa cột nhận tiền lương từ công ty điều phối họ đến biểu diễn tại quán bar. Ở quán bar, họ nhận được thêm tiền boa của khách. Tiền boa của nữ nhân viên múa cột thường rất cao. Vì những màn kích động không khí mà họ giới thiệu đến khách vào bar uống rượu.

Trên này, nhân viên múa cột với nội y trên người, ưỡn ẹo với cây cột dựng đứng, sáng loáng. Phía dưới, đám đông gào thét. Những cánh tay kẹp các tờ tiền mệnh giá 100 nghìn, 200 nghìn hoặc 500 nghìn đưa lên phía trên tới tấp. Vào quán bar, sử dụng tiền mệnh giá 50 nghìn đồng, chắc chắn được mang tiếng nhà quê. Mà vào quán bar, không gọi rượu, đi gọi bia. Chắc chắn là không thể có nữ PR phục vụ.

Thi thoảng, cao hứng nhân viên múa cột sà vào bàn rượu nào đó, uống một ly với khách. Khách biết chơi sẽ boa từ 500 nghìn cho đến 1 triệu. Để có thể trở thành nhân viên múa cột, ngoài ngoại hình chuẩn, người đẹp cần phải có năng khiếu và bỏ ra cả nghìn USD để đi học. Không phải ai muốn lắc, muốn ưỡn như thế nào với cột cũng được.

Nhân viên PR thường nhìn nhân viên múa cột với ánh mắt vừa ngưỡng mộ, vừa ghen tị. Họ đứng cả đêm, uống rượu đến quị ngã, chỉ mong khoản tiền boa 200 nghìn từ khách. Họa hoằn, cũng có những vị khách cao hứng boa 1 hay 2 triệu. Nhưng, đó là chuyện hiếm trong hiếm.

Những nữ PR quán bar mà tôi tiếp xúc, vì lý do riêng của họ phải giấu tên, đều không mơ đến cái ngày được làm vợ một ai đó, mà họ cho rằng đàng hoàng. Đơn giản, họ thừa hiểu, chẳng ai lại trầu cau đến cưới xin một người bước từ quán bar bước ra. Dẫu rằng, có thể họ chỉ vào đấy rót rượu, uống rượu và ngửa tay chờ khách boa.

Cuộc sống của nữ PR quán bar cứ luẩn quẩn trong cái quy trình ấy. Tảng sáng về nhà trọ, say khướt… Say đến mức nôn ra mật xanh, mật vàng. Ăn gì vào, lại nôn ra thứ ấy. Nhưng, đến khoảng 18 giờ là phải tỉnh táo để chuẩn bị nhận ca.

Họ mơ gì…? Mơ đơn giản thôi, mơ gặp phải vị khách nào đó không xù tiền boa. Mơ không phải là vật tế thần trong các buổi tiếp khách ngoại giao của tổng quản lý hay giám đốc. Mơ người ta đừng bĩu môi khi nghe họ nói làm phục vụ trong quán bar.

Có biết cảnh nhân viên PR quán bar, say đến mức gục mặt trong nhà vệ sinh. Nhận được điện thoại của đồng nghiệp, báo khách sắp về, cố gắng gượng ra bàn để chờ tiền boa. Đến khi ngất ngưởng ra bàn, khách nhìn im lặng bỏ đi, mới hiểu hết cái uất ức của họ.

Chưa hết, vào những ngày lễ, tết, đêm giao thừa… Những nữ PR quán bar, nhớ gia đình quặn thắt vẫn phải rót rượu, nâng ly, cạn ly, tươi cười với khách, mới thấm nỗi buồn của họ.

Họ không được về quê thăm gia đình vào những dịp cao điểm ấy. Nếu như, họ không muốn bị đuổi việc.

Mà đuổi việc ở quán bar, thì họ biết làm gì khác(?!). Thu nhập của họ không cao đâu, nói ra thì bạn đọc bảo bịa, nhưng tình thật, là rất thấp.

Theo Kinh Hữu
Công An Nhân Dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.