Đồi keo của gia đình chị Nguyễn Thị Liên (50 tuổi), người dân tộc Dao ở bản Mùng, xã Dương Hưu xanh tốt, hứa hẹn mang lại khoản tiền lớn. Mấy năm gần đây, chị Liên là một trong những điển hình vươn lên thoát nghèo làm giàu trong đồng bào dân tộc Dao ở xã Dương Hưu. Chị Liên kể, ngày trước, lúc vợ chồng chị mới ra ở riêng, cuộc sống rất nghèo khổ. Hai vợ chồng nhà tranh vách đất, lại phải nuôi bốn con. Cuộc sống ăn bữa nay, lo bữa mai.
Hơn 5 năm trước, chị Liên được Chi hội phụ nữ bản Mùng cho vay 30 triệu đồng để có vốn làm ăn. Chị đầu tư mua cây giống, phân bón để trồng 2 ha cây keo. Vườn keo nhà chị cho thu hoạch mang về 200 triệu đồng. Chị tiếp tục được Chi hội phụ nữ bản Mùng cho vay 40 triệu đồng. Có thêm tiền, chị mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng keo lên 6 – 7 ha và chăn nuôi lợn.
“Gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi đang vươn lên làm giàu từ trồng keo và chăn nuôi. Nhờ nguồn vốn của Chi hội phụ nữ bản Mùng mà gia đình tôi đã thoát cảnh nghèo”, chị Liên tâm sự.
Mô hình trồng cây gây quỹ của chị em phụ nữ bản Mùng. |
Chị Trương Thị Thu – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Mùng chia sẻ, số tiền 70 triệu đồng mà Chi hội phụ nữ bản Mùng cho chị Liên vay bắt nguồn từ mô hình trồng cây gây quỹ của chị em phụ nữ trong bản.
Chị Thu cho biết, bản Mùng là bản miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Động, có tổng diện tích rừng tự nhiên hơn 570 ha. Bản có 113 hộ dân và có 473 nhân khẩu, trong đó có 98 hội viên phụ nữ. Người dân trong bản là người đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, phong trào hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững được Chi hội phụ nữ bản Mùng tích cực triển khai nhằm hỗ trợ chị em từng bước ổn định đời sống.
“Mô hình trồng cây gây quỹ là cách làm sáng tạo và hiệu quả của chị em phụ nữ bản Mùng để cùng nhau thoát nghèo bền vững. Nhờ mô hình này, nhiều chị em đồng bào dân tộc trong bản đã hết cảnh nghèo đói và vươn lên làm giàu”, chị Thu nói.
Chị Thu cho hay, gần 15 năm trước, Chi hội phụ nữ bản Mùng được chính quyền địa phương giao cho 3ha đất đồi. Các chị em hội viên đã góp vốn mua cây giống, phân bón và bỏ ngày công để trồng cây keo. Các chị em thay phiên nhau chăm sóc 3ha cây keo. Sau 5 năm, lứa keo đầu tiên được bán thu về hơn 200 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dùng làm quỹ để cho chị em phụ nữ người dân tộc ở bản Mùng vay vốn để làm kinh tế.
Nhiều chị em phụ nữ đồng bào dân tộc Dao ở bản Mùng đã thoát nghèo nhờ vốn vay từ mô hình trồng cây gây quỹ. |
Đến nay, từ mô hình trồng cây gây vốn, Chi hội phụ nữ bản Mùng đã bán 2 lần keo, thu về khoảng 400 triệu đồng. Số tiền này cho 20 chị em phụ nữ trong bản Mùng vay vốn. Các chị em trong bản dùng số tiền được vay để đầu tư trồng cây keo hoặc chăn nuôi lợn, gà để phát triển kinh tế.
“Đến nay, mô hình trồng cây gây quỹ đã giúp 10 phụ nữ trong bản Mùng đã thoát nghèo, một số chị em đã làm giàu, thu về hàng trăm triệu đồng từ trồng cây keo. Chúng tôi sắp bán một đợt keo nữa, thu về khoảng 200 triệu đồng, nâng tổng số quỹ của Chi hội phụ nữ bản Mùng lên khoảng 600 triệu đồng”, chị Thu nhẩm tính.
Chị Đinh Thị Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Động đánh giá, trồng cây gây vốn của chị em phụ nữ bản Mùng là mô hình tiêu biểu của huyện Sơn Động giúp chị em người đồng bào dân tộc thoát nghèo bền vững. Đây là cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở địa phương miền núi có diện tích đất đồi rộng như huyện Sơn Động.