Trốn khỏi Trung Quốc, quan tham sống xa hoa trên đất Mỹ

Du thuyền sang trọng của Wei Chen. Ảnh: NYT.
Du thuyền sang trọng của Wei Chen. Ảnh: NYT.
Wei Chen bị đối tác kinh doanh kiện tội biển thủ 50 triệu USD trong dự án nhà đất ở bang Florida, Mỹ. Vụ tranh chấp làm lộ thân phận của Chen, tên thật là He Yejun, vốn là giám đốc một công ty quốc doanh ở Trung Quốc.

Tháng trước, chính phủ Trung Quốc công bố danh sách 100 tội phạm kinh tế chạy trốn sang nước ngoài, trong 40 người đang ở Mỹ, có He Yejun và vợ. Họ bị cáo buộc biển thủ công quỹ ở Trung Quốc rồi trốn sang Mỹ cuối thập niên 90. Hồ sơ cho thấy kể từ khi đến Mỹ, thông qua một công ty, Chen đã mua một tòa nhà chung cư 2 triệu USD gần Miami, một chiếc ôtô đắt tiền Bentley, và một du thuyền dài hơn 20 m.

Ông Chen, tên thực là He Yejun ở Trung Quốc, nổi tiếng một thời khi lọt vào danh sách 30 người được bầu chọn làm "10 Thanh niên giỏi của Trung Quốc". He chuyển một nhà máy phân bón sắp phá sản ở tỉnh Hà Bắc thành Tập đoàn Haomen, công ty bia quốc doanh, một trong 500 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất Trung Quốc. He vừa là bí thư kiêm tổng giám đốc điều hành công ty.

Năm 1999, He trốn sang Mỹ, theo gót bà Huang, kế toán của Haomen ở văn phòng Bắc Kinh trước khi nghỉ việc năm 1998. Chính phủ Trung Quốc đưa tên hai người vào danh sách truy nã, cáo buộc tội biển thủ công quỹ.

Đứng đầu danh sách Trung Quốc gửi Mỹ là Yang Xiuzhu, cựu phó thị trưởng thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Bà Yang trước đây sở hữu tòa nhà 5 tầng trên phố 29 Tây, quận Manhattan, New York.

Ngoại trừ bà Yang, số còn lại đa phần là những người không có mấy địa vị như Qiu Gengmin, một đại lý xuất nhập khẩu bị cáo buộc ăn cắp tiền của một công ty vận tải biển Na Uy.

Cáo buộc chống lại ông Qiu, 53 tuổi, xuất phát từ các giao dịch kinh doanh với công ty vận tải IM Skaugen có trụ sở ở Na Uy. Công ty này ký hợp đồng với một công ty Trung Quốc để đóng ba tàu chở dầu. Công ty xuất nhập khẩu Changda Chiết Giang của ông Qiu được thuê làm đại lý xuất nhập khẩu, xử lý thủ tục hải quan, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng sẽ được hoàn trả sau khi phía Na Uy bàn giao tàu.

Tuy nhiên, năm 2010, ông bị cáo buộc đã biển thủ 3,7 triệu USD tiền hoàn thuế. Ông Qiu trốn sang Mỹ và năm ngoái, bị công tố viên liên bang buộc tội âm mưu rửa tiền bằng cách sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng dưới vỏ bọc nhiều công ty để mua bất động sản, bao gồm một nhà nghỉ bên bờ biển Myrtle, Nam Carolina.

Trốn khỏi Trung Quốc, quan tham sống xa hoa trên đất Mỹ ảnh 1

Tòa nhà chung cư nhìn từ trên không của Wei Chen trong thành phố Aventura, gần Miami, bang Florida. Ảnh: NYT.

Công ty vỏ bọc

Theo New York Times, ngày càng nhiều công dân nước ngoài sử dụng công ty vỏ bọc để che giấu quyền sở hữu bất động sản cao cấp ở Mỹ.

Bà Yang, cựu phó thị trưởng Ôn Châu, dường như cũng sử dụng thủ đoạn này để che giấu quyền sở hữu bất động sản. Bà bị cáo buộc nhận hối lộ 30 triệu USD khi còn tại chức.

Năm 1996, lúc bà Yang còn đương nhiệm, doanh nghiệp có tên Công ty Thương mại Quốc tế I/E New York đã giao dịch mua lại tòa nhà ở phố 29 Tây, Manhanttan với số tiền bí mật. Trong vòng vài tháng, quyền sở hữu được sang tên bà Yang.

Năm 2004, khi người quản lý của bà Yang đuổi một người thuê trong tòa nhà trên, người này đã nộp đơn lên tòa án tiểu bang, nói rằng bà là một quan chức Trung Quốc bỏ trốn. Lúc đó, Yang đã chuyển quyền sở hữu tòa nhà cho một phụ nữ ở Bayside, Queens, dường như là chị dâu của bà, với giá 550.000 USD, rồi sau đó bán lại cho một tổ chức khác với giá 2,4 triệu USD.

Hiện không rõ bà Yang ở đâu, theo truyền thông Trung Quốc, bà đã bị bắt tại Hà Lan. Tuy nhiên, lãnh sự quán Trung Quốc không xác nhận hay phủ nhận thông tin này.

Việc tội phạm Trung Quốc hiện diện ở Mỹ đặt ra câu hỏi, làm thế nào họ được phép nhập cư vào Mỹ. Có bằng chứng cho thấy, một số người đã khai man với cơ quan di trú.

Qiao Jianjun, 51 tuổi, là người thứ 3 trong danh sách tội phạm truy nã, bị cáo buộc biển thủ gần 4 triệu USD từ kho dự trữ lương thực lớn nhất Trung Quốc. Ông Qiao điều hành kho này ở Chu Khẩu, tỉnh bắc trung bộ Hà Nam, từ năm 1998-2011.

Năm ngoái, giới chức Los Angeles cáo buộc ông Qiao và vợ cũ, Zhao Shilian đã khai man tình trạng hôn nhân và nguồn vốn để xin thị thực vào Mỹ. Theo đó, những người đầu tư vào Mỹ 500.000 USD trở lên, sẽ được phép định cư ở Mỹ. Cặp vợ chồng này đã mua một ngôi nhà gần Seattle, thông qua một công ty vỏ bọc.

Còn tại Florida, bà Huang Hong, 48 tuổi, bị từ chối đơn nhập tịch với tư cách là vợ ông Chen. Cơ quan nhập cư buộc tội bà kết hôn giả với một người đàn ông khác, để được nhập tịch Mỹ.

Trốn khỏi Trung Quốc, quan tham sống xa hoa trên đất Mỹ ảnh 2

Mỹ là điểm đến hàng đầu của tội phạm kinh tế và quan chức tham nhũng Trung Quốc. Ảnh minh họa: Financial Express.

Nơi trú ẩn an toàn

Năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu mở chiến dịch "Săn cáo", truy lùng quan chức tham nhũng và tội phạm kinh tế bỏ trốn ra nước ngoài. Kết quả, 680 người từng bỏ trốn và mang theo hơn 3 tỷ nhân dân tệ (gần 500 triệu USD) tài sản ra nước ngoài đã bị đưa trở lại Trung Quốc. Theo IB Times, có khoảng 18.000 quan chức Trung Quốc đã chạy trốn khỏi đất nước trong vòng 20 năm qua, mang theo số tiền tham nhũng khoảng 130 tỷ USD.

Hồi tháng 4, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson, đã gặp gỡ người đồng nhiệm Trung Quốc tại Bắc Kinh, nhất trí tăng cường hợp tác hồi hương người tị nạn và di cư bất hợp pháp, trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa tội phạm kinh tế bỏ trốn về nước. Trung Quốc cũng mở rộng chiến dịch, đặt tên giai đoạn mới là "Lưới trời", công bố trên truyền thông danh sách những tội phạm bị Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) truy nã.

Giới chức Trung Quốc coi Mỹ là điểm "săn cáo" hàng đầu, tiếp đến là Canada, New Zealand và Australia. Đây là 4 quốc gia không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc do hệ thống luật pháp khác biệt. Vì vậy, đây là những nơi trú ẩn hấp dẫn đối với tội phạm kinh tế bỏ trốn.

"Nhiều quan chức tham nhũng chọn cách trốn sang nước khác, bởi chúng có thể giấu mình sau các quy định phức tạp về dẫn độ và quyền tài phán," Li Zhimin, phát ngôn viên của lãnh sự quán Trung Quốc tại New York cho biết.

Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc cho rằng, số người trong danh sách Bắc Kinh gửi tới Washington phải lên tới 150, chứ không chỉ 40 người.

Ding Xueliang, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Khoa học Công nghệ Hong Kong, cho biết Bắc Kinh không thích công khai tên một số nghi phạm do e ngại họ hoặc người nhà sẽ trả đũa bằng cách tiết lộ bí mật quốc gia.

"Những mục tiêu lớn nhất không có tên trong danh sách, " ông Ding nói. "Một số người có thể gây ra rắc rối chính trị rất lớn đối với đảng, nhà nước Trung Quốc, bằng cách tiết lộ những gì họ biết."

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc liên tục đưa tin về các cuộc bắt giữ quan chức tham nhũng trong nước, một phần của chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm trong sạch hóa nội bộ đảng Cộng sản nước này.

Chu Vĩnh Khang, cựu bộ trưởng công an, ủy viên thường trực Bộ Chính trị, là "con hổ lớn nhất" ngã ngựa trong chiến dịch này. Ông Chu bị buộc tội tham nhũng, nhận hối lộ, và tiết lộ bí mật quốc gia.

Để chứng minh quyết tâm của mình, "ông Tập mở rộng săn hổ sang săn cáo," Steve Tsang, chuyên gia tại Viện Chinh sách Trung Quốc, đại học Nottingham, Anh, đánh giá việc Trung Quốc mở rộng truy tìm tội phạm sang nước ngoài. Tuy nhiên, trong cộng đồng người Hoa ở Mỹ, một số người vẫn tỏ thái độ hoài nghi.

"Trong số những người trong danh sách, có một vài người đúng là kẻ xấu," Ning Ye, luật sư đại diện cho Qiu Gengmin nói. "Nhưng cũng có một số trường hợp không đúng."

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG