Trong cơn lốc hàng lậu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong vai hành khách tôi ngồi trên chuyến xe đò chạy dọc đường 9 từ TP Đông Hà lên cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Gợi chuyện buôn lậu, bác tài nói: “Đã đi đường ni thì đa số phải có ít hàng lậu để kiếm thêm chút đỉnh. Cũng buôn bán dạng “cua rạm” (nhỏ lẻ) thôi. Đầu nậu, đại gia mới buôn to, bán lớn”.

“Chiêu mới” hàng lậu trên đường xuyên Á

Lên gần cửa khẩu, ngoài những hành khách đi có công chuyện riêng, còn lại tỏa đi các nẻo, đến trưa hoặc chiều họ về lại, cũng trên những chuyến xe đò. Đó là dân "cua rạm" như bác tài nói, còn dân "chơi lớn" thì chở cả xe hàng, nhiều khi như đánh bạc.

Trong cơn lốc hàng lậu ảnh 1

Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo bắt giữ đối tượng buôn lậu qua biên giới ảnh: PXD

Quốc lộ 9 nằm trên trục đường xuyên Á là giao thông huyết mạch ở Quảng Trị nối Việt Nam với Lào và Thái Lan. Đây cũng là con đường buôn lậu có thâm niên ngót nghét 40 năm nay, không ít thời điểm khét tiếng với những phi vụ buôn lậu xuyên quốc gia, nhất là ma túy. Ngoài ra, chủ yếu là pháo lậu, bia rượu, thuốc lá ngoại... Vì là tuyến giao thông chủ đạo nên mọi loại phương tiện đều có mặt trên đường từ xe container cho đến xe tải chở gỗ rừng trồng, xe chở sắn, xe ben chở đất đá, xe đò, xe du lịch, xe cá nhân, xe máy, xe đạp và cả người đi bộ.

Đặc biệt, buôn lậu gia tăng do có sự tham gia đột biến của loại xe đò 12 chỗ đã hạ tải mà người dân khiếp sợ gọi là "quan tài bay" hay "xe Taliban" phi bạt mạng trên đường. Loại xe này hầu hết đã quá cũ kỹ, xuống cấp, có xe không đèn pha, không xi nhan, biển số lem luốc không thấy gì, thường chở tới 4,5 tấn đường lậu. Những năm trước có xe đã gây tai nạn chết người. Đội xe này có đến vài chục chiếc, chạy từ khi trời chưa sáng cho đến khuya, có xe quay vòng 2, 3 chuyến hàng. Một tài xế giấu tên cho biết tiền công mỗi chuyến tùy theo số lượng hàng, ít nhất là 200.000 đồng/chuyến, chạy được nhiều chuyến thì kiếm được nhiều tiền.

Trong cơn lốc hàng lậu ảnh 2

Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo kiểm tra, kiểm soát hàng hóaảnh: PXD

Có lần khi trời vừa sáng, một chiếc xe như thế đã đâm vào đuôi một chiếc xe tải ở km 24 trên QL9, đầu xe hạ tải bẹp dúm, may tài xế thoát kịp nhưng đường cát thì tung tóe. Lát sau có mấy xe cùng loại, cùng hội cùng thuyền chạy đến dọn dẹp hiện trường và đưa xe tai nạn về. Đường sá lại sạch như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Ngày 29/10, vào khoảng 3 giờ sáng, phát hiện xe mang BKS 74C-09729 chạy qua địa phận Tân Long (Hướng Hóa) có dấu hiệu nghi vấn, lực lượng Biên phòng đã yêu cầu dừng xe kiểm tra nhưng tài xế vẫn cho xe chạy về hướng Đông Hà. Lực lượng Biên phòng tổ chức truy đuổi, đồng thời liên lạc với Công an huyện Đakrông phối hợp chặn bắt. Sau 25 km rượt đuổi, chiếc xe đã buộc phải dừng lại. Trên xe chở 3.000 gói thuốc lá ngoại, 250 kg bột ngọt, 3.000 kg đường trắng. Trị giá lô hàng khoảng hơn 100 triệu đồng.

Toàn bộ số hàng này đều là hàng cấm hoặc hàng lậu. Ngày 10/11, Đội kiểm soát phòng chống ma túy của Hải quan Quảng Trị phối hợp với Phòng CSKT Công an Quảng Trị và Công an thị trấn Lao Bảo tổ chức kiểm tra kho hàng ở khu vực biên giới thuộc khóm Trung Chín, thị trấn Lao Bảo do bà P.T.T.H làm chủ hàng, phát hiện có 2 vạn chai bia nhãn Corona Extra, 2.400 lon bia Heneiken, 532 nồi cơm điện, 12 bình nước nóng, 12.000 chai nước giải khát nhãn hiệu Kratingdaeng, toàn bộ lô hàng chưa có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ này ước tính trị giá 1,1 tỷ đồng. Hải quan đã tạm giữ hàng, tiếp tục điều tra làm rõ.

“Một mặt tỉnh cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp giao thương thuận lợi, mặt khác cũng phải nỗ lực thực hiện chống buôn lậu. Đó là mục tiêu kép, thực hiện cũng không phải đơn giản. Bởi nếu chống buôn lậu mà đặt nhiều trạm kiểm soát thì các chủ doanh nghiệp họ cũng kêu ca. Để có một sự chỉ đạo thật thống nhất và phát huy hiệu quả cao thì cần sự chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt tỉnh với các ngành liên quan. Sắp tới chúng tôi nghiên cứu để các ngành chức năng có những chuyên đề chống buôn lậu và bảo đảm ATGT”. Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Trị.

Riêng về đường lậu, theo báo cáo của cơ quan chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Trị (Ban chỉ đạo 389 Quảng Trị), trong 9 tháng đầu năm 2022 cơ quan chức năng đã bắt giữ hơn 525 tấn đường lậu, tăng hơn 72% so với cùng kỳ, trị giá hơn 5 tỷ đồng, xử phạt 2,5 tỷ đồng.

Trong vai du khách, sau khi hoàn thành các thủ tục hải quan theo quy định, chúng tôi đã sang nước bạn Lào. Chúng tôi tận mắt thấy loạt kho hàng tập kết dọc sông Sepon, ranh giới tự nhiên giữa hai nước. Đặc biệt, “công nghệ” phục vụ buôn lậu đã được “tự động hóa”: Thay vì khuân vác đường trắng từ trên bờ xuống sông thì đầu nậu cho làm một máng kim loại sáng trưng, trơn tuột. Chỉ cần thả bao đường theo máng là nó chạy thẳng một mạch từ trên cao xuống tận dưới sông rơi đúng vào thuyền.

Lực lượng chức năng nói gì?

Làm việc với chúng tôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo Ngô Minh Tuấn thừa nhận dù lực lượng túc trực kiểm soát từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm, tuy nhiên hàng hóa xuất, nhập khẩu với khối lượng lớn, và số lượng xe xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu nhiều, thường xuyên liên tục, nhiều xe gia cố thêm hầm chứa hàng nên đã gặp không ít khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát.

Trong cơn lốc hàng lậu ảnh 3

Nhiều vụ buôn lậu vào ban đêm bị lực lượng chức năng cửa khẩu Lao Bảo bắt giữ ảnh: PXD

Còn theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hiếu, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, đồn đã thành lập 16 chốt, mỗi chốt có 2-3 cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên sau đại dịch COVID-19, xuất hiện tình trạng nhiều bà con tham gia buôn lậu hoặc vận chuyển hàng lậu.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Trị ông Lê Tiến Dũng, nhìn nhận: “Những tháng cuối năm tình hình buôn lậu thường vẫn diễn biến phức tạp. Lại thêm do chênh lệch giá đường trắng giữa trong nước với nước ngoài nên tình hình buôn lậu đường trắng gia tăng. Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra tình hình phòng chống buôn lậu, nếu phát hiện cơ quan, đơn vị nào lơ là, thiếu trách nhiệm thì đề nghị cấp trên xử lý nghiêm. Theo tôi, nếu có một sự kiểm soát liên ngành từ phía trên cầu Đầu Mầu (km 25), lúc đó Đường 9 là độc đạo thì hàng lậu rất khó thẩm lậu về xuôi”.

Theo ông Dũng, hiện có mấy khó khăn cần tháo gỡ, trong đó có việc xử lý hàng vô chủ. Chẳng hạn như đường trắng là mặt hàng dễ hư hỏng, khó đáp ứng được kho bãi bảo quản đúng yêu cầu, không để quá được 1 năm. Về quy định rượu ngoại lậu dưới 100 đơn vị (chai) phải tiêu hủy nhưng đây là mặt hàng trị giá cao, nếu không có cách giải quyết khác thỏa đáng hơn thì đây là một lãng phí không nhỏ. Ngoài ra hàng lậu như máy điều hòa, đồ dùng điện tử theo quy định cần phải kiểm định nhưng chi phí kiểm định thì cao mà tiêu hủy cũng không đơn giản vì phải qua nhiều thủ tục.

Theo Thượng tá Hồ Sỹ Nhung, Trưởng Công an huyện Hướng Hóa,vùng biên giới trên địa bàn huyện Hướng Hóa khá rộng, bắt đầu từ khu vực hai bên cánh gà Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo chạy dọc về phía Đông theo bờ sông Sê Pôn, qua thị trấn Lao Bảo, các xã Tân Thành, Tân Long và 7 xã vùng Lìa từ xã Thuận đến A Dơi, cùng với đó là tuyến Quốc lộ 9 dài 23km nối từ Lao Bảo về đến Km58 giáp ranh huyện Đakrông. Những năm qua, đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm hoạt động rộng khắp các địa bàn này, trong đó khu vực “nóng” nhất là bờ sông Sê Pôn, rừng núi và ruộng rẫy dọc Quốc lộ 9 thuộc địa bàn xã Tân Hợp và dọc 23km tuyến quốc lộ này. HỮU THÀNH-PHAN THANH

MỚI - NÓNG