Trở về sau 17 năm bị bán sang Trung Quốc

Chị Hái trở về sau 17 năm bị lừa bán. Ảnh: T.Ý
Chị Hái trở về sau 17 năm bị lừa bán. Ảnh: T.Ý
TP - Sau hơn 17 năm bị lừa bán sang Trung Quốc, chị Hồ Thị Hái (1981, thôn 3, xã Phước Mỹ, Phước Sơn, Quảng Nam) người dân tộc Bhnoong trở về nhà trong niềm vui sướng của người nhà và bà con lối xóm.

Ngôi nhà của bà Hồ Thị Mang (70 tuổi) mẹ ruột của chị Hái gần một tuần nay đông đảo bà con lối xóm qua thăm hỏi và chung vui. Bà Mang nghẹn ngào: “Cứ tưởng là không bao giờ được gặp lại con nữa”. 

Về lại cùng mẹ và gia đình, chị Hái kể lại hành trình suốt 17 năm trời bị lừa bán và làm vợ một người đàn ông Trung Quốc. Vào năm 1997 lúc chị tròn 16 tuổi, một người phụ nữ nói giọng Bắc đến tận nhà dụ dỗ đi tìm việc làm ở biên giới phía Bắc với mức thu nhập khá cao.

Tin tưởng nên Hái nghe lời và được người phụ nữ bắt xe ra Đà Nẵng rồi đi tàu ra Hà Nội rồi đưa lên Lạng Sơn. Tại Lạng Sơn, người phụ nữ này cùng 2 thanh niên khác dẫn đi bộ lên biên giới Việt - Trung. Biết mình bị lừa, nhưng không còn cách nào để trốn thoát.

Ngay ở biên giới, một người đàn ông Trung Quốc xuất hiện, người phụ nữ kia trở mặt dọa nạt: Nếu không lấy người này làm chồng sẽ phải làm gái chứa. Không còn cách nào khác chị gật đầu. Sau đó, chị theo người đàn ông về thành phố Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) làm vợ. May mắn thay, người chồng này và gia đình đối xử tốt với chị. Sau 17 năm chị Hái sinh được 6 người con.

Nhiều lần muốn về Việt Nam nhưng vì không có giấy tờ tùy thân, đầu năm 2014 khi được nhà chồng cho 10.000 NDT chị Hái đã quyết định về Việt Nam. Đầu tháng 3 chị Hái về đến quê, sau 17 năm lưu lạc. Về quê, nhưng nỗi nhớ 6 đứa con nên chị đau đáu muốn trở về nhà chồng, chăm lo cho các con. Tuy nhiên, chị Hái không hề có giấy tờ tùy thân nên không thể làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Được biết, tình trạng dụ dỗ, lừa bán người dân tộc thiểu số là vấn đề nhức nhối ở nhiều huyện vùng cao Quảng Nam.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.