Chiều 14/5, thi thể “hiệp sĩ” Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, quê Đồng Nai) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định) đã được cơ quan chức năng bàn giao để thân nhân đưa về quê nhà an táng. Ba “hiệp sĩ” khác là ông Trần Văn Hoàng (50 tuổi, ngụ quận Tân Bình), anh Nguyễn Đức Huy (22 tuổi, ngụ quận Tân Phú) và anh Đinh Phú Quý (22 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) bị thương nặng đang được điều trị tại bệnh viện.
“Cuối năm, anh Nam cưới…”
Sáng 14/5, chúng tôi tìm đến căn nhà nơi anh Nguyễn Hoàng Nam cùng mẹ và em gái thuê để ở nhiều năm qua tại con hẻm nhỏ trên đường Lê Đức Thọ, phường 16, quận Gò Vấp, TPHCM. Sau một đêm thức trắng túc trực ở bệnh viện để nhận thi thể anh trai, cô em gái Nguyễn Ngọc Hân vừa trở về để thu dọn đồ đạc, gói ghém kỷ vật của anh Nam chuẩn bị về quê ở Đồng Nai để làm lễ an táng.
Hân ngồi lau lại tấm giấy khen do Chủ tịch quận Tân Bình trao tặng “vì thành tích góp sức bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn”, không cầm được những giọt nước mắt lăn dài trên má. “Anh Nam với chị Trang yêu nhau 6 năm nay, anh chị dự định cuối năm sẽ làm đám cưới…”, Hân nghẹn ngào.
Do gia đình khó khăn nên ba mẹ con chuyển lên TPHCM mưu sinh nhiều năm qua, còn người bố phải ở quê để giữ mảnh đất tổ tiên để lại. Cả gia đình ba người thuê một căn nhà cấp bốn chật hẹp nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Đức Thọ. Nói là nhà nhưng nơi ba mẹ con Hân thuê ở không khác gì căn phòng trọ chừng 30m2 có gác lửng. Bên trong chỉ vài món đồ lặt vặt để nấu ăn, chiếc xe máy cà tàng và tấm chiếu trải trên nền nhà làm chỗ ngủ.
Hàng ngày, người mẹ đi bán bắp trước chợ Gò Vấp, còn Hân làm công nhân, Nam làm nhân viên giao hàng cho một công ty ở gần nhà. Ngoài công việc chính là giao hàng, trước đây anh Nam còn làm bảo vệ dân phố và thường xuyên tham gia truy bắt trộm cướp. Sau đó, anh Nam nghỉ làm bảo vệ dân phố và tham gia cùng nhóm hiệp sĩ đường phố quận Tân Bình. “Ngày nào đi làm về anh cũng tranh thủ ăn cơm rồi lại đi bắt cướp. Nhiều hôm anh đi đến 2-3h sáng mới về”, Hân nói.
Hân cho hay, nhiều hôm nghe anh Nam ngồi kể hành trình truy đuổi những tên trộm cướp táo tợn qua các tuyến đường ở Sài Gòn rồi chuyện bị đối tượng dùng hung khí chống trả, mẹ đã nhiều lần khuyên anh nên nghỉ để đảm bảo an toàn nhưng anh nhất quyết không chịu. “Em và mẹ khuyên thì anh nói nếu có ngày em gặp cướp thì sao? Ai giúp em? Khi ra đường anh thấy người ta cần thì giúp chứ trộm cướp lộng hành thế thì sao chịu được? Nghe anh nói vậy nên em đành im lặng, không dám khuyên nữa”, Hân kể.
Tối 13/5, cũng như những đêm trước, sau bữa cơm tối, anh Nam cùng nhóm hiệp sĩ đường phố đi săn trộm. “Đến tối, khi em đi làm về nghe tin anh bị tai nạn đang cấp cứu. Gia đình vội chạy lên bệnh viện nhưng bác sĩ không cho vào. Lúc đó mọi người chỉ biết ngồi cầu mong cho anh bình an. Đến gần 3h sáng, mọi người mới biết là anh đã ra đi”, Hân oà khóc.
Nam và người yêu là chị Nguyễn Ngọc Trang yêu nhau đến nay đã được 6 năm, hai bên gia đình đã đồng ý cuối năm sẽ tổ chức đám cưới. “Dự định cuối năm nay chị Trang tốt nghiệp đại học xong anh chị làm đám cưới luôn. Khi nhận tin anh Nam gặp nạn, chị Trang chỉ lẳng lặng chạy lên bệnh viện mà không dám báo cho mẹ vì sợ bà bị sốc”, Hân kể.
Ngồi bệt một góc ở trung tâm pháp y TPHCM, đôi mắt đỏ hoe, người phờ phạc vì khóc suốt đêm, chị Trang vẫn chưa tin rằng chồng sắp cưới của mình đã chết. Chị cho hay, khi yêu Nam, chị cũng chấp nhận sẽ phải đối mặt với những rủi ro khi anh truy bắt cướp. Khi nhận tin anh Nam bị nạn, chị chỉ nghĩ anh bị thương nhẹ. “Tối qua có hẹn nhưng sau đó anh gọi nói có việc phải đi gấp, một lúc sau sẽ về. Vậy mà anh đi luôn không về nữa…”, chị Trang nghẹn lời.
Con thơ ngơ ngác chờ tin bố
Có mặt tại Trung tâm pháp y TPHCM vào sáng 14/5, nhiều người không khỏi ám ảnh bởi ánh mắt ngơ ngác, tuyệt vọng của cậu bé 10 tuổi ngồi tựa vào bức tường.
Ánh mắt ngơ ngác ấy của bé Nguyễn Thành Đạt (10 tuổi), con trai “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định). Đạt được mẹ dẫn lên để gặp mặt bố lần cuối trước khi thi thể anh Thôi được đưa về quê nhà an táng.
Đạt cho hay, từ nhỏ em đã nghe bố kể nhiều về những cuộc truy bắt trộm cướp trên đường. Trong ký ức của cậu bé 10 tuổi, bố luôn là một người hùng đã ra tay nghĩa hiệp cứu biết bao người dân khi hoạn nạn. “Mỗi lần bố đến thăm kể lại những câu chuyện khi bố cùng các chú truy bắt trộm cướp. Bố nói thấy người ếu thế mình phải giúp đỡ. Lớn lên con cũng muốn làm “hiệp sĩ” để bắt cướp như bố”, Đạt nói.
Chị Nguyễn Thị Thanh Dung (mẹ bé Đạt) cho hay, anh chị đã chia tay nhau cách đây mấy năm. Chị thuê căn phòng trọ ở quận Gò Vấp để ở cùng con trai còn anh ở trọ tại quận Tân Bình. Mỗi cuối tuần anh Thôi thường xuyên đến thăm con, dù hai người ít nói chuyện nhưng chị vẫn luôn quan tâm đến cuộc sống của chồng cũ.
Gia đình anh Thôi có 5 người, do hoàn cảnh rất khó khăn, không có công việc ổn định nên anh Thôi chạy xe ôm kiếm sống. Bất bình khi thấy trộm cướp lộng hành trên đường phố, anh Thôi gia nhập nhóm hiệp sĩ Tân Bình để làm việc nghĩa hiệp.
Khi hai chiếc xe tang chở quan tài hai “hiệp sĩ” về quê thì trong bệnh viện, ông Trần Văn Hoàng vẫn đang chống chọi với tử thần. Ông Hoàng bị đâm vào bụng trọng thương, vừa trải qua ca phẫu thuật trong đêm. Đến nay cũng đã hơn 20 năm ông Hoàng dấn thân vào con đường nghĩa hiệp và đã thực hiện hàng trăm vụ bắt nóng các đối tượng trộm cướp trên đường phố Sài Gòn. Ông cũng nhiều lần bị chống trả, bị thương nhưng chưa bao giờ bị nặng như lần này. Bên ngoài, vợ con ông vẫn đang ngồi trông ngóng từng giờ từng phút với hy vọng ông sẽ bình an, tai qua, nạn khỏi.
Tâm sự về những đồng đội của chồng chẳng may hi sinh, bà Trương Thị Xí (vợ ông Hoàng) cho biết ngày nào Thôi và Nam cũng tụ họp ngay tiệm tạp hóa nhỏ của bà. “Nhà tôi là địa điểm mà đồng đội của chồng hay ghé lại chơi, họ tính lắm. Thôi hiền hay ăn cơm cùng gia đình tôi, có khi cơm rau luộc chấm nước mắm mà cũng ăn ngon lành”, bà Xí kể lại.
Có thể xem xét công nhận liệt sĩ với 2 “hiệp sĩ” bị sát hại
Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay: Theo quy định, hành động truy bắt trộm và bị đâm tử vong của “hiệp sĩ” Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Gò Vấp, TPHCM) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định) tối 13/5, xứng đáng được tôn vinh và được phong tặng liệt sĩ. TPHCM có thể làm đề nghị gửi Bộ LĐ-TB&XH xem xét truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho 2 “hiệp sĩ” bị đâm tử vong. Cụ thể, Điều 11, Pháp lệnh ưu đãi người có công; Điều 17, Nghị định 31/2013 quy định: những trường hợp người dân xả thân cứu người, truy bắt tội phạm đều có thể được xét công nhận liệt sĩ.
Hữu Việt
Phó Thủ tướng biểu dương hành động dũng cảm của “hiệp sĩ” Sài Gòn
Sáng 14/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ đã có Công điện gửi UBND TPHCM, Bộ Công an chia buồn cùng gia đình các nạn nhân, đồng thời chỉ đạo khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng tấn công nhóm “hiệp sĩ” quận Tân Bình.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương nhóm “hiệp sĩ” đã sẵn sàng hy sinh thân mình, góp phần bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố cũng như gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, thân nhân người bị nạn. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu UBND TPHCM khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, có hình thức khen thưởng và hỗ trợ thích đáng, kịp thời đối với các nạn nhân và gia đình người bị nạn. Bộ Công an chỉ đạo các lực lương công an sớm điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm, tăng cường tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự, có biện pháp an toàn bảo đảm cho người dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, có hành động trực tiếp đấu tranh với các đối tượng tội phạm.
Văn Kiên