Trong đội ngũ những người tiên phong: Tôi yêu nghề báo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Môi trường làm việc tại báo Tiền Phong, tất cả là hạnh phúc, là niềm vui mà nghề đã mang lại cho tôi, giúp tôi dần trưởng thành, hiểu nhiều về cuộc sống, có thêm nhiều kinh nghiệm để vững bước trên con đường dài phía trước.

Duyên tác nghiệp, ở buôn đồng bào

Trong suốt hành trình làm nghề của mình, tôi chủ yếu tác nghiệp ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những nơi tôi đến là vùng đất tuy còn khó khăn nhưng con người chân chất, hồn hậu.

Ngày mới vào nghề báo, tôi như người chới với giữa dòng nước, xách ba lô và lang thang. Tôi dừng chân ở một buôn đồng bào M’Nông R’lăm ở xã vùng sâu tỉnh Đắk Lắk, nét văn hóa của người M’Nông sống ven hồ Lắk luôn là điều mới lạ, huyền bí đối với người miền xuôi bởi nó luôn phảng phất nhiều dấu ấn của thuở hồng hoang. Câu chuyện về văn hóa phong tục, tập quán và những điều bí ẩn dần mê hoặc tôi. Cứ thế cả tuần ròng rã tờ mờ sáng đi xuống buôn rồi tối mịt về lại phố với quãng đường 60 km/lần đi để khai thác phần nào về nét văn hóa truyền thống mang đậm sự huyền bí của họ.

3 kỳ phóng sự “Huyền bí rừng mộ ché của đồng bào M’Nông” ra đời, đây cũng là lần đầu tôi viết phóng sự nhiều kỳ dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của một bậc tiền bối mà tôi rất nể phục và kính trọng. Chính điều này đã cho tôi cơ hội để tôi rèn luyện, thử thách bản thân và trưởng thành hơn trong nghề. Viết bài này, tôi theo chân già làng thám hiểm rừng thiêng, nơi được coi là khu cấm địa mà người bản xứ không dám mạo phạm, không dám đặt chân vào khi không có việc.

Xung quanh đó là những câu chuyện nhuốm màu huyền bí mà chỉ ít già làng có thể giải mã, nó ẩn chứa cả một nét văn hóa truyền thống của đồng bào M’Nông.

Trong đội ngũ những người tiên phong: Tôi yêu nghề báo ảnh 1
Trong đội ngũ những người tiên phong: Tôi yêu nghề báo ảnh 2

Trong những lần tôi đi tác nghiệp ở buôn làng vùng sâu

Từ ngày đầu bỡ ngỡ cho đến bây giờ đã 6 năm tôi làm việc ở Tiền Phong. Dưới mái nhà chung này, có các bậc tiền bối luôn là người truyền lửa giúp tôi say mê với nghề, nhận ra nghề báo là một nghề cao quý, và nắm giữ sự chung tình ấy Tiền Phong mang lại cho tôi. Chỉ nơi đây mới có sự ấm áp như một gia đình, từ lãnh đạo báo, lãnh đạo ban đến các anh chị phóng viên ở tòa soạn luôn ân cần chu đáo với anh em thường trú các vùng miền.

Tôi và cô bạn đồng nghiệp thường xuyên rong ruổi trên chiếc xe máy vượt hàng chục, hàng trăm cây số, mỗi chuyến tôi gom cho mình những kỷ niệm về tình nghĩa đồng bào. Có những câu chuyện dù nhỏ, nhưng không giấu được xúc động.

Tôi vẫn nhớ, ngôi nhà tuềnh toàng của một gia đình với mấy đứa con nheo nhóc ở buôn Mông (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar), cảnh đứa trẻ người đồng bào Mông hồn nhiên cầm nửa bát cơm trắng, bỏ thêm một chút muối rồi chan nước sôi vào xì xụp ngồi ăn ngon lành.

Lửa nghề

Bước chân vào nghề, tôi mới thấy hết được vai trò của người quản trị nếu ngọn lửa nghề không đủ mạnh để phóng viên trẻ mới bỡ ngỡ vào nghề cảm được, có lẽ họ không có nhiệt huyết với với nghề báo bởi nhiều sự vất vả, khó khăn, đối mặt với cả nguy hiểm. Ở báo Tiền Phong đã có những bậc tiền bối như thế. Ngọn lửa nghề của họ lớn đến mức giúp chúng tôi vượt qua tất cả để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí góp phần nhỏ dựng xây xã hội tốt đẹp hơn.

Báo Tiền Phong là nơi cho tôi cơ hội ghi dấu ấn trong cuộc đời làm báo. Từ các chuyến về với buôn làng tôi đã hoàn thành tác phẩm “Thắp ước mơ nơi rừng thẳm” và đoạt giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam. Tác phẩm gửi dự thi khắc họa rõ nét hình ảnh những người thầy, người cô với tinh thần nhiệt huyết, họ đã dành cả tuổi thanh xuân để mang con chữ đến cho học trò nghèo ở điểm trường làng Đê Kôn; cheo leo trên đỉnh Lơ Pang điểm trường làng A Lao và lớp học đặc biệt của thầy giáo Mai Văn Chuyền.

Suốt một thời gian dài theo chân thầy Mai Văn Chuyền trên hành trình mang tri thức đến học sinh nghèo, từ lặn lội trong đêm tối gõ cửa từng nhà học trò vận động tham gia lớp học yêu thương; chuyện mang những chú dê giống trong “Ngân hàng dê giống” tặng gia đình học sinh giúp họ thoát nghèo đến mở lớp dạy bơi miễn phí giúp trẻ em vùng sâu tránh những hiểm họa có thể xảy ra khi gia đình không có thời gian quan tâm. Thầy cần mẫn, đi xin sách về mở tủ sách yêu thương gieo mầm văn hóa đọc; mở lớp tiếng Anh, lớp cờ vua miễn phí để các em có một không gian sáng tạo, vui chơi bổ ích.

Trong đội ngũ những người tiên phong: Tôi yêu nghề báo ảnh 3

Thầy Chuyền dạy bơi miễn phí cho học sinh vùng sâu

Là những lần tôi chạy xe trong đêm tối mưa phùn, cái lạnh phả vào mặt đến buôn làng sâu hun hút ở huyện Krông Ana còn những nóc nhà sàn dung dị nằm lẩn khuất giữa vườn cà phê. Khi màn đêm buông xuống, những phụ nữ Êđê luống tuổi khuôn mặt rám nắng, đôi bàn tay chai sần vì cầm cuốc lâu ngày giờ vụng về nắn nót tập viết từng chữ cái.

Những đứa trẻ theo bố mẹ đi học quấn dưới chân bàn, có em ngồi bên cạnh giúp mẹ đánh vần. Có em được mẹ địu sau lưng chìm sâu vào giấc ngủ. Để có những đêm sáng đèn là nỗ lực của nhiều thầy cô đã hy sinh kỳ nghỉ hè cùng những tình nguyện viên trẻ đi đến gõ cửa vận động các bà, các mẹ đến lớp.

Tháng 11 tri ân thầy cô, những người chèo con thuyền trí thức cho thế hệ trẻ, với tôi đây cũng là dịp tri ân những người “thầy” của tôi ở báo Tiền Phong.

(tác giả đoạt giải B viết về Sự nghiệp giáo dục)

MỚI - NÓNG