'Trò chơi tự sát' lan truyền trên Internet đã xuất hiện tại Việt Nam

Veronika Volkova, 16 tuổi, tự sát bằng cách nhảy xuống từ một tòa nhà cao tầng sau khi tham gia “thử thách cá voi xanh”
Veronika Volkova, 16 tuổi, tự sát bằng cách nhảy xuống từ một tòa nhà cao tầng sau khi tham gia “thử thách cá voi xanh”
“Thử thách cá voi xanh”, một trò chơi được lan truyền trên mạng xã hội và Internet, mà trong đó người tham gia phải tự kết liễu đời mình sau 50 ngày. Đã có nhiều trường hợp tự sát, chủ yếu là ở độ tuổi thiếu niên, trên toàn cầu liên quan đến trò chơi nguy hiểm này. Mới đây, “thử thách cá voi xanh” đã xuất hiện tại Việt Nam.

“Thử thách cá voi xanh” là gì?

“Thử thách cá voi xanh” là một hiện tượng Internet có nguồn gốc từ Nga, được xuất hiện lần đầu tiên từ đầu năm 2016 khi Galina Mursaliyeva, một nhà báo nổi tiếng tại Nga, điều tra về hàng loạt vụ tự sát của một nhóm thành viên trên mạng xã hội Vkontakte, một trong những mạng xã hội lớn nhất tại Nga.

Khi tham gia “thử thách cá voi xanh”, người chơi sẽ phải làm theo yêu cầu của những người quản lý đứng đằng sau trò chơi này với mức độ từ dễ đến khó theo thời gian, bao gồm cả những nhiệm vụ “điên rồ” như thức dậy vào 4h20 sáng hàng ngày, xem phim kinh dị càng nhiều càng tốt, thậm chí sử dụng dao lam để rạch và tạo hình cá voi trên tay hoặc chân của mình. Đỉnh điểm của trò chơi đó là sau sẽ phải tự kết liễu đời mình 50 ngày sau khi tham gia thử thách. Đó là lý do khiến “thử thách cá voi xanh” còn được biết đến với tên gọi “trò chơi tự sát”.

Nhiều vụ tự sát trên thế giới vì “thử thách cá voi xanh”

Ban đầu trò chơi được lan truyền trên mạng xã hội Vkontakte tại Nga tuy nhiên sau đó trò chơi này đã được lan truyền một cách nhanh chóng và rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội khác như Twitter, Facebook... và lan san nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.

Trên thế giới đã có nhiều trường hợp tự sát, chủ yếu là các bé gái trong lứa tuổi vị thành niên, sau khi tham gia “thử thách cá voi xanh”.

Cuối tháng 2/2017, 2 nữ sinh Yulia Konstantinova, 15 tuổi và Veronika Volkova, 16 tuổi, đã nhảy xuống từ một tòa nhà cao tầng ở thành phố Ust-Ilimsk (Nga) để tự kết liễu đường mình. Không lâu sau đó, một nữ sinh 15 tuổi khác có tên Ekaterina bị thương nghiêm trọng sau khi nhảy từ trên mái nhà xuống nền đất tuyết ở thành phố Krasnoyarsk. Trước đó 2 ngày, nữ sinh có tên Chita, 14 tuổi, đã lao mình trước một đoàn tàu đang chạy tới để tự sát.

Trước khi thực hiện hành động tự sát của mình, Yulia đã để lại thông điệp “Kết thúc” trên trang cá nhân của mình và trước đó cô đã chia sẻ hình ảnh mình chụp chung với một con cá voi xanh, là biểu tượng của “thử thách cá voi xanh”.

Các nhà chức trách tại Nga cho biết “thử thách cá voi xanh” có thể là nguyên do gây nên 130 vụ tự sát tại Nga từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016.

Tại một số quốc gia khác như Bangladesh, Brazil, Bulgary, Trung Quốc, Ấn Độ hay tại Mỹ cũng đã có những vụ tự sát của các thanh thiếu niên được cho là liên quan đến “thử thách cá voi xanh” sau khi trào lưu này được lan rộng trên toàn cầu thông qua Internet.

Những ai đứng sau “thử thách cá voi xanh”?

Năm 2016, Philipp Budeikin, một cựu sinh viên tâm lý học 21 tuổi, người đã bị đuổi khỏi trường đại học, đã đứng ra tuyên bố rằng mình chính là nhà sáng lập của “thử thách cá voi xanh” từ năm 2013. Budeikin nói rằng mục đích của “trò chơi tự sát” này là để làm sạch xã hội và loại bỏ những người mà theo Budeikin là không quan trọng cho xã hội bằng cách ép buộc họ phải tự sát.

Mặc dù sau đó Budeikin đã thừa nhận rằng tuyên bố của mình là “chỉ cho vui” và khẳng định vô tội, tuy nhiên Budeikin đã bị cảnh sát Nga bắt giữ và tống giam vào tháng 5/2016 vì tội kích động ít nhất 16 cô gái tuổi vị thành niên tự sát. Budeikin sau đó bị kết án tù vì tội kích động trẻ vị thành niên tự sát.

 'Trò chơi tự sát' lan truyền trên Internet đã xuất hiện tại Việt Nam ảnh 1 Những người tham gia vào “thử thách cá voi xanh” bị yêu cầu thực hiện những màn tự hành xác, bao gồm sử dụng dao để tạo nên hình vẽ cá voi trên tay hoặc chân của mình

Vào tháng 6/2017, Ilya Sidorov, một người được cho là liên quan và đứng sau “thử thách cá voi xanh” cũng đã bị cảnh sát bắt giữ với cáo buộc khuyến khích trẻ vị thành niên tự làm hại bản thân và tự sát. Các nhà điều tra cho biết Sidorov đã thuyết phục 32 trẻ vị thành niên tham gia vào thử thách và làm theo các yêu cầu của mình trước khi tự sát.

Mặc dù đã bắt giữ được một số người được cho là đứng đằng sau những “trò chơi tự sát” trên mạng xã hội này, nhưng các nhà chức trách tại Nga vẫn lo ngại rằng chúng đã được lan truyền quá rộng rãi trên mạng xã hội đến mức không thể kiểm soát được.

Theo nhận định của các nhà điều tra, những kẻ đứng sau những “trò chơi tự sát” này là chuyên gia tâm lý học, biết rõ được thói quen và đam mê của những cô gái trẻ, biết thuyết phục những cô gái này làm theo mình, thậm chí đưa ra lời nhạo báng để các thiếu nữ phải làm theo, chẳng hạn chê các thiếu nữ béo hoặc xấu và khuyên họ nên tự giải thoát để tìm đến một thế giới tốt đẹp hơn.

Cảnh báo “trò chơi tự sát” nguy hiểm đã xuất hiện tại Việt Nam

Theo thông tin từ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) thì một số cha mẹ học sinh phản ánh rằng họ đang rất lo lắng trước sự xuất hiện của trò chơi "Thử thách Cá voi xanh" trong học sinh nhiều trường học tại huyện Cái Bè.

Theo thông tin phản ánh thì hiện một số thanh thiếu niên trên địa bàn huyện, nhất là học sinh bậc THCS, có biểu hiện tham gia trò chơi này. Thậm chí còn có thông tin có học sinh đã cắt tay tạo hình cá voi xanh như hướng dẫn của trò chơi trên Internet

Một số học sinh tại trường THCS thị trấn Cái Bè cho biết một số bạn trong trường đã vào mạng tìm hiểu và tham gia “thử thách cá voi xanh”, thậm chí những học sinh này còn cù rũ bạn mình cùng tham gia.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cái Bè đã báo cáo sự việc đến Huyện ủy và UBND huyện, đồng thời kiến nghị các địa phương, cơ quan chức năng trong huyện và các bậc phụ huynh quan tâm theo dõi để ngăn chặn kịp thời các học sinh có dấu hiệu tham gia trò chơi này.

“Thử thách cá voi xanh” cũng là hồi chuông cảnh báo về sự ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ, khi mà nhiều người ở tuổi thiếu niên, “độ tuổi thích nổi loạn” có thể dễ dàng nghe theo những lời xúi giục, kích động mà không thể lường hết được những hậu quả từ hành động của mình gây ra. Điều này cũng cho thấy trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc quản lý con em mình tiếp xúc với Internet, đặc biệt là mạng xã hội với nhiều tiềm ẩn.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG