Giao lưu trực tuyến du học sinh Việt trên toàn cầu:

Trở về nước là lựa chọn hàng đầu của du học sinh Việt

Các vị khách mời tham dự buổi giao lưu và ông Trần Thanh Lâm - Phó TBT báo Tiền Phong (thứ ba từ phải sang)
Các vị khách mời tham dự buổi giao lưu và ông Trần Thanh Lâm - Phó TBT báo Tiền Phong (thứ ba từ phải sang)
TP - Chiều 12/4, tại trụ sở báo Tiền Phong diễn ra cuộc giao lưu trực tuyến với các hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, tạo sự gắn kết giữa sinh viên ngoài nước với phong trào sinh viên Việt Nam do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức.

Chiều 12/4, tại trụ sở báo Tiền Phong diễn ra cuộc giao lưu trực tuyến với các hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, tạo sự gắn kết giữa sinh viên ngoài nước với phong trào sinh viên Việt Nam do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức. Chương trình có sự tham gia của du học sinh Việt Nam tại các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Anh, Nga, Ba Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Lào, Campuchia, Australia.

Việc thu hút, tạo điều kiện để du học sinh về nước làm việc là câu hỏi được nhiều du học sinh đưa ra. Trả lời vấn đề này, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong cho rằng: “Du học sinh là một trong những nguồn nhân lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước, Hội Sinh viên Việt Nam luôn xem việc cung cấp các thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đến với các bạn du học sinh là một trong những nội dung quan trọng giúp các bạn có thông tin và chủ động tham gia đóng góp cho sự phát triển của đất nước. 

Khi đã đủ những thông tin cần thiết, với tình yêu Tổ quốc, với trách nhiệm của một người Việt Nam, tôi tin việc trở về đóng góp cho sự phát triển của đất nước là lựa chọn hàng đầu của các bạn”.

Nhiều sinh viên bày tỏ nguyện vọng về nước và hỏi thông tin về việc làm, các chính sách tạo điều kiện cho du học sinh. Bạn Nguyễn Xuân Thành, Viện KAIST, Hàn Quốc hỏi có chính sách ưu đãi, khuyến khích gì nếu du học sinh muốn về tham gia góp sức vào các bộ, ngành? Phó vụ trưởng Vụ công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) Doãn Đức Hảo cho rằng, có nhiều chính sách thu hút như chính sách tuyển dụng trực tiếp không qua thi tuyển, chính sách đào tạo, bồi dưỡng sau tuyển dụng, được hưởng chính sách đặc thù về tiền lương, được tạo điều kiện, quy hoạch, bổ nhiệm...

Hội Sinh viên Việt Nam tại Strasbourg, Pháp kiến nghị T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tăng cường truyền tải các thông tin về việc làm, cơ hội, các chính sách, kế hoạch để giúp cho sinh viên Việt Nam du học về nước có điều kiện gia nhập vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như tạo thêm hứng thú, yêu thích về nước làm việc.?Đại diện Hội Sinh viên Việt Nam cho biết nội dung này sẽ được thực hiện ngay trong năm 2014.

Du học sinh tại Ba Lan nêu khó khăn trong việc tổ chức hoạt động tình nguyện tại nước ngoài, trong khi hoạt động tình nguyện là một tiêu chí của sinh viên 5 tốt. Anh Lê Quốc Phong cho rằng không nhất thiết phải hoạt động tình nguyện tập trung, các bạn có thể hoạt động tình nguyện tại chỗ.

“Tính chủ động trong xác lập các nội dung tình nguyện rất quan trọng. Trong khả năng của mình, các bạn sinh viên Việt Nam ở ngoài nước có thể tự thiết kế các hoạt động tình nguyện tại chỗ, hoặc kết nối với các tổ chức Đoàn-Hội trong nước để tham gia hoạt động tình nguyện”, anh Phong nói.

Nguyễn Quốc Sinh, Phó bí thư Liên chi đoàn LHSVN tại Bắc Kinh, Bí thư chi đoàn Đại học Nhân Dân cho rằng: “T.Ư Đoàn cần nghiên cứu đặc điểm của Hội Lưu học sinh Việt Nam ở các nước trên thế giới, tiến tới công nhận các tổ chức Đoàn, Hội ở nước ngoài trở thành một bộ phận không thể tách rời của T.Ư Đoàn; tập hợp thông tin liên lạc của các đầu mối Đoàn, Hội ở các nước, thường xuyên quan tâm, trao đổi những thông tin trong nước, và có những chỉ đạo thường xuyên với các tổ chức này”. 

Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho biết: Thời gian tới, công tác kết nối, nắm bắt thông tin sẽ được tập trung nhiều hơn, qua đó sẽ có nhiều giải pháp để hỗ trợ kịp thời, giúp hoạt động của các bạn đạt kết quả tốt hơn.

Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại CLHB Đức thắc mắc về việc áp dụng các tiêu chuẩn sinh viên 5 tốt đối với sinh viên ngoài nước, kể cả giải thưởng Sao tháng Giêng, Hội Sinh viên có hình thức nào động viên kịp thời cho hoạt động của sinh viên Việt Nam tại nước ngoài không? 

Anh Lê Quốc Phong nói, khi xây dựng tiêu chí sinh viên 5 tốt đã chú ý đến đặc thù của sinh viên ngoài nước. 

“Tôi mong rằng Hội Sinh viên Việt Nam tại các nước chủ động xây dựng các tiêu chí đánh giá phù hợp và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để các bạn tham gia và đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt. Chúng tôi sẽ hình thành bộ phận hoạt động chuyên theo dõi để kịp thời hỗ trợ”, anh Phong nói.

Các vấn đề về kết nạp Đảng, tham gia tổ chức Đoàn, tuyên truyền hoạt động của du học sinh, kinh phí tổ chức hoạt động...cũng được đông đảo du học sinh quan tâm đặt câu hỏi. Chi tiết cuộc giao lưu trực tuyến, bạn đọc có thể theo dõi tại đây.

Tham gia giao lưu có anh Lê Quốc Phong, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Doãn Đức Hảo, Phó vụ trưởng Vụ công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) , Phạm Văn Mích, Phó Trưởng ban Công tác quần chúng, Đảng ủy Ngoài nước; Phạm Phương Chi, Trưởng Ban quốc tế T.Ư Đoàn; Trần Thanh Lâm, Phó tổng biên tập báo Tiền Phong; Lê Thanh Hà, Phó tổng biên tập báo Sinh viên Việt Nam.

MỚI - NÓNG