Trò may rủi của những cô gái sang bên kia biên giới làm phận vợ mua

Người dân ấp Bửu Ðông, xã Long Ðiền Ðông (Ðông Hải, Bạc Liêu) ngóng tin cô Nguyễn Kim Hon lưu lạc 22 năm về quê.
Người dân ấp Bửu Ðông, xã Long Ðiền Ðông (Ðông Hải, Bạc Liêu) ngóng tin cô Nguyễn Kim Hon lưu lạc 22 năm về quê.
TP - Sau những năm sang bên kia biên giới trao thân gởi phận, những phụ nữ vùng sông nước miền Tây trở về quê nhà trắng tay, lớ ngớ, bế tắc. Nhưng rồi, những vết thương thể xác, tinh thần chưa lành, họ lại rời làng quê để lấy chồng ngoại quốc mong được đổi đời như trò may rủi.

Trở về trong nước mắt

Phóng viên báo Tiền Phong chứng kiến ngày trở về của cô Nguyễn Kim Hon, 43 tuổi, ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông (Đông Hải, Bạc Liêu) thất lạc 22 năm, đoàn tụ với gia đình. Đó là một trong sáu phụ nữ miền Tây được Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin” Lạng Sơn phát hiện, cưu mang, hỗ trợ liên lạc với người thân để đưa về quê sông nước miền Tây...

Và đây, trong ngôi nhà sàn ven sông của vợ chồng ông Bùi Văn Bi (Bảy Bi), 59 tuổi, ở ấp Bào Thùng, xã Rạch Chèo (Phú Tân, Cà Mau) cô gái út của ông là Bùi Thị Mơ, 23 tuổi, lấy chồng ở Quảng Tây (Trung Quốc) vừa bị trục xuất, được gia đình đón về trong cơn hoảng loạn.

Bà Diệp Thị Thu (Năm Thu), hàng xóm, rưng rưng nước mắt: “Cháu Mơ về, mừng lắm, hay tin bị đẩy ra đường, tâm trí chưa ổn, lúc nhớ lúc quên, đang nói tiếng mẹ đẻ lại pha tiếng Tây tiếng Tàu nghe không được”.

Bà Huỳnh Thị Hằng - mẹ cô Mơ kể, khoảng 5-6 tháng trước, con rể chưa biết mặt, nói được vài tiếng “Mơ bị nhà chức trách Trung Quốc bắt đưa đi vì không có giấy tờ tuỳ thân”. Bà Hằng khóc nức nở: “Vợ chồng tôi lo cháy ruột gan, không ăn ngủ được, chẳng biết làm sao cứu con và không dám nói ra, sợ xóm làng cười chê”.

Bà Huỳnh Thị Hằng bỏ lửng câu chuyện.

Dàn lưới đáy trên sông của vợ chồng ông Bảy Bi khô rang, đồng nghĩa với vợ và các cháu ngoại của ông chạy gạo từng bữa. Ngôi nhà sàn đơn sơ, nép dưới đám cây đước, thấp lè tè, bám víu bờ sông của người hàng xóm tốt bụng cho ở đậu.

Trò may rủi của những cô gái sang bên kia biên giới làm phận vợ mua ảnh 1 Ngôi nhà ông Bùi Văn Bi vừa đón con gái lấy chồng Trung Quốc bị trục xuất về trong hoảng loạn.

Gia đình ông Bảy Bi không đất, không nghề, chữ nghĩa ít nên sinh kế là “hái lượm” ven rừng, ven biển, làm thuê kiếm sống. Cha mẹ nghèo, nên cam phận được chăng hay chớ.

Vợ chồng ông Bảy Bi có 3 người con, lấy chồng lấy vợ sớm và gãy gánh cũng sớm. Người con gái đầu lòng của ông mới 25 tuổi, có 3 con, chồng bỏ, cháu ngoại về đeo thẹo ông bà ngoại. Rồi cậu con trai 24 tuổi, có mấy đời vợ, “đi Bình Dương” kiếm sống.

Cô Bùi Thị Mơ, 23 tuổi, là con gái út, có chồng lúc 18 tuổi, sinh 1 con, chồng bỏ. “Bà mai lấy chồng Trung Quốc tìm đến, cho 10 triệu đồng, đưa đi lấy chồng, không đám tiệc gì rình rang khi gia đình nghèo khổ” - bà Huỳnh Thị Hằng kể cô Út Mơ lấy chồng ngoại.

Vợ chồng ông Bảy Bi không nhiều chữ nghĩa nhưng có suy nghĩ để đặt tên ba con: Diệu - Dàng - Mơ. Nhưng cuộc đời các con ông không gặp niềm ước ao, kỳ vọng như ông nghĩ.

Phận làm vợ mua

Dường như cô Út Mơ chưa qua cơn hoảng loạn nhưng vẫn nhớ quãng thời gian lấy chồng ở Trung Quốc. Vào đầu năm 2013, từ vùng biển Cà Mau, cô Út Mơ đi theo người mai mối, sang Trung Quốc cho bên chồng coi mắt.

Bùi Thị Mơ kể: “Bên Trung Quốc cũng nhiều phụ nữ Việt  làm dâu. Khi gặp mặt, gia đình chồng chọn, theo nhà chồng về một làng xa xôi, hẻo lánh thuộc Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây). Cuộc sống buồn tẻ, cực nhọc cam chịu cứ lặng lẽ trôi”.

Được hơn một năm, gia đình chồng bán Mơ cho gia đình khác, cũng ở trong vùng. Út Mơ không biết họ mua bán như thế nào nhưng về làm vợ cho người đàn ông thứ 2, sinh 2 người con trai (đứa lên 4, đứa hơn 2 tuổi) nên được gia đình thương yêu.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, lực lượng chức năng nước sở tại ập đến nhà, thu hết giấy tờ, tiền bạc của cô vì “giấy tạm trú” đã hết hạn. Cô buộc ra khỏi nhà, lên cơ quan công quyền, lao động khổ sai và đẩy về biên giới Việt - Trung.

Phận làm vợ mua không ai lường trước điều gì xảy ra, may nhờ rủi chịu. Cô Nguyễn Kim Hon là một ví dụ. Rời gia đình ở xã Long Điền Đông (Đông Hải, Bạc Liêu) sau khi ly hôn chồng, theo người quen lên vùng Cần Thơ rồi sang Trung Quốc từ năm 1997. Cô thôn nữ mới ngoài 20, từ đó lưu lạc xứ người, phải làm vợ cho 2 người đàn ông những năm cuối của cuộc lưu lạc 22 năm.

Bây giờ, cô Nguyễn Kim Hon làm lại từ đầu khi tiếng mẹ đẻ không còn nhớ.

Bà Phạm Hoàng Yến, CLB “Thắp sáng niềm tin” tỉnh Lạng Sơn nói: “Chúng tôi phát hiện, đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội Lạng Sơn chăm sóc, nuôi dưỡng và tìm thân nhân cho 5 cô gái miền Tây kể từ đầu năm đến nay. Có một điều đáng lo ngại là, hầu hết các cô đều bị sốc tâm lý, hoảng loạn, không nói rành tiếng mẹ đẻ”.

Vết cũ

Rẽ vào con đường nhỏ, tìm đến nhà cô Huỳnh Hồng Nhung, 22 tuổi, ở kinh Lung Tràm, ấp Cái Bát, xã Rạch Chèo (Phú Tân, Cà Mau), ông Đào Trọng Sĩ, Trưởng ấp Cái Bát, xã Tân Hưng Tây (Phú Tân, Cà Mau) cho biết, cô Huỳnh Hồng Nhung là con gái ông Huỳnh Đức Cường, lấy chồng người Trung Quốc, bị ngược đãi, phải nhảy lầu, gãy chân đã hồi hương, nhưng mấy ngày nay không gặp”.

Cụm dân cư lưa thưa với hơn 10 ngôi nhà mà người dân gọi là xóm cù lao Ông Đúng. Để đến cù lao Ông. Đúng phải đi bằng đường thủy. Người dân sinh sống bằng nuôi trồng thủy sản. Cha mẹ cô Huỳnh Hồng Nhung là ông Huỳnh Đức Cường, 41 tuổi - vợ là Đỗ Hồng Cẩm, 39 tuổi, có 7 mặt con, vỏn vẹn 5 công đất nuôi tôm, cua.

Hỏi thăm chuyện con gái đầu lòng lấy chồng Trung Quốc, ông Huỳnh Đức Cường cho biết, 3 năm trước, con gái ông theo người mai mối lấy chồng nước ngoài. Qua Trung Quốc, có chồng ngay, nhưng nhà chồng hà khắc lắm, cấm không cho ra ngoài, không làm thêm để kiếm tiền. Bức bí quá, Hồng Nhung nhảy lầu thoát thân, nhưng bị gãy chân”.

Về được với gia đình hơn một tháng, vết thương chân gãy vẫn chưa lành. Ông Huỳnh Đức Cường kể: “Nó ở nhà được mấy bữa, bỗng lại có người mai mối lấy chồng Trung Quốc, cho vợ chồng tôi 80 triệu đồng, tôi đồng ý cho đi rồi”.

Với vẻ phấn khởi bà Đỗ Hồng Cẩm cho hay: “Con Hồng Nhung đẹp gái, còn trẻ, qua Trung Quốc có chồng liền hà. Ngày nào Hồng Nhung cũng điện về, hỏi thăm cha mẹ, các em. Bên chồng cưng lắm, cho ở nhà ăn chơi, nhưng vợ chồng tôi chưa biết chỗ đó là chỗ nào”.

Phòng Tư pháp huyện Phú Tân thống kê, từ năm 2018 đến nay, có 99 người Việt Nam kết hôn với nước ngoài, trong đó Trung Quốc 35 người, Hàn Quốc 45 người. 

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.