Trời lạnh, nhiều người cấp cứu vì đột quỵ

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Đáng chú ý là có nhiều bệnh nhân (BN) đột quỵ nhập viện muộn làm mất đi cơ hội vàng điều trị; hoặc có trường hợp do người thân tự ý cho dùng thuốc không rõ nguồn gốc khiến BN sặc, suy hô hấp do viêm phổi, thậm chí ngừng tim trước khi đến BV.

30 bệnh nhân đột quỵ/ngày

PGS.TS Mai Duy Tôn, Trưởng Phòng cấp cứu 1, Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cảnh báo, trong mùa đông thời tiết rét đậm như hiện nay khiến số lượng BN đột quỵ có xu hướng gia tăng. Hiện, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 BN vào khoa Cấp cứu vì đột quỵ. Riêng Phòng Cấp cứu 1, số lượng BN cũng tăng khoảng 10-15% lượng BN so với ngày thường.

Đáng chú ý, theo PGS. Tôn, có nhiều BN đột quỵ ở vùng nông thôn do hiểu biết còn hạn chế nên thường được đưa đến viện muộn hoặc người thân sơ sứu không đúng cách khiến bệnh càng thêm nặng.

“Với BN đột quỵ, thời gian là não, thời gian là vàng nên khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có khả năng điều trị chuyên sâu trong vòng ít nhất 4 - 5 giờ đầu, cùng lắm là trong 6 giờ đầu để được điều trị tối ưu. Tuy nhiên trên thực tế, có không ít gia đình do chủ quan, thiếu hiểu biết đã không đưa BN đột quỵ đi cấp cứu nhanh chóng lại để BN ở nhà, dùng các thuốc không rõ nguồn gốc, sử dụng phương pháp truyền miệng không đúng, vài ngày sau mới đưa đi cấp cứu thì lúc đó đã muộn. Thậm chí có trường hợp cho BN đột quỵ ăn uống, nhét thuốc vào miệng khiến họ sặc, đến khoa cấp cứu thường có tình trạng là suy hô hấp do viêm phổi, nhiều trường hợp ngừng tim trước khi đến BV”- PGS. Tôn cảnh báo.

đột quỵ

Chăm sóc cho bệnh nhân đột quỵ tại Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai.

Nhận biết đột quỵ cách nào?

Theo điều tra của Hội Tim mạch học Việt Nam thì cứ 4 người trên 25 tuổi, dưới 49 tuổi thì có một người bị tăng huyết áp. Đây chính là nguyên nhân chính gây ra đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ ở người trẻ. Đáng lo là, có nhiều BN trẻ bị đột quỵ có bất thường về mạch máu như: dị dạng động tĩnh mạch, túi phình mạch não, các u thể hang… Khi cơ thể căng thẳng quá mức hoặc các bất thường đó phát triển theo thời gian sẽ phát triển gây đột quỵ nguy hiểm cho người bệnh.

PGS. Tôn cho biết, một BN đột quỵ thường có các biểu hiện, triệu chứng điển hình đó là đột ngột xuất hiện một trong các dấu hiệu: Đột ngột yếu, liệt, tê bì. BN đột ngột nói khó, bất thường về giọng nói hoặc không nói được. Đột ngột mất thị lực, bất thường thị lực một trong hai bên mắt. BN có thể đau đầu dữ dội, hôn mê rối loạn ý thức. Ngoài ra, BN có thể chóng mặt, thường kèm theo mất thăng bằng, mất phối hợp động tác…

Do đó, cách đơn giản nhất là để nhận biết dấu hiệu của đột quỵ là yêu cầu người thân cười, nói, chào và quan sát. Hãy chú ý xem khuôn mặt có bị mất cân đối không? Có tay bên nào bị yếu, liệt bằng cách bảo người đó giơ tay lên. Giọng nói của họ có thay đổi không, bảo người đó lặp lại những từ đơn giản. Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường trên thì nghi ngờ đến 90% là đột quỵ cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để được nhân viên y tế hỗ trợ đưa BN đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.

tai biến
sơ cứu khi bị đột quỵ

PGS. Tôn khuyến cáo: Không đưa các thức ăn, đồ uống gì vào BN đột quỵ vì dễ gây sặc, nguy hiểm tính mạng.

Do đột quỵ là một cấp cứu nội khoa nên cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115, không nên trì hoãn. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi tại nhà, người thân có thể tiến hành sơ cứu bằng cách: đặt BN ở tư thế nằm, có thể nằm gối cao 30-45 độ . Nới rộng quần áo thông thoáng cho BN, quan sát xem BN thở như thế nào, màu da như thế nào. Nếu BN có ngừng tim thì phải cấp cứu ngừng tuần hoàn, kêu gọi sự hỗ trợ của người xung quanh. Trường hợp BN có nôn thì nên xoay mặt, nghiêng người BN sang một bên tránh để nuốt chất nôn và gây sặc. Nếu BN lên cơn co giật cần đảm bảo đường thở cho BN, dùng các dụng cụ tại nhà như đũa, thìa quấn vải đặt ngang miệng BN, tránh để cắn vào lưỡi. Đặc biệt lưu ý không đưa các thức ăn đồ uống gì vào BN dễ gây sặc, nguy hiểm cho BN.

Tránh để cơ thể lạnh đột ngột

Để tránh bị đột quỵ trong thời tiết lạnh giá, PGS. Tôn khuyến cáo, người dân cần giữ ấm, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Điều này dễ làm tăng huyết áp đột ngột, nếu không điều trị phòng huyết áp hàng ngày gây ra cơn tăng huyết áp kịch phát có thể vỡ mạch máu, gây ra đột quỵ.

Ở người trẻ tuổi nếu chưa có bệnh lý gì cũng cần khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì…

Nhóm thứ hai là các BN đã được chẩn đoán đột quỵ lần 1 thì nguy cơ tái phát lần 2 là rất cao. Tỉ lệ đột quỵ tái phát trong 5 năm đầu tiên là 25%, tức là cứ 100 BN sống sót sau đột quỵ sẽ có 25 trường hợp tái phát sau đó, do đó phải chú ý điều trị tích cực để phòng ngừa. Đối tượng này cần quan sát chặt chẽ, khám định kỳ điều trị các yếu tố nguy cơ, thay đổi lối sống, có chế độ ăn thích hợp và cần vận động hàng ngày mỗi ngày 30-45 phút.

Theo Theo SKĐS
MỚI - NÓNG