Di vật đây, thân xác con nơi đâu?
Một chiều cuối tháng 3/2021, nhiều người có mặt ở hiện trường tìm kiếm nạn nhân mất tích do sự cố sạt lở thuộc thủy điện Rào Trăng 3 đã không kìm được nước mắt. Họ bất ngờ phát hiện dưới các lớp đất đá một chiếc ba lô nhỏ. Bên trong ba lô là một gói mì tôm cùng chiếc ví da có 100 nghìn đồng, điện thoại di động, mắt kính, dây sạc và các giấy tờ tùy thân mang tên Lê Văn Phú (địa chỉ phường Xuân Phú, TP Huế). Đối chiếu các thông tin, Lê Văn Phú là 11 nạn nhân mất tích tại Rào Trăng 3 chưa được tìm thấy.
Gạt nước mắt, nhiều người thuộc lực lượng cứu hộ đào bới thật kỹ xung quanh khu vực vừa phát hiện chiếc ba lô, với hy vọng tìm kiếm được những dấu vết liên quan người mất tích. Từ thành phố Huế, người nhà anh Phú tức tốc lên hiện trường, cũng với hy vọng mong tìm được con em của mình. Vậy nhưng, những ngày sau đó, mọi thứ cứ trôi đi trong vô vọng. Kết quả tìm kiếm vẫn không có gì mới. Những di vật, tài sản cá nhân của anh Phú được trao lại cho người nhà đưa về Huế như một niềm an ủi.
Di vật của nạn nhân mất tích Lê Văn Phú được tìm thấy tại một bãi bồi trên sông Rào Trăng vào cuối tháng 3 vừa qua |
Chiều muộn. Trong căn nhà vắng lặng cạnh đường Tố Hữu, phường Xuân Phú, thành phố Huế, cha mẹ của Phú vẫn vò võ chờ con về. Cầm trên tay chiếc ba lô của Phú vừa được lực lượng tìm kiếm giao lại, bà Lê Thị Danh mẹ Phú nấc nghẹn: "Con ơi, đồ dùng của con đây mà con ở đâu... Con hứa sau khi lên đó làm việc và dồn đủ tiền sẽ đưa mẹ đi du lịch, thế mà giờ con ở đâu, sao con không về nữa. Ba mẹ và các chị mong con lắm, con biết không?".
Theo người nhà, Phú là con út trong gia đình có 3 chị em, anh là một người con hiếu thảo. Phú học về chuyên ngành Điện ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, tốt nghiệp năm 2017. Ra trường, trước khi lên công tác trên công trường Rào Trăng 3, Phú làm tạm công việc mua bán hoa tươi và tạo dựng một vườn hoa hồng ngay trước nhà, cùng với một cơ sở sản xuất chế phẩm sinh học, phân bón phục vụ trong nông nghiệp. Vườn hoa, cơ sở sản xuất này sau đó Phú tặng lại cho cha mẹ, để hai người kiếm thêm thu nhập.
"Trước đây, tôi buôn bán ở vỉa hè đường Trần Quang Khải, sau đó vì dịch COVID-19 và thành phố thực hiện chỉnh trang vỉa hè, nên tôi không còn bán hàng ở đó được. Nó thương tôi, sợ tôi thất nghiệp nên tạo dựng cơ sở sản xuất này để mẹ và ba có việc làm thêm. Giờ tôi và ba cháu thay Phú duy trì cơ sở sản xuất như là một niềm an ủi. Nhưng nỗi đau mất con thì vẫn cứ đè nặng trong lòng, chưa thể nguôi ngoai khuây khỏa được", bà Danh nói trong nước mắt.
Nếu những ai từng chứng kiến loạt trận thiên tai kinh hoàng ở miền Trung, với những mất mát lớn về người, có những nạn nhân bão lũ mất đi không tìm được thân xác, mới thấu được nỗi đau, nỗi mong ngóng đằng đẵng của những người mẹ, người cha như bà Danh, ông Lê Văn Hòa (cha của Phú).
Gian nan cuộc tìm kiếm lịch sử
Những dòng sông, con suối ở Rào Trăng mùa này dần rút cạn nước, nhưng nỗi đau mất mát người thân của những người vợ, người cha, người mẹ vẫn chưa một ngày vợi đi. Đến nay, cuộc tìm kiếm đã bước sang tháng thứ 6. Một cuộc tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân thiên tai kéo dài chưa từng thấy tại Thừa Thiên-Huế, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị địa phương.
Ngần ấy thời gian, những dấu vết mất mát, đau thương tại Rào Trăng vẫn chưa phai mờ. Những ngọn núi sườn đồi bị mưa lũ kéo sập hồi tháng 10 năm ngoái vẫn còn đỏ au màu đất. Dòng nước Rào Trăng vẫn đục úa qua những cuộc đào xới kiếm tìm không ngơi nghỉ. Thi thoảng vọng lại tiếng than khóc não lòng của những người đi tìm con, tìm chồng. Bà Nhàn Thị Bê (quê Triệu Trạch, Triệu Phong, Quảng Trị) là mẹ của công nhân xấu số Nguyễn Thái Học đã không biết bao lần lên Rào Trăng và lần nào bà cũng khóc thương con đến não ruột. Bà Bê mong, với mọi nỗ lực của chính quyền địa phương có thể sớm đưa con bà về với gia đình.
Không chỉ bà Bê. Ngày cuối cùng của đợt tìm kiếm thứ tư, tôi có dịp chứng kiến ánh mắt rớm lệ thẫn thờ, vô vọng của ông Bùi Đức Lộc, cha của nạn nhân mất tích Bùi Đức Thọ (cũng quê Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). "Những ngày trước khi gặp nạn, cha con tui vẫn liên lạc với nhau. Lúc đó chưa có mưa to lũ lớn, nên khi thông tin về cho tui cháu nó bảo là an toàn, vậy mà giờ cháu nằm lại nơi đâu vẫn chưa ai rõ. Nếu không có sự cố đau thương như vậy thì bước qua năm mới này, cháu nó đã cưới vợ rồi. Tuần nào có lực lượng tìm kiếm làm việc, tui cũng đều lên đây. Về nhà giờ đây chỉ còn mình tui, trống trước vắng sau. Tui mong, dù chỉ tìm được một mảnh thân xác thôi, tui thấy an ủi lắm rồi", ông Lộc nghẹn ngào.
Sát cánh cùng các lượng cứu hộ, tìm kiếm ngay trong những ngày đầu, với những nguy hiểm luôn rình rập, trung tá Phan Thắng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: “Đợt tìm kiếm này chúng tôi xác định gặp khó khăn, vất vả hơn rất nhiều vì phải tìm kiếm ở nhiều địa điểm cách xa hiện trường vụ sạt lở, thời tiết hết sức khắc nghiệt. Giao thông khó khăn nên cơ động máy móc vào cũng rất khó. Tuy nhiên, với trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước quân đội và trước thân nhân những nạn nhân mất tích, chúng tôi phải nỗ lực cao nhất, phát huy tinh thần trách nhiệm, làm việc hết khả năng của mình để sớm tìm các nạn nhân, đưa họ trở về với gia đình".
Sau gần một tuần tổ chức đợt tìm kiếm mới, kết quả lần này vẫn chưa như mong muốn. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, nêu quyết tâm: “Sau đợt tìm kiếm mới nhất của giai đoạn 4 này, chúng tôi sẽ họp và tiếp tục triển khai các phương án tìm kiếm ở các vị trí mới và cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất".
Sau vụ sạt lở đất vùi lấp 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3, Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai 4 giai đoạn tìm kiếm. Ba giai đoạn đầu, lực lượng chức năng đã giải tỏa, đào xới khoảng 425.000m3 đất đá sông suối, núi đồi. Có tổng cộng 6 thi thể nạn nhân đã được tìm thấy. Giai đoạn 4 đào đắp, giải tỏa khoảng 20.000m3 đất đá phục vụ tìm kiếm, nhưng vẫn chưa tìm thêm được nạn nhân nào.